Ngày 21/11, BS. Lê Chiêu Tú, Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện vừa vượt hơn 50 km đường rừng tới 2 xã biên giới vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ 2 sản phụ người Bru - Vân Kiều có triệu chứng khó sinh.
Trước đó, BV Đa khoa huyện Bố Trạch nhận được đề nghị xin hỗ trợ từ Trạm Y tế xã Thượng Trạch và Trạm Y tế xã Tân Trạch về việc 2 sản phụ chuyển dạ, co tử cung thưa, nước ối bẩn, chuyển dạ kéo dài, có dấu hiệu suy thai, tiên lượng đẻ khó.
Lãnh đạo bệnh viện nhanh chóng cử tổ cấp cứu với đầy đủ thuốc và trang thiết bị lên đường hỗ trợ. Sau hơn 2 giờ, xe cứu thương và cán bộ y tế bệnh viện có mặt tại Trạm Y tế xã Thượng Trạch.
Sau khi thực hiện thăm khám, đánh giá tình trạng sản phụ Y Con, cán bộ y tế xin ý kiến cho sản phụ sinh tại trạm. Sản phụ Y Con an toàn, sinh bé trai nặng 3.500 gram, sau sinh mẹ con sản phụ sức khỏe ổn định.
Tổ cấp cứu tiếp tục đến Trạm Y tế xã Tân Trạch hỗ trợ sản phụ Y Đanh mang thai 38 tuần, chuyển dạ kéo dài, tiên lượng đẻ khó. Sau thăm khám, theo dõi, tổ cấp cứu nhận định sản phụ này có thể sinh tại trạm. Sau gần 1 giờ theo dõi, sản phụ Y Đanh sinh bé trai nặng 2.500 gram, sau sinh sức khỏe mẹ con sản phụ này ổn định.
Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Bố Trạch cho biết thêm, trường hợp của 2 sản phụ này cần xử lý ngay tại trạm, không thể chuyển tới bệnh viện vì tình trạng cấp cứu, quãng đường di chuyển xa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
Xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Phòng Nha – Kẻ Bàng. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru – Vân Kiều) và người A Rem (dân tộc Chứt).
Để đến xã Tân Trạch, phải di chuyển hơn 40 km từ thành phố Đồng Hới theo tuyến đường Hồ Chí Minh tới thị trấn Phong Nha rồi rẽ vào Đường 20 – Quyết Thắng. Tiếp tục vượt hơn 30 km đường rừng khúc khuỷu dưới những tán rừng bạt ngàn mới thấy bản làng.
Trước đây, người phụ nữ A Rem nào sắp đến ngày sinh thường vào trong hang đá hoặc người chồng vào rừng chặt cây lồ ô, lá rừng về dựng một cái lều nhỏ ở bìa rừng gần nhà để làm nơi sinh nở.
Quá trình "vượt cạn" sẽ được sự giúp đỡ của cô dì, chị em trong bản. Người ta dùng thanh nứa để cắt dây rốn cho trẻ. Thỉnh thoảng người chồng sẽ đến thăm nom, tiếp tế lương thực cho vợ. Sau 7 ngày, chồng mới đón vợ con vào nhà.
Với cách sinh nở kỳ lạ này, nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong hoặc bị mắc nhiều bệnh. Sau những nỗ lực tuyên truyền, đồng bào nơi đây dần loại bỏ "hủ tục" sinh con kỳ lạ, tin tưởng vào y học và tìm đến những y bác sĩ.
Sự hy sinh thầm lặng của "nữ chiến sĩ áo trắng" trong lĩnh vực sản phụ khoa.