Nói đến phẫu thuật u não là nói đến một kỹ thuật cao, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, chỉ được tiến hành ở những bệnh viện chuyên khoa đầu ngành có trang thiết bị tiên tiến, đặc biệt là với phương pháp phẫu thuật mổ mở với khối u lớn, được phát hiện muộn, lại nằm ở sâu trong não vùng nguy hiểm. Ở những bệnh viện lớn, trên những bệnh nhân này đôi khi còn để lại nhiều biến chứng sau mổ, hoặc gặp nhiều khó khăn, thường không lấy được hết u và hay tái phát hoặc phải mổ lại lần 2, lần 3. Vậy mà, ở một bệnh viện miền núi nghèo của tỉnh Hà Giang khi lần đầu kỹ thuật này được thực hiện lại cho kết quả tuyệt đối. Và người bác sĩ đã mạo hiểm thực hiện kỹ thuật này là bác sĩ Trương Việt Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang.
BS. Trương Việt Anh
1. “Nếu không được bác sĩ Trương Việt Anh cùng các thầy thuốc ở Bệnh viện đa khoa tỉnh cứu chữa thì tôi cũng được gia đình đưa về nhà nằm chờ chết mà thôi. Vì gia đình nghèo lắm, cơm nhiều khi còn không đủ ăn, cái chân của tất cả những người trong gia đình chưa bao giờ đi xa quá cái đất Hà
Giang thì làm sao dám về tận Trung ương để chữa bệnh. Giờ thì hàng ngày tôi vẫn vào rừng, lên nương cày cuốc kiếm ngô, kiếm gạo nuôi sống gần chục miệng ăn. Tôi được như thế này là nhờ bác sĩ Việt Anh cả”. Đó là tâm sự của anh Phàn Văn Tiến, một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được bác sĩ Trương Việt Anh chữa khỏi. Cũng may mắn như anh Tiến, chị Nguyễn Thị Xuân, dân tộc Tày, ở xã Phương Độ, TP. Hà Giang cũng được bác sĩ Trương Việt Anh cứu sống. Chị Xuân bị u màng não thái dương phải kích thước 4,0 x 4,6 x 2,7 (cm) gây phù não và hiệu ứng khối nhiều, viêm đa xoang... Với chị và nhiều bà con nơi đây, đó là căn bệnh chưa bao giờ nghe đến, nhưng nó đã đeo đẳng trên cơ thể chị bao lâu nay. Vậy mà chỉ sau gần một tiếng đồng hồ phẫu thuật, khối u màng não thái dương phải đã được bóc tách ra nhẹ nhàng, không gây biến chứng gì. Giờ đây, chị đã trở về cuộc sống lao động sản xuất và sống vui vẻ bên gia đình. Chị Xuân chia sẻ, mặc dù từ nhà chị xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ mất gần chục cây số, nhưng vì quá nghèo túng, đói khổ nên không có điều kiện đi khám bệnh thường xuyên. Hơn nữa, là một người có tuổi, lại ở bản xa tít trên núi, nên chị Xuân cũng tin vào bùa ngải, cúng bái chữa bệnh lắm. Nhưng, từ khi được bác sĩ Việt Anh chữa khỏi bệnh, giờ đây chị tin bác sĩ lắm, chính bác sĩ Trương Việt Anh đã làm cho cái suy nghĩ bảo thủ lâu nay của chị thay đổi. Vì vậy, mỗi lần con cái hay anh em họ tộc gần xa, người trong bản mắc bệnh là chị đều tự nguyện vận động họ đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế chứ không nên tin vào cái hủ tục để phải đeo nặng một khối u trong đầu bao nhiêu năm như chị. Niềm vui của gia đình Phàn Văn Tiến và của cả bản Phiền Sảng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên cũng như của gia đình chị Xuân như chắp thêm những hy vọng mới cho ngành ngoại khoa của một tỉnh miền núi cao Hà
Bác sĩ Trương Việt Anh trong một ca phẫu thuật.
Giang và cả những bệnh nhân nghèo gặp hoạn nạn như chị Xuân, anh Tiến. Chả thế mà, đã hàng năm nay kể từ ngày xuất viện, ngoài việc là lao động chính trong nhà nuôi 7 miệng ăn, thi thoảng anh Tiến vẫn dành thời gian vượt gần 30km đường núi xuống bệnh viện gửi biếu người đã cứu sinh mạng mình những sản phẩm do chính mình làm ra hoặc đơn giản là một bó rau đặc sản được lấy từ rừng, sau đó lại vội vàng ngược 30km đường núi trở về bản... Những tình cảm chân thành, hồn hậu mộc mạc của đồng bào đã khiến người bác sĩ Trương Việt Anh càng suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình với nhân dân, nhất là những người thầy thuốc ở vùng cao như anh.
2. Là một người con dân tộc Tày sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Giang, hơn ai hết bác sĩ Việt Anh hiểu nỗi khổ của đồng bào sống trong cảnh nghèo đói, thiếu tri thức. Khi tiếp nhận ca bệnh của anh Tiến, anh trăn trở và mong muốn tìm cách nào đó để cứu sống bệnh nhân mà không phải chuyển tuyến. Vì anh biết, gia cảnh họ nghèo túng nếu không chữa khỏi ở đây thì chỉ có nước về nhà chờ chết. Vậy là, sau 4 ngày trăn trở xin ý kiến hội chẩn của đồng nghiệp trong toàn bệnh viện, gửi kết quả chẩn đoán hình ảnh về xin ý kiến các bậc thầy tuyến Trung ương. Rồi anh cùng đồng nghiệp mày mò sáng tạo, cải tiến trên nền trang thiết bị hiện có của bệnh viện để chế tạo ra một lưỡi dao đốt điện kép, rồi tiến hành thử nghiệm cho kết quả cao. Tiếp tục anh lên kế hoạch chi tiết cho cuộc phẫu thuật và điều trị hậu phẫu cho bệnh nhân. Cuối cùng, được sự đồng thuận và giám sát chuyên môn từ xa của các bậc thầy tuyến Trung ương và bằng đôi bàn tay tài hoa của mình, anh đã bóc tách được hoàn toàn khối u thùy chẩm phải kích thước 8,4 x 6,1 (cm) ra khỏi não của bệnh nhân Phàn Văn Tiến, hạn chế tối đa lượng máu bị mất. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân đã bình phục, sau hơn một tuần bệnh nhân dần khỏe mạnh và xuất viện trở về gia đình. Bác sĩ Việt Anh tâm sự: “Phàn Văn Tiến vào viện vì khối u đã khá to chèn ép gây khó khăn trong vận động, liệt một số phần của cơ thể. Gia đình Tiến là người dân tộc Dao ở bản xa giáp biên giới, vừa nghèo vừa không được đi học, nên trước khi đến bệnh viện Tiến cũng đã uống nhiều bài thuốc chữa bệnh dân gian, rồi cả cúng bái, nước cuối mới đưa vào bệnh viện. Qua khám, chẩn đoán bước đầu, bệnh viện cũng xác định đây là một ca bệnh khó nằm ngoài khả năng chữa trị hiện có của bệnh viện nên đã giới thiệu cho bệnh nhân chuyển tuyến về Trung ương. Nhưng bệnh nhân vì nghèo, vì sợ tiếp xúc với một môi trường xa lạ nên đã xin ở lại nhờ bác sĩ “còn nước còn tát”, chứ không sẽ cõng bệnh nhân về bản chờ chết”. Trong “cái khó ló cái khôn”, bằng vốn kiến thức y học sẵn có và lòng yêu nghề, bác sĩ Trương Việt Anh sáng chế ra một lưỡi dao điện để giúp cuộc phẫu thuật được nhanh gọn, thành công, lấy đi được toàn bộ khối u “đồ sộ” của hai bệnh nhân mà không để lại biến chứng gì. Sáng kiến đó đã giúp khắc phục được các hạn chế của phương pháp phẫu thuật u não mở, vừa rút ngắn được thời gian phẫu thuật, giảm mất máu, giảm các biến chứng thường gặp sau mổ.
Là một bác sĩ ham học hỏi và đã từng có trải nghiệm từ phòng khám đa khoa khu vực, rồi bệnh viện của một huyện khó khăn nhất tỉnh, sau đến là Bệnh viện đa khoa tỉnh, nên bác sĩ Việt Anh được chứng kiến tất cả những thiếu thốn, khó khăn nhất của ngành y tế tỉnh nhà, đồng thời cũng được chứng kiến những đớn đau, nghèo khổ nhất của bệnh nhân nghèo người dân tộc thiểu số. Chính vì thế, ở vị trí công tác nào anh cũng sát cánh cùng đồng nghiệp khắc phục khó khăn, tìm tòi, sáng tạo vươn lên cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Một người đồng nghiệp của anh cho biết: “U não là một trong những phẫu thuật khó, trong điều kiện trang thiết bị của Hà
Giang còn thiếu, chưa có thầy thuốc nào tiên phong đi đầu trong phẫu thuật u não tại tỉnh nhà. Vậy mà từ việc được đào tạo chuyên khoa II chuyên ngành ngoại thần kinh tốt nghiệp loại giỏi tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Trương Việt Anh đã không ngừng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để vượt qua khó khăn, dành lại sự sống cho đồng bào. Sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của anh còn được ứng dụng tiên phong trong các phẫu thuật khó như: phẫu thuật cột sống, điều trị gãy hở xương dài chi, điều trị sỏi tiết niệu, điều trị cắt ruột thừa nội soi, điều trị chấn thương sọ não, tắc ruột...”.
3. Nói về sự táo bạo này, bác sĩ Việt Anh trải lòng: “Phẫu thuật nói chung và phẫu thuật u não nói riêng đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, có chiều sâu về kiến thức và trình độ chuyên môn, đặc biệt là phải có quyết tâm, coi sinh mạng bệnh nhân như tính mạng của mình để dốc tâm sức và trí tuệ cứu chữa. Trước mỗi ca phẫu thuật chúng tôi đều tiến hành hội chẩn để quy tụ tối đa tài năng và trí tuệ của các đồng nghiệp. Còn trước một ca phẫu thuật khó chưa có tiền lệ, trong điều kiện trang thiết bị chưa hoàn chỉnh thì càng cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng tuyệt đối. Vì vậy, để đảm bảo sự thành công cao nhất, sau khi khám, kết quả chẩn đoán hình ảnh chúng tôi đều gửi về xin ý kiến hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành Trung ương, từ đó đề xuất các giải pháp điều trị, phẫu thuật, được các thầy giám sát, đóng góp ý kiến chi tiết từng khâu, sau đó chúng tôi mới tiến đến phẫu thuật trên bệnh nhân”. Chính sự tỉ mỉ, cẩn trọng cộng với sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt tính mạng của bệnh nhân lên trên hết, suốt 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Việt Anh đã là người tiên phong triển khai nhiều phương pháp phẫu thuật khó, đem lại sự thành công và tạo ra những dấu mốc mới cho ngành ngoại khoa ở tỉnh miền núi nghèo Hà Giang. Đồng thời anh còn đem nhiều sáng kiến, khoa học kỹ thuật tiên tiến về ứng dụng tại bệnh viện quê nhà, góp phần cùng các thầy thuốc của tỉnh dần nâng cao chất lượng chuyên môn, hiện đại hóa các giải pháp và phương thức điều trị, dần bắt kịp sự tiến bộ của y học trong nước và thế giới. Anh cũng là bác sĩ tiên phong trong triển khai luân phiên bác sĩ về hỗ trợ, giúp đỡ bệnh viện tuyến dưới, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến, giúp giảm thời gian và chi phí tốn kém không cần thiết cho người dân nghèo.
Không chỉ đối với riêng 2 bệnh nhân Nguyễn Thị Xuân và Phàn Văn Tiến có kích thước khối u não lớn đã được phẫu thuật thành công, mà hơn ai hết tất cả những bệnh nhân đã được anh khám, chữa bệnh, cứu thoát tính mạng khỏi cơn nguy kịch, phục hồi sức khỏe trở về với gia đình, họ đều là những người thấm thía hơn cả về tài năng, y đức, tình cảm và sự cống hiến tận tụy của bác sĩ Trương Việt Anh dành cho mình và dành cho những bệnh nhân nghèo nơi vùng cao còn nhiều gian khổ, khó khăn này.
Bài, ảnh: Kim Huệ