Trước đó, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận trường hợp cụ ông N.Đ.V (99 tuổi, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng da.
Ngay lập tức người bệnh được các chuyên gia khoa Phẫu thuật Gan Mật cho thực hiện các chỉ định siêu âm, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh lý.
Sau khi thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán cụ V bị sỏi ống mật chủ trong gan phải, được chỉ định điều trị kháng sinh và hồi sức.
Một tuần sau đó, người bệnh có chỉ định mổ, tuy nhiên do người bệnh hiện đã lớn tuổi, quá trình gây mê và phẫu thuật tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nên với tiêu chí ưu tiên đặt sự an toàn người bệnh và hiệu quả điều trị lên hàng đầu, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định thực hiện phẫu thuật cho cụ N.Đ.V bằng phương pháp mổ nội soi thay vì mổ mở bụng.
Theo đó, các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Gan Mật đã phối hợp hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Gây mê và Hồi sức quyết định phẫu thuật nội soi cắt túi mật, mở ống mật chủ, dẫn lưu Kehr.
Sau phẫu thuật 7 ngày, tình trạng sức khỏe người bệnh đã ổn định, vết mổ khô, không sốt, dẫn lưu dịch mật ra tốt, siêu âm đường mật không còn sỏi, người bệnh đã có thể tự thở và đi lại.
Các chuyên gia gan mật khuyến cáo để ngăn ngừa sỏi mật, người dân nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm: ăn chín uống sôi, nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc; chất béo tốt từ nguồn thực phẩm tốt; tập thể dục thường xuyên, đặc biệt thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần để ngăn ngừa các bệnh có thể làm tăng yếu tố nguy cơ gây ra sỏi mật.
Ngoài ra, vì sỏi mật hình thành âm thầm, thậm chí có khi còn không có triệu chứng nên để phòng ngừa và phát hiện sớm, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sỏi mật.