Liệt cơ hô hấp vì rắn độc cắn
Khi đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, các BS tại khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và Chống độc nhanh chóng trấn an, thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
Qua thăm khám bác sĩ nhận thấy, ngón 4 chân trái của cháu L có vết răng xước dài 3cm, không chảy máu, không bầm tím đã được xử trí vệ sinh và cho dùng thuốc.
Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy hình ảnh nhiều lan tỏa hai bên trường phổi (nhu mô phổi 2 bên kém sáng dày thành phế quản). Các bác sĩ cho biết, khó khăn của ca bệnh này chính là không xác định được loại rắn đã cắn cháu L nên cũng không xác định được độc tố là gì. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi sát bệnh nhân, và sau 7 tiếng từ khi bị rắn cắn bệnh nhân có triệu chứng khó thở nhiều, đau nhiều vùng cổ, không nói được, vật vã kích thích, tím môi và gốc mũi, phổi thông khí giảm.
Sau 10 ngày điều trị bệnh nhân đã L đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện (ảnh TTYT Yên Lập)
Nhận định người bệnh nhiễm độc tố gây liệt cơ hô hấp, bác sĩ đã tư vấn, giải thích phương pháp cấp cứu và người nhà đã đồng ý để tiến hành đặt nội khí quản.
Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản với máy thở IPPV đồng thời theo dõi chỉ số sinh tồn qua máy Mornitor 7 thông số. Bệnh nhân được dùng thuốc qua truyền tĩnh mạch, đặt sonde túi dẫn lưu, sonde dạ dày và hút đờm dãi, cứ cách mỗi 4 tiếng được cho ăn cháo và sữa qua ống sonde.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, khỏe mạnh để ra viện trở về tiếp tục đi học.
BSCKI Đinh Xuân Hạnh, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm y tế huyện Yên Lập chia sẻ: “Theo ghi nhận của chúng tôi, vào mùa mưa số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn lại gia tăng. Nếu sơ cứu khi bị rắn độc cắn không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong.
Hầu hết các vết rắn cắn xảy ra trên các chi, sau khi bị rắn độc tấn công nạn nhân sẽ có các biểu hiện như: Đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15 – 30 phút; Vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da. Các dấu hiệu khác bao gồm: Buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi, thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng, nói khó, mờ mắt, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim,… và rất dễ tàn phế hoặc tử vong do liệt các cơ hô hấp.
Các bước sơ cứu nên làm khi bị rắn cắn
Động viên người bệnh yên tâm. Không tự đi lại vì có thể làm cho nọc độc phát tán nhanh hơn vào cơ thể. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.
Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Tuyệt đối không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc. Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo: Không có ích lợi, khi đắp có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.
Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện.
Không làm các biện pháp khác như: chườm đá, gây điện giật...
Không Garô: Garô là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
Không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn thay vào đó nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của con rắn để mô tả với BS (chụp ảnh nếu có thể). Nếu con rắn đã chết hoặc bắt được phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.