Bác sĩ trẻ “vững tay” trong phẫu thuật tim mạch

27-04-2018 08:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Với tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, thế nhưng BS. Đỗ Trung Dũng - Phó Khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai lại “rất cứng” trong chuyên môn. anh đã tham gia phẫu thuật cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Tuổi trẻ cần thử thách

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Ninh Bình, từ nhỏ BS. Dũng là người rất ham học và học giỏi. Động lực để anh theo học nghề Y là khi chứng kiến bố mình mắc bệnh Parkinson, căn bệnh khiến 2 bàn tay của bố run, khó chịu và gây bất tiện trong sinh hoạt. Lúc đó, anh chỉ mong rằng sau này đôi tay của mình không phải đôi tay bình thường mà đôi tay phải làm được những điều lớn lao, có ý nghĩa. Với quyết tâm cao, năm 2007 anh đã thi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa Đại học Y Dược TP. HCM.

BS. Dũng tâm sự, khi đang là sinh viên anh luôn quyết tâm học và mong muốn khi ra trường sẽ được trường giữ lại giảng dạy hoặc có thể ở lại các bệnh viện lớn làm việc. Thế nhưng, qua những lần tiếp xúc với các thầy và được được các thầy chia sẻ, muốn tự đứng vững trên đôi chân của mình thì hãy đi xa hơn và đến nhiều bệnh viện khác nhau để có cái nhìn cụ thể, qua đó sẽ có hướng đi đúng đắn hơn. “Năm 2013, sau khi tốt nghiệp tôi có nhiều cơ hội làm việc tại các bệnh viện lớn có tiếng, nhưng tôi đã từ chối và muốn tìm cho mình một con đường mới, với nhiều đam mê và thử thách ở độ tuổi 24. Tôi đã dành gần 1 tháng đi đến các bệnh viện lớn, bệnh viện tỉnh, kể cả tư nhân tìm hiểu. Và khi đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai được BS. Phạm Văn Dũng, Giám đốc bệnh viện, dẫn đi tham quan và chia sẻ về sự phát triển của bệnh viện đã làm tôi ấn tượng và quyết định làm việc ở đây”, BS. Dũng nói.

Bác sĩ trẻ “vững tay” trong phẫu thuật tim mạchBác sĩ Đỗ Trung Dũng, Phó Khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (phải), cùng ê kíp thực hiện một ca mổ tim hở. Ảnh Văn Chính

Khi nhận làm việc tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, BS. Dũng vừa đi làm vừa đi học thêm về phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, nội soi phế quản, phổi ở các Bệnh viện Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TP.HCM. Thời gian học kéo dài 3 năm, nhiều lúc khiến anh mệt mỏi, căng thẳng. Ban ngày anh phải đi học và trực cùng các thầy, chiều tối lại về bệnh viện trực và mổ những ca cấp cứu. Thấy anh đi lại nhiều vất vả, các thầy muốn giảm bớt lịch trực để anh đỡ căng thẳng, thế nhưng anh lại từ chối. Bởi như anh chia sẻ, thời gian được học với các thầy rất ít, trong khi mình còn trẻ nên muốn tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để tự đứng vững trên con đường đã chọn, đây không phải là chuyên môn 1 ca mà còn rất nhiều ca khác nữa.

“Tuổi trẻ cần phải có đam mê, thử thách, cần có tầm nhìn đúng đắn và xa hơn để phát triển khoa, bệnh viện, từ đó giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cao mà không phải đi xa”, BS. Dũng chia sẻ.

Cứu sống nhiều ca bệnh tim mạch

Theo BS. Dũng phẫu thuật đã vất vả, phẫu thuật tim mạch, lồng ngực càng vất vả và nhiều thách thức gấp bội. Do vậy, bản lĩnh của bác sĩ phẫu thuật phải xác định ngay từ đầu và tìm cách vượt qua khó khăn để cứu sống bệnh nhân.

Ca phẫu thuật đầu tiên do BS. Dũng đứng mổ là bệnh nhân T.H.Đ, 26 tuổi ở huyện Vĩnh Cửu bị vết thương hở ngực bụng vào cuối năm 2015. BS. Dũng kể lại, bệnh nhân vào viện trong tình trạng choáng, sốc, suy hô hấp. Qua khám sát cho thấy bệnh nhân bị máy cưa cắt ngang ngực với vết thương sâu 15 phân, rách màng tim, cơ hoành, phổi, đứt động mạch máu liên sườn mất gần 2 lít máu, tim phổi bị hở ra ngoài. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu, truyền máu và tiến hành phẫu thuật khâu vết thương phổi, cơ hoành, tim và khâu cầm máu động mạch liên sườn bị đứt. Cuộc phẫu thuật kéo dài 2 tiếng 30 phút và ngày hôm sau các vết thương, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Mặc dù trong quá trình phẫu thuật có sự hướng dẫn qua điện thoại của các thầy từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng BS. Dũng vẫn căng thẳng: “Đây là ca phẫu thuật đầu tiên tự mình đứng mổ, với lại bệnh nhân có nhiều vết thương, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên tâm lý của tôi rất lo lắng. Chỉ một cái sơ suất của tôi không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân mà còn làm mất uy tín của bệnh viện. Vì vậy, bản thân phải vượt qua nỗi sợ hãi, tinh thần và tư tưởng cần vững vàng để cứu sống bệnh nhân, đồng thời tạo động lực cho những ca sau này”.

Bác sĩ trẻ “vững tay” trong phẫu thuật tim mạchBác sĩ Dũng thăm hỏi sức khỏe một bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh Sao Mai

Sau thành công từ ca phẫu thuật đầu tiên, đến nay BS. Dũng đã thực hiện thành công rất nhiều ca về phẫu thuật tim mạch, lồng ngực. BS. Dũng cho biết, cái khó nhất về phẫu thuật tim mạch, lồng ngực đối với người trẻ tuổi là cần có quyết tâm cao, có niềm tin mình làm được, bỏ qua mặc cảm là người trẻ. “Rất vui khi mọi người không xem mình là bác sĩ trẻ mà xem mình là người làm được việc, đó là động lực để bản thân càng cố gắng thêm”, BS. Dũng vui vẻ nói.

Với tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng dưới “bàn tay vàng” của BS. Dũng đã có rất nhiều bệnh nhân nguy kịch được cứu sống. Anh được ban giám đốc cũng như các bác sĩ lớn tuổi trong bệnh viện đánh giá rất cao. Bởi vậy, tháng 3/2017 anh đã được bổ nhiệm làm Phó khoa Hồi sức phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

“Là bác sĩ phẫu thuật cần phải hành động ngay khi bệnh nhân còn hy vọng, nếu không cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ trôi đi mất, còn với những bệnh nhân mà mình đã cố gắng nhưng do bệnh quá nặng, không cứu được thì bản thân người bác sĩ sau này khi gặp lại trường hợp như vậy phải tìm cách cứu được bệnh nhân”. Đó là tâm niệm mà BS. Dũng luôn nhắc nhở bản thân  phấn đấu trong công việc.

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết bác sĩ Đỗ Trung Dũng là một bác sĩ trẻ, có năng lực, giàu tâm huyết. Trẻ tuổi nhưng là một trong những người chủ lực phẫu thuật tim hở ở Đồng Nai.


SAO MAI
Ý kiến của bạn