Dưới đây là chia sẻ một khía cạnh đặc biệt khác của ngành Y mà đôi khi ngay cả những nhân viên y tế cũng vẫn làm trong công việc hàng ngày của mình mà cũng chưa nhận ra ý nghĩa cao đẹp của công việc đó.
Con đường người bác sĩ đã đi
Có lẽ không có ngành nghề nào đặc biệt như ngành Y, có thể do là nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người nên nhân viên y tế thường phải đối diện với những cảm xúc HỈ, NỘ, ÁI, Ố của người khác nhiều hơn so với người bình thường.
Việc khám chữa bệnh đôi khi không phải chỉ là chăm sóc về sức khoẻ thể xác cho người bệnh mà đôi khi phải chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống của bệnh nhân và gia đình. Điều đó làm cho nghề Y thật đặc biệt. Tuy nhiên, bài viết này tôi muốn đề cập đến một khía cạnh đặc biệt khác của ngành Y mà đôi khi ngay cả những nhân viên y tế cũng vẫn làm trong công việc hàng ngày của mình mà cũng chưa nhận ra ý nghĩa cao đẹp của công việc đó. Đó là công tác giáo dục đào tạo.
Khoảng thời gian thời sinh viên trên giảng đường có lẽ là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, nơi đó ta được sống hết mình vì tuổi trẻ, nỗ lực bừng cháy những đam mê, để rồi đến khi chia ly, có ai không nghẹn ngào, tiếc nuối. Đối với sinh viên ngành Y, chúng tôi đã dành cả tuổi trẻ tươi đẹp cho những bài nghiên cứu, những buổi thực hành, những giờ hội thảo học tập thêm…đó là niềm vui khi đã đặt bước chân đến gần một bước hơn với mơ ước đó là dành cả tuổi thanh xuân bên giường bệnh.
Khi tôi vào bác sĩ nội trú, buổi đi trực đầu tiên, chủ yếu là cắp sổ đi chép giao ban cho các anh lớp trên, kỹ năng lâm sàng chưa có gì chứ đừng nói đến đặt nội khí quản. Khi đến khoa 1A (khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức) vào lúc nửa đêm, gặp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng suy hô hấp phải đặt nội khí quản ngay, không có ai bên cạnh, thực sự vô cùng lo lắng mặc dù nắm được lý thuyết nhưng chưa thực hành bao giờ nhưng biết làm thế nào, không đặt thì chắc bệnh nhân chết mất. Em điều dưỡng trực trấn an bảo anh làm đi, em sẽ phụ cho anh, em phụ cho các thầy và các anh nhiều rồi. Tôi chấn tĩnh hơn và thực hiện ca đặt nội khí quản thành công với sự trợ giúp và hướng dẫn của em điều dưỡng đó. “Người thầy lâm sàng đầu tiên của tôi” đấy các bạn ạ. Đó là ví dụ minh họa cụ thể cho hoạt động giáo dục đào tạo khá đặc thù trong nghành Y.
PGS. TS Trần Trung Dũng cùng đồng nghiệp- học trò đang thảo luận về ca bệnh khó.
Chặng đường cũ kết thúc – con đường mới lại bắt đầu
Ai đã bước chân vào ngành Y là gần như xác định việc học là cả đời, liên tục, lặp đi lặp lại. Vậy học ở đâu? Học ở trường chỉ ở những giai đoạn đầu của quá trình và sau đó có thể học nâng cao lên ở các mức độ khác nhau như khoá ngắn hạn, dài hạn hoặc bằng cấp chính quy sau đại học,... trong cả quá trình học đó cũng như khi làm việc, việc học tập vẫn không ngừng diễn ra. Quá trình học tập cũng có thể bạn là người ở vai trò truyền thụ nhưng cũng có thể bạn là người ở vai trò được truyền thụ. Đặc biệt là trong lĩnh vực lâm sàng. Người điều dưỡng già hướng dẫn người điều dưỡng trẻ, người bác sĩ lớn tuổi dạy dỗ người bác sĩ trẻ trong công việc hàng ngày: mổ xẻ, săn sóc người bệnh, ... thậm chí là đối nhân xử thế trong môi trường y tế. Công việc này ai cũng phải làm, thực chất đó là 1 phần của quá trình đào tạo mà đôi khi có người không nhận thức được công việc cao đẹp đó mà mình đang làm.
Tính chất công việc của ngành Y có 1 điểm khá đặc biệt, đó là không ai làm được 1 mình, lấy ví dụ để thực hiện 1 ca phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật không thể làm 1 mình được, phải có kíp gây mê hồi sức, có các bác sĩ phụ phẫu thuật, có kíp bác sĩ điều trị và theo dõi, có các điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân sau phẫu thuật, có kíp phục hồi chức năng, kíp tư vấn và hướng dẫn dinh dưỡng,.... trong mỗi kíp lại có người chính người phụ, người chính hướng dẫn người phụ, bác sĩ hướng dẫn dặn dò điều dưỡng theo dõi săn sóc, .... tất cả lồng ghép và trộn lẫn trong công tác điều trị bệnh nhân, đó là hoạt động đào tạo giảng dạy. Cần phải nhận ra và hiểu rõ điều đó mới thấy cái ý nghĩa của công việc mình làm hàng ngày cao hơn nữa, mới thấy mình phải trân trọng nghề nghiệp mình theo đuổi trước khi cần đến người khác trân trọng.
P/S: Bài viết nhân một ngày Hà nội rất nóng, trong phòng mổ rất mát và sáng sớm nhận được tin rất vui.