"Thật ra không có thời gian để mệt..."

28-02-2022 10:45 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Giữa lằn ranh sinh tử, những y, bác sĩ vẫn luôn nỗ lực hết mình để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân COVID-19 dẫu đối mặt với việc nhiễm bệnh hay đôi lúc kiệt sức, mệt đến lả người.

Chỉ còn 37kg sau khi mắc COVID-19

Bác sĩ Phạm Thị Thương - Khoa Nội Bệnh viện Gò Vấp chia sẻ, từ lúc dịch bắt đầu xuất hiện nhỏ lẻ, chị đã cùng đồng đội tham gia công tác sàng lọc bệnh nhân có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng nhiễm COVID-19, tham gia lấy mẫu cộng đồng sau giờ làm, có hôm đi lấy mẫu tới 12h đêm, đến sáng BS Thương vẫn đi làm bình thường.

"Tới khoảng đầu tháng 7 thì dịch bùng nhiều ở TP HCM, Bệnh viện Gò Vấp tạm chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19. Tôi thuộc tầng 6, điều trị bệnh nhân có bệnh nền nặng kèm theo. Trong những ngày đầu tham gia điều trị mọi thứ đều quá mới mẻ, vừa làm vừa học. Lúc vào ca trực tôi nhịn ăn nhịn uống, nhịn tất cả vệ sinh, trước khi vào ca không dám ăn nhiều, không dám uống nước vì sợ sự cố", bác sĩ Thương chia sẻ.

Bác sĩ tuyến đầu kiên trì chống dịch giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 1.

Sau giờ làm, bác sĩ Thương cùng đồng đội tham gia lấy mẫu cộng đồng.

Bác sĩ Thương cho biết, trong những ca trực kéo dài từ 8-9 tiếng, chị không cảm thấy mệt mỏi, sức mạnh  lên đến 200% nhưng khi vừa tháo đồ bảo hộ ra chị không còn một chút sức lực nào.

"Thật ra là không có thời gian để mệt, chỉ có 2 bác sĩ với hơn 100 bệnh nhân mà lúc nào cũng nghe tiếng monitor, tiếng bệnh nhân thở khó, chạy thay oxy, đổi giường đổi phòng, cho y lệnh, xem cận lâm sàng liên tục. Nhưng khi vừa tháo đồ bảo hộ xong cả người tôi không còn một chút sức, rã rời. Về đến khách sạn chỉ uống nước rồi ngủ, không thể ăn nổi", bác sĩ Thương kể.

Cũng theo bác sĩ Thương chia sẻ, sức khỏe của bản thân chính là điều khiến người thân lo lắng vì vốn bản thân chị rất gầy nhưng nhìn đồng đội "ra trận", biết bao nhiêu người đang cần chị không thể nào cầm lòng được.

"Đối với tôi đây là chặn đường vừa khó khăn nhưng cũng rất đáng nhớ, sau chặn đường này tôi cảm thấy trưởng thành hơn rất nhiều, trưởng thành trong chuyên môn cũng như suy nghĩ về cuộc sống và gia đình. Tôi và chồng vừa tổ chức đám cưới xong thì dịch bắt đầu nhen nhóm, sau đó 2 đứa 2 chiến tuyến khác nhau. Chồng tôi làm ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương còn tôi ở Bệnh viện Gò Vấp, chưa bao giờ tôi thấy Quận 5 và quận Gò Vấp lại xa nhau như vậy. Tôi và chồng cũng được nghỉ phục hồi sau tua trực nhưng trớ trêu là tôi nghỉ thì chồng vào tua và ngược lại nên hai đứa chỉ gặp nhau qua video call", bác sĩ Thương nhớ lại.

Bác sĩ tuyến đầu kiên trì chống dịch giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 2.

Những ngày tham gia điều trị, bác sĩ Thương không dám ăn nhiều, không dám uống nước trước khi vào ca trực vì sợ sự cố.

Với bác sĩ Thương, niềm hạnh phúc có lẽ là nhìn các bệnh nhân khỏe mạnh trở về nhà. Thế nhưng, điều gì đến cũng đến, vào giữa tháng 9, chị đột nhiên sốt cao, đau đầu, rất mệt, tiến hành test nhanh và làm PCR thì cho kết quả dương tính.

"Việc đầu tiên là báo cho chồng biết, còn cha mẹ hai bên thì giấu kín vì cha mẹ tôi có bệnh huyết áp nghe tin nguy hiểm lắm. Tôi  được nhập vào tầng 6 nơi tôi đang điều trị cho bệnh nhân, có đồng đội bên cạnh lo lắng chăm sóc thì tôi không thấy gì khó khăn cả, chỉ trăn trở vì đồng đội sẽ phải gồng gấp đôi, làm thêm cả phần việc của mình nữa. Tôi sốt mệt khoảng 1 tuần thì khỏe hẳn, sau 10 ngày thì mình âm tính nhưng lại sút cân khá nhiều, sút 6kg, đã gầy nay còn gầy hơn. Nếu được chọn lựa, tôi vẫn mong mình không mắc bệnh, biết đâu trong thời gian đó tôi giúp được kha khá người khỏi bệnh về đoàn tụ với gia đình", bác sĩ Thương nói.

Mắc COVID-19 vẫn  tư vấn từ xa cho bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hòa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí chia sẻ, từ lúc TP HCM bùng phát dịch lần thứ 4, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí có thăm khám và tiếp nhận một số trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 trong thời gian chờ chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện thu dung điều trị.

"Với số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mỗi ngày, bệnh viện phải huy động toàn bộ lực lượng để phân luồng, đưa bệnh nhân đến phòng chờ chuyển viện, tạm thời xử lý ban đầu cho các bệnh nhân và gọi điện thoại liên tục cho các bệnh viện thu dung để có thể chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị sớm nhất có thể", bác sĩ Mạnh Hòa chia sẻ.

Bác sĩ tuyến đầu kiên trì chống dịch giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hòa thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Mạnh Hòa kể lại, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP HCM, người dân cần giấy xét nghiệm để đi làm việc, để đi đường nên đổ về làm các xét nghiệm tại bệnh viện, cao điểm lên đến hơn 1.000 ca, trong đó nhiều trường hợp khi biết mình dương tính đã rất suy sụp, có trường hợp còn xin bệnh viện "làm lơ" để được về quê.

"Tôi nhớ như in lần đó có người đàn ông mang con nhỏ lên TP HCM thuê phòng trọ đi làm. Trước khi đi làm thì phải có giấy xét nghiệm nhưng không may là khi test ra thì anh dương tính. Lúc này người này suy sụp lắm, van xin rất nhiều vì nếu anh và con bị cách ly thì không có gì để sinh sống cả, anh muốn bệnh viện cứ "lơ" đi việc anh dương tính để anh đem con về quê. Dù rất thương trường hợp này nhưng bệnh viện phải làm theo quy định giao anh về cho y tế địa phương xử lý", bác sĩ Hòa nhớ lại.

Kể về việc mắc COVID-19 của mình, bác sĩ Hòa cho rằng, có thể coi như may mắn vì đã dương tính và may mắn vì đã vượt qua.

"Thật ra lúc phát hiện bản thân dương tính tôi cũng khá bất ngờ vì bản thân luôn đảm bảo tuyệt đối quy tắc 5K, sau đó tôi cách ly điều trị tại bệnh viện. Suốt quá trình mắc COVID-19, dĩ nhiên là không thể gặp trực tiếp tư vấn, thăm khám cho các bệnh nhân nhưng tôi luôn túc trực điện thoại để tư vấn cho các bệnh nhân gọi về. Bản thân tôi không cảm thấy thiếu may mắn khi mắc COVID-19 mà ngược lại, là một bác sĩ, tôi hiểu trong trận chiến với COVID này, tâm lý thoải mái là một điều quan trọng, chính nhờ bản thân cũng đã mắc COVID-19 tôi hiểu hơn nỗi sợ hãi cũng như những triệu chứng mà các bệnh nhân đang trải qua, từ đó cảm thông và động viên bệnh nhân vượt qua", bác sĩ Hòa chia sẻ.

Chia sẻ về hậu COVID-19, bác sĩ Hòa cho biết, khoảng thời gian sau khi âm tính trở lại anh có đủ các triệu chứng của hậu COVID như hụt hơi, bất an, khó ngủ… nhưng sau khi làm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế như tập thở, ăn uống dinh dưỡng, sức khỏe đã cải thiện rất nhiều.

"Nếu như các triệu chứng về hậu COVID nhẹ thì chúng ta có thể tập theo các bài tập của Bộ Y tế như tập thở, ăn uống dinh dưỡng…bản thân tôi thấy các bài tập này rất hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu các triệu chứng nặng hơn ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám", bác sĩ Hòa nói thêm.

Hạnh phúc nhất của một bác sĩ là khi bệnh nhân khỏi bệnh, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề Y Hạnh phúc nhất của một bác sĩ là khi bệnh nhân khỏi bệnh, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề Y

SKĐS - Thành công nhất của một bác sĩ là luôn luôn yêu nghề. Hạnh phúc nhất của một bác sĩ là bệnh nhân khỏi bệnh dưới bàn tay và khối óc của họ. Và nếu được lựa chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề Y.


Ngọc Quyên
Ý kiến của bạn