Bác sĩ vượt 150 km cứu bé 9 ngày tuổi có dạ dày, ruột chui qua lồng ngực, đẩy tim sang phải hiếm gặp

13-09-2019 07:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi An Giang vừa phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng (TP.HCM) phẫu thuật thành công cho bé gái 9 ngày tuổi dạ dày, ruột chui qua lồng ngực, đẩy tim sang phải hiếm gặp.

Hiện tượng các nội tạng như dạ dày, ruột non, lá lách từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh là rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Theo đó, sau khi sinh được 1 ngày tuổi, bé con chị B.N.M.T bị thoát vị hoành, suy hô hấp nặng, tím tái, rối loạn chuyển hóa tuần hoàn không ổn định. Bé được chuyển đến Khoa ICU (hồi sức tích cực) chăm sóc đặc biệt, đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp XQuang của bé cho thấy hình ảnh dạ dày, quai ruột chiếm toàn bộ phổi, chèn ép đẩy lệch tim sang bên phải.

Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công ca hiếm gặp tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang.

Ngày 12/09/2019, qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị hoành nhưng không thể chuyển viện an toàn. Bệnh viện Sản - Nhi đã tích cực liên hệ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố hỗ trợ. Bởi tiên lượng nếu không kịp thời được mổ để sắp xếp lại vị trí, nguy cơ tử vong ở trẻ rất cao. Ngay sau khi nhận được tin báo, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đã vượt gần 150 cây số để xuống hỗ trợ mổ kịp thời cho bệnh nhân. Sau khi xuống Bệnh viện Sản - Nhi An Giang qua hội chẩn các bác sĩ đã quyết định phải phẫu thuật nội soi cấp cứu ngay để đảm bảo tính mạng của trẻ.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện toàn bộ ruột non, ruột già, lá lách thoát vị nằm hoàn toàn trên khoang màng phổi. Bác sĩ phẫu thuật đưa các tạng thoát vị từ ngực về ổ bụng cho bé và khâu phục hồi cơ hoành khiếm khuyết. Ca phẫu thuật diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ đã thành công tốt đẹp. Hiện tại, bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và đang được điều trị tích cực .

Bé gái 9 ngày tuổi đã qua cơn nguy hiểm sau ca phẫu thuật thành công.

Chia sẻ về ca phẫu thuật, BSCK2 Nguyễn Kinh Bang, trưởng khoa Lồng ngực mạch máu, BV Nhi Đồng Thành Phố, trưởng đoàn hội chẩn liên viện và phẫu thuật viên chính ca bệnh cho biết: Ca phẫu thuật đã rất may mắn thành công, em bé đã trải qua dồn dập những diễn biến khó lường: Được mổ đưa nội tạng về đúng vị trí, bị tình trạng tăng áp lực động mạch phổi, quá trình gây mê hồi sức trẻ sơ sinh nhẹ cân nguy hiểm đầy thách thức. Nếu không có hệ thống hồi sức đồng bộ hỗ trợ trong quá trình chăm sóc đặc biệt nhất trong khoa Hồi sức Sơ sinh và phẫu thuật kịp thời, cháu bé sẽ không thể duy trì được sự sống như vậy.

Theo TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.

Đây là ca bệnh khó, hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời để sắp xếp lại vị trí thì nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao. Các bà mẹ mang thai tháng thứ 5 trở đi nên siêu âm, sớm phát hiện để có phẫu thuật kịp thời sau sinh đưa các tạng này về đúng vị trí sinh lý và khâu chỗ thoát vị hoành lại. Đây là ca mổ nội soi cơ hoành thành công thực hiện đầu tiên tại An Giang- TS.BS Hiền khẳng định.

 

Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành qua đó các tạng trong ổ bụng di chuyển lên khoang lồng ngực qua các lỗ của cơ hoành. Thoát vị hoành có thể là bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải. Bệnh lý bẩm sinh thường được phát hiện trong thời kỳ bào thai hoặc lúc trẻ nhỏ. Cơ hoành của thai nhi được hình thành vào tuần thứ 8 – 10 của thời kỳ phôi thai. Nếu quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện sẽ tạo thành khe hở cơ hoành khiến cho lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn và các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành gây ra bệnh thoát vị cơ hoành bẩm sinh. Thoát vị cơ hoành chủ yếu gặp ở bên trái, ít gặp ở bên phải và rất hiếm khi bị ở cả hai bên.
Dựa vào vị trí lỗ thoát vị thì thoát vị hoành có thể xảy ra qua lỗ thực quản, lỗ Morgagni hay lỗ Bochdalek. Khi chẩn đoán thoát vị hoành cần phải xem xét kỹ lưỡng về dấu hiệu lâm sàng, kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm, cắt lớp vi tính. Cộng hưởng từ ít sử dụng trong bệnh lý thoát vị hoành. Siêu âm thường được áp dụng hiệu quả ở giai đoạn bào thai và trẻ nhỏ để đánh giá thoát vị hoành bẩm sinh. Đây là phương pháp đơn giản và hữu ích trong thực hành lâm sàng.

 


Khánh Mai
Ý kiến của bạn