Nâng cao tay nghề vì tương lai trẻ thơ
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai, từ nhỏ BS. Vũ Công Tầm là người rất ham học và học giỏi. Theo nguyện vọng của bố mẹ muốn mình học ngành Y, hơn nữa bản thân ông cũng xác định nghề Y là nghề quý và rất khó, nhưng với tinh thần tuổi trẻ ham khó, ham thử thách nên ông đã quyết tâm chọn nghề này. Với sự miệt mài học tập, năm 1985 ông đã thi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Dược TP.hcm.
Cuối năm 1992, sau khi tốt nghiệp ra trường, BS. Tầm được nhận vào làm việc tại BV. Nhi đồng Đồng Nai. Ông cho hay, thời điểm này bác sĩ ra trường rất khó xin việc, nhiều người bạn của ông phải làm nghề khác và chờ đến nhiều năm sau mới xin được việc. Ông là người may mắn được làm việc tại quê hương.
Sau 2 năm làm việc tại bệnh viện, ông được cử đi học chuyên sâu về ngoại khoa nhi, cũng từ đó BS. Tầm gắn bó với nhiều ca phẫu thuật cho trẻ, trong đó có những ca trẻ vừa ra đời đã mang theo những bệnh tật hiếm gặp. Chứng kiến nhiều trẻ mới sinh ra đã mang dị tật, khiến ông không cầm được nước mắt. Ông luôn nghĩ phải làm sao để cứu sống được các bé, bởi mỗi bé sơ sinh đều rất trong sáng, thánh thiện, đáng yêu. Nuôi quyết tâm đó, ông ra sức học tập, ngoài kiến thức căn bản đã có ông còn nghiên cứu các sách chuyên ngành, ông lên mạng tìm hiểu các y văn, tài liệu của nước ngoài để học tập. Ông thường xuyên tham gia các hội nghị về chuyên ngành ngoại nhi trong và ngoài nước tổ chức. Rồi gặp những ca khó, những điều chưa hiểu hết ông lại tham vấn các thầy, đàn anh đi trước về những kỹ thuật mổ, gửi các hình ảnh, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân… để trao đổi, từ đó rút ra những kinh nghiệm phục vụ cho công tác điều trị. “Hồi còn thực tập tôi hay được vào phòng mổ với các bác sĩ, chứng kiến nhiều bác sĩ mổ những ca khó rất giỏi, thành công đã thôi thúc tôi học tập và nâng cao tay nghề để cứu chữa cho bệnh nhân. Giờ đây, chứng kiến nhiều em bé mới sinh đã mắc phải nhiều dị tật, thực sự tôi cũng rất đau lòng, bởi vậy tôi càng quyết tâm để cứu chữa cho các em”, BS. Tầm nói.
BS. Tầm kiểm tra sức khỏe cho 1 bệnh nhi sơ sinh sau ca phẫu thuật do bị bất sản hậu môn trực tràng và tắc niệu đạo
Khác với phẫu thuật cho người lớn, phẫu thuật Nhi là một chuyên ngành riêng, hầu hết các bệnh lý nhi chuyên biệt. Ông cho hay mổ cho bệnh nhi sơ sinh đòi hỏi phải nhẹ nhàng từng thao tác và phải tập trung bởi bệnh nhi sơ sinh rất nhỏ, vì vậy phẫu thuật cũng rất khó bởi phẫu trường không rộng như người lớn, không cho hết tay vào ổ bụng để thám sát, nhận định bệnh, mà chỉ dùng 2 ngón tay và các dụng cụ nhỏ để thực hiện. Vì vậy, người bác sĩ phải nhẹ nhàng, khéo léo, buộc phải nâng cao tay nghề để đáp ứng được công tác điều trị. Làm sao đó để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân, không để xảy ra lỗi trong ca mổ, nhất là tai biến do chủ quan, nếu không sẽ áy náy suốt đời.
Là người kỳ cựu trong ngành ngoại nhi của bệnh viện, thế nhưng đứng trước ca mổ cho những trường hợp quá yếu, nặng ông cũng rất lo. Không phải ông lo ca mổ không thành công mà ông lo vì trẻ quá nhỏ, sức quá yếu không trụ được, vì không ít lần ông đã chứng kiến cảnh này. Bởi vậy, mỗi một ca mổ, ông đều cầu nguyện các bé mau khỏe lại. “Mỗi khi mổ cho bệnh nhân, cha mẹ bệnh nhân đặt niềm tin ở mình. Họ hy vọng con sẽ sống mạnh khỏe sau ca phẫu thuật, vì vậy mình càng phải cố gắng nhiều hơn. Tất cả là vì con trẻ, vì những mầm non bé nhỏ cần được sống”, ông chia sẻ.
Nhiều ca bệnh hiếm gặp được cứu sống
Đối với BS. Tầm, nếu ca nào nhập viện với tình trạng quá nặng, bệnh viện không thực hiện được ông sẽ giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Những bệnh lý nào chữa được thì ông sẽ cố gắng hết sức. Đã có nhiều trường hợp cha mẹ cho con nhập viện điều trị, nhưng không đồng ý phẫu thuật, trong khi nếu phẫu thuật bé sẽ có cơ hội sống. Trước những trường hợp này, BS. Tầm đã phải giải thích rất tường tận, tìm cách thuyết phục gia đình là “còn nước còn tát” nên có nhiều trường hợp được cứu sống. Điển hình như, cách đây 2 năm, bé T.Q.T ở huyện Cẩm Mỹ, được đưa đến bệnh viện điều trị vì vừa mới sinh ra bé đã có dị tật không có hậu môn. Người nhà của bé T. khăng khăng đòi đưa bé lên TP.HCM để chữa trị, thế nhưng chính BS. Tầm đã thuyết phục gia đình để bé T. ở lại bệnh viện để phẫu thuật tạo hậu môn. Sau đó, bé T. đã khỏe lại và có một hậu môn với chức năng không khác người bình thường.
Hay như 7 năm trở về trước, ông đã cứu sống bé P.V.H.D. (ngụ phường Tân Biên, TP. Biên Hòa) bị thoát vị cơ hoành. Sau ca mổ bé D. đã khỏe mạnh và phát triển bình thường. Trong dịp Lễ kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam vừa rồi, bố của bé D. là ông Phan Thanh Hoàng đã đến cảm ơn tập thể y, bác sĩ BV. Nhi đồng Đồng Nai và bác sĩ Tầm – người đã phẫu thuật cho bé D. Ông Hoàng xúc động nói: “Tôi nhớ mãi hình ảnh người thầy thuốc mặc áo trắng đã tận tâm từng giây từng phút từ khi bé nhập viện, nhớ hình ảnh BS. Tầm điềm đạm, tận tụy, tâm lý và đầy trách nhiệm. Nếu không có bác sĩ không biết giờ này con tôi thế nào, thực sự gia đình tôi rất cảm ơn BS. Tầm”.
Làm việc tại Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, nơi tiếp nhận những ca bệnh nặng hiếm gặp, BS. Tầm đã phẫu thuật cứu sống nhiều trẻ vừa sinh ra đã mang bệnh tật. Ông tâm sự: “Chỉ cần sau ca mổ, các bé khỏe mạnh trở lại, đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm nghề của mình”. Mới đây nhất, ông đã phẫu thuật thành công cho bé gái T.T.K.A. 11 tháng tuổi (ngụ xã Xuân Lập, TX. Long Khánh) bị thận - niệu quản đôi. Sau 1 tháng phẫu thuật sức khỏe của bé hồi phục hoàn toàn.
Khi được hỏi, động lực nào để ông gắn bó với nghề, ông không ngần ngại trả lời vì yêu trẻ, vì tương lai của trẻ. Nếu được chọn lại ông vẫn chọn ngành ngoại khoa nhi. Bởi hơn ai hết, ông là người hàng ngày chứng kiến nhiều bệnh nhi mới sinh đã thiệt thòi, không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Điều đó càng thôi thúc ông học hỏi, tìm tòi và nâng cao tay nghề để tìm lại sự sống cho các bé. Ông cho hay hiện tại ông đang học tập để phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới, phấn đấu năm nay sẽ triển khai được kỹ thuật về dị dạng tiết niệu.