Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc và Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, trước và sau tết là thời điểm bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao. Những tuần gần đây, Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều trị có nguyên nhân liên quan đến rượu - thậm chí đã có trường hợp tử vong, suy gan, suy đa tạng sau uống rượu.
Các bác sĩ khuyến cáo, sử dụng quá mức rượu bia do liên hoan cuối năm làm tăng nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là gan sẽ bị quá tải, giảm khả năng thải lọc các chất gây độc, khiến cơ thể cũng bị tồn đọng hóa chất, bị nhiễm độc. Rượu còn gây tác hại nặng nề đến thần kinh, tim mạch….
Với những người say rượu, nhiều người có thói quen dùng nước chanh, nước bột sắn uống để giải rượu, giải độc cho cơ thể. Về điều này, ThS. BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho rằng, say rượu có nhiều mức độ, tuy nhiên khi bệnh nhân còn tỉnh, có thể tự phục vụ bản thân như tự uống, tự ăn thì bệnh nhân có thể uống thêm các loại nước hoa quả, nước gạo rang, nước có đường...
“Việc bù nước và các chất điện giải, đường và các loại vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) là cần thiết cho giải độc rượu. Vì vậy, uống bột sắn, nước chanh pha đường... là phù hợp để giải độc cho người say rượu ở mức độ còn tỉnh. Tuy nhiên, với người say rượu nặng, có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn... thì không nên tự cho bệnh nhân uống, vì có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sặc chất nôn, thức ăn vào phổi... Trong trường hợp này, việc cần làm là gọi ngay nhân viên và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng”- ThS. Thuận khuyến cáo.
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại BV Bạch Mai.
Việc uống rượu là khó tránh khỏi trong ngày đầu xuân năm mới, tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng người dân nên biết tiết chế khi uống, bởi lẽ khi say rượu, nhiều người sẽ không làm chủ được bản thân, có thể gây hại cho mình và người xung quanh. Vì vậy, say rượu cần được coi là cấp cứu. Uống rượu say gây ảnh hưởng tới toàn cơ thể, ở mức ngộ độc rượu sẽ ảnh hưởng trước hết tới các hệ cơ quan quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh... Vì vậy, phải đưa ngay bệnh nhân say rượu, ngộ độc rượu tới các cơ sở y tế có các y, bác sĩ đã được đào tạo về cấp cứu chống độc.
Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phân biệt và xử trí ngay là: hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp...), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim...) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương...
Khi phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào ảnh hưởng tới các hệ cơ quan quan trọng trên cần đưa ngay bệnh nhân ngộ độc rượu tới các cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp không có dấu hiệu bất thường nêu trên, và bệnh nhân có biểu hiện say rượu, cần gọi nhân viên y tế tới để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Trạm Y tế xã có y, bác sĩ được đào tạo về cấp cứu chống độc hoàn toàn có thể xử trí được cấp cứu ban đầu ngộ độc rượu; các cấp cứu, điều trị chuyên sâu bệnh nhân sẽ được chuyển tới chuyên khoa hồi sức cấp cứu hoặc Trung tâm Chống độc.
Uống bao nhiêu để không bị say rượu?
Các chuyên gia khuyến cáo, bia, rượu nói chung có hại nhiều hơn có lợi. Dù bia hay rượu với nồng độ, hương vị là gì thì bản chất vẫn là ethanol. Do vậy nếu, bia hay rượu vang uống quá nhiều đều gây hại cho gan và toàn bộ cơ thể. Trên thế giới, mỗi nước khác nhau có khuyến cáo cho phép uống bia rượu với tổng lượng khác nhau, nhìn chung dao động từ 10 - 40 g/ngày. Nên uống ở mức phù hợp với từng thể trạng của mỗi người, và tuyệt đối không được lạm dụng. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính (xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp...), phụ nữ có thai, trẻ em, lái xe... thì không được uống.
Ảnh minh họa.
Hiện nay trên thị trường bán nhiều loại rượu khác nhau, có cả rượu trôi nổi chứa cồn công nghiệp methanol gây ngộ độc cho con người. BS. Thuận cho biết, trên thực tế, bằng mắt thường và các giác quan không thể nào phân biệt được rượu thường và cồn công nghiệp. Cách tốt nhất để tránh ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol) là trước khi uống rượu cần biết chắc chắn nguồn gốc xuất xứ của rượu (dựa vào tem mác, nhãn hiệu chống hàng giả, mã vạch...).
Trong trường hợp không biết rõ nguồn gốc của rượu thì không uống là cách phòng tránh rượu có chứa cồn công nghiệp một cách tốt nhất. Trong trường hợp rượu nấu (nguồn là do tự mình nấu), nên đưa mẫu rượu nấu đi kiểm tra định lượng nồng độ cồn công nghiệp (methanol) trước khi sử dụng, mặc dù tạp cồn công nghiệp có trong rượu nấu là thấp, có thể ít gây ảnh hưởng.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.