Hà Nội

Bác sỹ trẻ xung phong ra Trường Sa chữa bệnh cho dân đảo

03-02-2014 09:00 | Tin nóng y tế
google news

Khi biết bệnh viện cử bác sỹ ra công tác tại Trường Sa, Hoàng Ngọc Cường đã viết đơn xung phong ra đảo. Một năm ở đảo, ăn gió, nằm sóng nơi tiền tiêu của Tổ Quốc đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người bác sỹ trẻ.

Khi biết bệnh viện cử bác sỹ ra công tác tại Trường Sa, Hoàng Ngọc Cường đã viết đơn xung phong ra đảo. Một năm ở đảo, ăn gió, nằm sóng nơi tiền tiêu của Tổ Quốc đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người bác sĩ trẻ.

Bác sỹ Hoàng Ngọc Cường kiểm tra sức khỏe cho chiến sỹ trên đảo. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bác sỹ Hoàng Ngọc Cường kiểm tra sức khỏe cho chiến sỹ trên đảo. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ra đảo

Tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sỹ trẻ Hoàng Ngọc Cường (SN 1986, quê xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) được phân công công tác tại Bệnh viện 175 (đóng ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Đây cũng là bệnh viện tham gia chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

“Nghe tin bệnh viện cử bác sỹ ra đảo công tác, tôi suy nghĩ rất nhiều. Mới công tác được 1 năm, kinh nghiệm tích lũy chưa nhiều, sợ mình chưa đủ khả năng để đáp ứn nhiệm vụ mới. Nhưng với niềm háo hức được thử mình ở môi trường công tác mới, được cống hiến nhiều hơn nên tôi đã viết đơn đăng ký”, bác sỹ Cường cho biết.

Ngày nhận được quyết định ra đảo, đắn đo mãi, Cường mới quyết định gọi điện về nhà. Nỗi lo được hóa giải khi bố mẹ Cường không những không ngăn cản mà còn động viên Cường cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc đã giao.

Chàng bác sỹ trẻ càng thêm phấn chấn khi được bạn gái ủng hộ.

Đêm trước ngày lên đường, Cường không sao ngủ được. Ngồi trên tàu, trong cậu lính trẻ lần đầu tiên ra đảo là một loạt câu hỏi: Cuộc sống trên đảo như thế nào, ăn ở ra sao, có đủ nước ngọt hay không, có hay gặp bão không…

Sau 7 ngày chỉ thấy một màu xanh của trời và biển, chống chọi với những cơn mưa dữ dội, bụng rỗng vì say sóng... hình ảnh xanh mướt của cây cối, màu ngói đỏ tươi của những ngôi nhà mới xây trên đảo đủ làm vững tim người chiến sĩ trẻ. Nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền cũng vợi bớt bởi tình cảm nhiệt thành của cán bộ, chiến sỹ ở đảo dành cho người con từ đất liền ra.

“Những ngày đầu trên đảo, do chưa quen với khí hậu và chế độ sinh hoạt cộng với nỗi nhớ nhà nhớ đất liền, tôi ngỡ mình thật khó để vượt qua. Nhưng rồi, cùng ăn, cùng ở cùng sinh hoạt với cán bộ chiến sĩ trên đảo tôi như cảm nhận đươc sự ấm áp của tình người nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này mọi người sống với nhau bằng cái tình, bằng một tình yêu Tổ quốc cháy bỏng và bằng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Ở đây, không có chuyện riêng tư. Những chuyện vui buồn trong cuộc sống, từng cọng rau xanh, từng ngụm nước ngọt đều được anh em chia sẻ với nhau như người trong gia đình”, Cường tâm sự.

Những ca cấp cứu trên đầu ngọn sóng

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Trường Sa lớn, bác sỹ Cường cùng các đồng nghiệp còn phải ứng trực cấp cứu những ngư dân bị thương trên các tàu cá. Mỗi bệnh nhân được đưa vào bệnh xá cấp cứu và chạy chữa là một kỷ niệm khó quên trong đời của những bác sỹ tình nguyện ra đảo như Cường. Càng khó quên hơn khi chứng kiến các bác, các anh sau khi trở về từ tay thần chết vẫn kiên trì bám biển bảo vệ Tổ quốc giữa muôn trùng sóng gió.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo.

“Tháng 5/2013, bệnh xá đảo tiếp nhận một ngư dân rất trẻ, em mới 23 tuổi, được đưa vào cấp cứu do bị bệnh giảm áp trong quá trình lặn biển. Khi vào bệnh xá, em đã bị liệt tứ chi. Nhìn ánh mắt tuyệt vọng và những giọt nước mắt của em khi nghe tôi giải thích về tình trạng bệnh của mình, tôi thấy mình bất lực và hết sức thất vọng. Bệnh xá không có buồng giảm áp nên không thể điều trị được triệt để cho em, em chỉ có thể cử động được 2 tay.

Có lần chúng tôi tiếp nhận 2 bệnh nhân bị chìm tàu của Bình Thuận. Nghe các em kể về hành trình gần 2 ngày lênh đênh trên biển, bị cá cắn làm tổn thương phần mềm rất nhiều ở 2 chân, chủ tàu của các em vừa bị mất tàu, vừa bị mất cả con trai lẫn cháu ruột, lúc đó sao thấy thương những ngư dân, những người đang ngày đêm bám biển để bảo vệ chủ quyền nước ta vô cùng. Những lúc đó các anh em trên đảo lại góp người cái quần, cái áo, người một ngày lương để để giúp các em nhanh chóng vượt qua khó khăn”, bác sỹ Cường kể.

Trong những ngư dân bám biển, có những cụ già gần 70 tuổi. Cụ vào bệnh xá đảo Trường Sa Lớn với bàn tay dập nát và tổn thương phần mềm nhiều nơi trên khắp cơ thể. Câu chuyện 35 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của lão ngư dân đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người mới từ đất liền ra như Cường.

Mỗi ca cấp cứu thàng công, mỗi bệnh nhân xuất viện, ngư dân lại tặng cho bác sỹ, y tá con cá biển, cành san hô nhưng đối với Cường đó là phần thưởng vô cùng lớn, tiếp thêm sức mạnh để giúp anh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong công tác.

Ăn Tết trên đảo Trường Sa

Ngày Cường ra đảo cũng là những ngày giáp Tết Quý Tỵ. Dù thời khắc đón năm mới đã đến gần nhưng không khí trên đảo không khác ngày thường bao nhiêu. Cán bộ, chiến sỹ vẫn hăng say luyện tập, diễn tập các phương án phòng thủ chiến đấu. "Lúc đó, nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền ập về. Giờ này nếu ở đất liền, chắc tôi cũng đã sắm được ít nhiều bánh trái đón Tết. Nếu về nhà với bố mẹ thì cả gia đình đang chuẩn bị gói bánh chưng, đụng thịt lợn và trang hoàng nhà cửa rồi. Nói thật là lúc đó cũng thấy buồn lắm. Chỉ khi đón tàu chở hàng Tết ra đảo thì mới có thể cảm nhận được hết không khí Tết đang về với đảo, với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc", Cường tâm sự.

Một năm ở Trường Sa lớn đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người bác sỹ trẻ này.

Một năm ở Trường Sa lớn đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người bác sỹ trẻ này.

Chuyến tàu ra đảo mang theo nếp, lá dong, mứt, bánh kẹo, gà và cả một con lợn để chiến sỹ ăn Tết. Đó là tấm lòng của đất liền gửi tặng! Sau mỗi giờ huấn luyện, anh em trên đảo bắt tay vào chuẩn bị đón Tết. Người trang trí hội trường, người gói bánh, người làm thịt lợn, thịt gà... cứ tấp nập như đón hội. Khi đang chuẩn bị đón thời khắc đất trời giao duyên thì Bệnh xá nhận được thông báo chuẩn bị tiếp nhận một bệnh nhân nặng nghi bị viêm tuỵ cấp từ nhà giàn DK1 chuyển qua.

Cả đảo thức trắng. Gần 2h sáng tàu mới đến nơi nhưng không thể cập cảng do sóng rất to và trời mưa gió khá lớn. Anh em trên đảo đã phải dùng xuồng CQ ra tận tàu để đón bệnh nhân. Sau nhiều nỗ lực và cả mạo hiểm, cuối cùng bệnh nhân cũng vào được đảo. Rất may anh chỉ bị viêm dạ dày cấp nên sau vài ngày điều trị đã khoẻ mạnh. Cuối năm, không có tàu vào bờ nên Tết ở đảo đã có thêm một vị khách đặc biệt.

Nhớ về cái Tết đầu tiên ở đảo, Cường chỉ cười: "Hết sức đặc biệt. Tết trên đảo cũng thịt mỡ, bánh chưng, dưa hành nhưng đó một cái tết hết sức đặc biệt, không phải đặc biệt vì mọi người đều phải xa nhà mà vì cái cách mọi người chuẩn bị tết ở đây. Trên đảo không có hoa đào, hoa mai thì chúng tôi dùng những cành cây bão táp, cây mù u rồi trang trí hoa lá vào, trông đẹp chẳng khác gì đào mai trong đất liền cả. Gói bánh chưng bánh tét không đủ lạt để buộc chúng tôi dùng cả băng để buộc bánh…

Vị bánh chưng trên đảo cũng có cái vị đặc biệt hơn ở đất liền. Nó cũng thơm mùi nếp, béo ngậy của thịt mỡ nhưng lại có vị thơm thơm chát chát của lá bàng vuông. Ngồi quây quần bên nồi bánh chưng nghe anh em kể chuyện đón tết ở quê mình, nghe chuyện đất liền... lòng đứa nào cũng rưng rưng. Giao thừa mọi người cùng qua chùa, qua nhà thờ Bác Hồ thắp hương, cùng đi hái lộc, cùng nghe Chủ tịch Nước đọc thư chúc Tết. Lời chúc đầu năm ở đảo không phải là phát tài phát lộc, làm ăn may mắn mà chúc nhau có thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo mà Tổ quốc đã giao cho.

Sáng Mồng Một Tết cả đảo tập trung chào cờ đầu năm. Đó là lễ chào cờ thiêng liêng, lễ chào cở khẳng định chủ quyền của nước ta trên quần đảo Trường Sa. Xúc động lắm. Ngước mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời xanh, biển xanh, chúng tôi đã khóc. Tổ quốc mình đẹp lắm, chủ quyền biển đảo thiêng liêng lắm. Chúng tôi, những người lính nơi tiền tiêu Tổ quốc sẽ quyết bảo vệ vững chắc biển trời này!".

Hoàng Lam

 

 

 


Ý kiến của bạn