Bác sĩ về tận nhà cứu sống hai mẹ con sản phụ "đẻ rơi"

21-02-2019 10:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, các y bác sĩ Khoa Phụ Sản của Bệnh viện đã về tận nhà sản phụ để cấp cứu một trường hợp “đẻ rơi”.

Sản phụ là T.T.Đ. 22 tuổi, khu 10 thị trấn Mộc Châu mang thai lần hai và chưa đến kỳ sinh. Tuy nhiên, sau khi thấy đau bụng râm rẩm chị Đ. còn nghĩ có thể là do tiêu hóa.

Chưa kịp uống thuốc thì cơn đau dồn và chị Đ. nghĩ mình sắp sinh nhưng không kịp đến viện. Gia đình chị vội vàng gọi điện đến đường dây nóng của Bệnh viện đa khoa Mộc Châu cầu cứu bác sĩ.

Nhận được điện thoại về trường hợp cấp cứu sản phụ đau đẻ tại nhà lần thứ 2, ngay lập tức được sự chỉ đạo của Ban Giám Đốc, trưởng khoa Sản, phòng điều dưỡng cùng phối hợp lập tức có mặt tại gia đình, thăm khám và tiên lượng cuộc đẻ ngay tại nhà.

Cháu bé chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Theo đó, khi kíp bác sĩ đến nhà sản phụ Đ. thì tử cung chị đã mở hoàn toàn không kịp đưa vào bệnh viện nên các bác sĩ đã cho sản phụ sinh ngay tại nhà.

Dưới sự hỗ trợ của các y, bác sĩ, sản phụ đã sinh nở "mẹ tròn con vuông" ngay tại gia đình. Em bé nặng 3kg, chào đời trong niềm vui mừng, hạnh phúc của gia đình. Bà Đặng Thị Mai Hoa, ở tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu - là bà nội của cháu bé vui mừng nói: “Gia đình tôi vô cùng cám ơn các bác sĩ đã cho chúng tôi được cháu này mà mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh là niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi".


Bà nội của cháu bé vui mừng chia sẻ và cảm ơn y bác sĩ.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện về tận nhà sản phụ đỡ đẻ. Trước đó đường dây nóng của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cũng nhận được cuộc gọi khẩn từ người dân tại bản Sa Lú, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu về việc thai phụ Vàng Thị Dâu đẻ tại nhà, đã vỡ ối từ tối hôm trước.

Theo BSCK II Vy Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Sơn La do tập quán nên một số sản phụ người dân tộc thiểu số không lên cơ sở y tế để sinh con mà chọn cách đẻ tại nhà dẫn đến băng huyết. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tình trạng đã nặng nề.

Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã thành lập một kíp trực thường trú sẵn sàng lên đường cấp cứu khi nhận được cuộc gọi vào đường dây nóng của người dân. Nhờ đó nhiều ca đã được cấp cứu thành công không chỉ riêng trong sản khoa mà các ca cấp cứu ngoại viện khác từ tai nạn lao động tới tai nạn giao thông.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khám thai định kỳ là việc làm hết sức quan trọng nhằm phát hiện thai nhi có phát triển bình thường hay không, biết được sớm các nguy cơ để xử trí kịp thời, phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm, các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai, tư vấn chế độ dinh dưỡng cho thai phụ, hướng dẫn bổ sung sắt vi chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi, chăm sóc trẻ sơ sinh, dự kiến ngày sinh… Vì tương lai của đứa trẻ và vì sức khỏe của bản thân các bà mẹ cần chủ động đi khám thai định kỳ.



Trong thời kỳ mang thai, thai phụ nên đi khám thai ít nhất 6 lần. Đây là lịch khám thai cho những thai phụ bình thường. Còn đối với thai phụ có bệnh lý thì có thể khám thai nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể:

Trong 3 ba tháng đầu, có thể khám thai một lần. Lần này, thai phụ chỉ cần siêu âm đen trắng để kiểm tra chính xác xem có thai hay không? Thai đã về tử cung hay chưa? Mấy thai? Nếu có bất thường gì, bác sĩ sẽ tư vấn cách can thiệp sớm để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé.

Trong 3 tháng giữa: Thai phụ nên đi khám thai 2 lần, lần một khi thai được 12 tuần tuổi. Lần này, bác sĩ sẽ cho thai phụ siêu âm màu để kiểm tra độ mờ da gáy nhằm tầm soát bệnh down ở em bé. Tầm soát trước sinh cho trẻ giúp cho thế hệ sau mạnh khỏe, thông minh và ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.

Lê Mai
Ý kiến của bạn