Hà Nội

Bác sỹ 30 năm ngoài đảo, bố mẹ chết không được nhìn mặt

07-02-2015 16:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cũng vì nhân dân ở đảo, ông đã dành gần trọn đời mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con ở đó.

Trong chương trình “Sự hy sinh thầm lặng” vừa được Bộ Y tế tổ chức, một vị bác sỹ công tác tại đảo Phú Quý đã khiến nhiều người rơi lệ khi ông chia sẻ về công việc thường ngày của mình trên đảo. Cũng vì nhân dân ở đảo, ông đã dành gần trọn đời mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con ở đó.

Một cuộc thi đặc biệt

Ngày 5/2, Bộ Y tế và Báo Sức khỏe và đời sống đã tổ chức trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ ba. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến dự.

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: "Ngành y là một ngành đặc biệt, chịu trách nhiệm về sức khỏe của con người từ lúc trong bụng mẹ đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Phải chịu đựng rất nhiều những áp lực của nghề nghiệp, đó là tai biến y khoa, là gánh nặng của xã hội... Ngành y chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của đời người khi cất tiếng khóc chào đời cũng như chứng kiến sự đau đớn của con người lúc nhắm mắt xuôi tay. Cuộc thi sẽ tiếp tục cho người dân thấy được sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc".

Cuộc thi này nhằm tôn vinh những đóng góp cao quý của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam - những người đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Những tấm gương trong bài viết là người thật, việc thật về các y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, lương y, cán bộ dân số, nhân viên y tế thôn, bản… trên khắp mọi miền đất nước. Nhà báo Nguyễn Thị Khánh Ly, Báo Vnexpress, với tác phẩm “Bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió” đã đoạt giải nhất.

Với sự dàn dựng công phu, "Sự hy sinh thầm lặng" là chương trình nghệ thuật tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ ngành y tế, đặc biệt biểu dương những tấm gương đã có nhiều cống hiến, hy sinh trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chương trình còn có các tiết mục nghệ thuật về tình yêu đất nước, ca ngợi ngành y tế với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, khán giả còn được gặp gỡ một số thầy thuốc tiêu biểu, gắn bó và có nhiều cống hiến trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân như: PGS.TS. BS Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV Nội tiết trung ương, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; TS.BS Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pastuer, TP Hồ Chí Minh.

Các bác sỹ đang giao lưu trong chương trình
Các bác sỹ đang giao lưu trong chương trình

Người bác sỹ của lòng dân

Trong số các nhân vật đến tham dự cuộc giao lưu, câu chuyện của bác sỹ Bùi Đình Lĩnh – Giám đốc Bệnh viện quân dân y Phú Quý – Bình Thuận khiến nhiều người xúc động hơn cả. Những tiếng vỗ tay dành cho ông dường như không ngớt.

Ông sinh ra và lập gia đình ở Thái Bình, thế nhưng, theo tiếng gọi của tổ quốc, ông đã ra đảo Phú Quý công tác.

Ông kể, những ngày đầu ra đảo, nỗi nhớ nhà quay quắt. Thế nhưng, trên đảo chỉ có mình ông là bác sỹ, ông không nỡ xin về. Rồi ông cũng có được quyết định về đất liền, nhưng cứ có quyết định về thì hàng trăm người dân trên đảo lại viết đơn xin ông ở lại. Hết lần này đến lần khác. Ông đã ở lại và cứu chữa được cho hàng nghìn người trên đảo.

Bác sỹ kể, có những tình cảm của người dân khiến ông thêm quyến luyến với họ. Có lần, ông mổ ruột thừa cho một bà cụ 70 tuổi. Sau khi khỏe mạnh, cứ mỗi tuần bà lại đi bộ chừng 3km gùi 3 trái dừa lên cho ông. Từ chối thế nào cũng không được. Bà vẫn cần mẫn gùi dừa trong 9 năm ròng đến tặng bác sỹ Lĩnh cho đến khi bà qua đời.

Trong tâm trạng xúc động, bác sỹ Lĩnh còn gửi lời xin lỗi đến vợ con và gia đình vì đã không thể chăm sóc cho họ như những người chồng, người cha khác. Ông kể, mẹ ông mất ông cũng không về được vì vào đúng dịp biển động không có tàu về. Đến khi cha ốm yếu, ông về chăm sóc được vài ngày, khi vừa quay ra đến đảo, ông nhận được tin cha qua đời. Vậy là lại chờ tàu để quay về. Nhưng khi ông về đến làng thì linh cữu của người cha đã ra đến huyệt mộ.

Bác sỹ Lĩnh cho biết, đã gần 30 năm trên đảo, giờ ông sẽ vẫn gắn bó với đảo và tiếp tục phục vụ công tác chăm sóc cho bà con trên đảo cho đến ngày về hưu.

Câu chuyện của vị bác sỹ này đã khiến nhiều người rơi lệ vì sự hy sinh quá lớn lao của một trong số những “chiến sỹ áo trắng” đang ngày đêm cần mẫn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Theo Gia đình&Xã hội

 


Ý kiến của bạn