Phẫu thuật càng sớm, hiệu quả càng cao
Chị Hoài Thu (35 tuổi, Thái Nguyên) đang phân vân có nên cho con gái 10 tuổi đi mổ lác. Chị chia sẻ, con gái bị mắt lác từ nhỏ. Ngày trước chị đã từng đưa con đi khám và tập vật lý trị liệu nhưng mãi không khỏi. Tìm hiểu trên mạng, chị mới biết lác có thể phẫu thuật nhưng lại sợ con còn nhỏ. Thời gian gần đây, thấy con thường xuyên bị các bạn trêu chọc chị Thu mới quyết tâm đưa con đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để được tư vấn.
Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Tuỳ theo tình trạng và nguyên nhân gây lác mắt, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách điều trị khác nhau như đeo kính, tập luyện, tiêm thuốc botulinum toxin hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật mổ lác được chỉ định khi các phương pháp trên không đạt hiệu quả.
Phẫu thuật chỉnh lác nhằm mục đích điều chỉnh các cơ vận nhãn, đưa hai mắt về thẳng trục, duy trì chức năng thị giác hai mắt và thẩm mỹ cho người bệnh. Phẫu thuật càng sớm khả năng hồi phục và tăng cường thị lực ở cả hai mắt càng cao.
Phẫu thuật lác có thể được thực hiện sớm nhất với trẻ dưới 1 tuổi, đạt hiệu quả cả về chức năng thẩm mỹ và chức năng thị giác hai mắt với trẻ dưới 7 tuổi. Từ 7 tuổi trở lên, việc phẫu thuật mổ lác chủ yếu chỉ đạt hiệu quả cao ở tính thẩm mỹ.
Để mang lại hiệu quả tốt, cha mẹ nên cho trẻ khám chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa với hệ thống máy móc hiện đại cùng các phương tiện gây mê hồi sức đảm bảo.
Phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Ngày nay, hiện tượng lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng. Nhiều trường hợp khám chữa muộn chỉ có thể khắc phục được về mặt thẩm mỹ, còn chức năng thị giác bị ảnh hưởng. Vì vậy, tuổi cần được kiểm tra, phát hiện và điều trị mắt lác hiệu quả nhất là giai đoạn trẻ học mẫu giáo. Đây cũng chính là lý do tại sao bác sĩ nhãn khoa luôn khuyến khích cha mẹ phải đưa trẻ đi khám mắt sớm, định kỳ bởi nhiều trường hợp lác không phát hiện được bằng mắt thường.
Bác sĩ Thiều Hoa cho biết, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều ca bệnh không phát hiện con bị mắt lác. Chỉ đến khi lớn lên, thấy con có các biểu hiện bất thường do ảnh hưởng của mắt lác như vẹo cổ, nháy mắt, thị lực giảm, nhược thị… mới đưa con đi khám. Lúc đó, hiệu quả điều trị tuỳ thuộc vào tình trạng mắt lác của trẻ.
Phẫu thuật lác ở trẻ em là phẫu thuật gây mê có thể về trong ngày, không ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Ngược lại, nếu không điều trị sớm mắt bị lác có thể dẫn đến nguy cơ mất chức năng thị giác hai mắt. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bị mắt lác đều phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ Thiều Hoa khuyên tất cả trẻ em bị lác nên đến khám tại bệnh viện để được kiểm tra tình trạng hiện tại và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Sau khi phẫu thuật chỉnh lác, bệnh nhân sẽ xuất viện trong ngày, đi học trở lại sau 2 ngày và được hẹn tái khám sau 2 tuần. Bệnh nhân có thể phục hồi và khỏi hoàn toàn sau 6 tuần kể từ thời điểm phẫu thuật. Trường hợp gặp dấu hiệu bất thường cần tái khám lại ngay.
"Phẫu thuật là giải pháp hiệu quả nhất trong điều trị mắt lác hiện nay. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể phẫu thuật nhưng hiệu quả nhất là trước 7 tuổi và được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa có uy tín, máy móc hiện đại. Đồng thời, sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, hướng dẫn sử dụng thuốc, cách chăm sóc mắt giúp đạt hiệu quả cao về thẩm mỹ và chức năng thị giác", Bác sĩ Thiều Hoa nhấn mạnh.
Tin tài trợ