Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 1.

Bất ngờ đầu tiên là Dũng quá trẻ so với hình dung của tôi. Tôi nghĩ bạn ấy cũng ngoài năm mươi tuổi. Ai ngờ mới ba mươi hai, Dũng sinh năm 1991!

Năm 2015, Dũng tốt nghiệp đại học (Đại học Y - Dược Huế) lúc hai mươi bốn tuổi. Khao khát mãnh liệt của không chỉ mỗi Dũng mà của rất nhiều tân bác sĩ là muốn học cao hơn, thi đậu bác sĩ nội trú. Rất tiếc, hoàn cảnh kinh tế gia đình đã không tiếp sức được cho Dũng thực hiện ước mơ chính đáng. Bởi ba mẹ làm nông lấy đâu ra tiền cho 3 năm học tiếp theo của Dũng.

Ba Dũng từng chạy xe ôm, ông lao động cật lực không kể đêm ngày. Gần 10 năm không quản hy sinh để lo cho con trai ăn học cũng đủ…đuối! Sức người có hạn, Dũng cũng không muốn… "tận dụng" sự hy sinh của ba mình thêm nữa. 

Con đường học lên để nâng cao trình độ của Dũng hẳn phải dừng lại? Thi bác sĩ nội trú, có thể nói là cả ngàn bác sĩ thi nhưng chỉ có 15 người được chọn. "Chuyến xe 16 chỗ, hành trình chinh phục Bác sĩ Nội trú"…đón đợi. Nhưng xe chỉ có một cánh cửa hẹp mở ra, trong khi người muốn bước vào lại quá đông! Sau 3 năm miệt mài rèn giũa… sẽ biến ước mơ thành sự thật. 

Như Dũng kể, nếu học xong khi ra trường sẽ nhận được 3 bằng: BS nội trú, thạc sĩ và BS chuyên khoa cấp I. Thế mới thấy đầu vào nghiệt ngã, khó khăn cũng phải, bởi nhiều yêu cầu rất cao!  Tiêu chuẩn phải là học viên đã qua chương trình đào tạo dành cho sinh viên Y khoa chính quy đã học xong hệ đại học; hoàn thành 6 năm đại học và tốt nghiệp từ bằng khá trở lên; có đạo đức tốt v.v… 

Chẳng lẽ lại bó tay? Mình hội đủ tiêu chuẩn, yêu cầu để thi vào học sao lại phải chấp nhận chôn chân tại chỗ, từ bỏ ước mơ? Dũng chọn con đường trở về quê hương, xin vào làm hợp đồng với BV Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để có chế độ lương… tượng trưng dùng làm học phí hằng tháng ăn học. Dũng theo học từ năm 2015 đến năm 2018, tốt nghiệp BS nội trú.

"Đôi khi em nghĩ sao mà mình lại "giàu" đến vậy (cười). Giàu nghị lực vượt khó đó anh! Nhiều lúc phải nhịn ăn sáng là anh đủ biết. Em tự hào mình đã đem một kỹ thuật cao về cứu hàng nghìn bệnh nhân vượt cơn nguy kịch. Vì nhồi máu cơ tim nếu không can thiệp sẽ chết liền, cho dù chuyển tuyến cũng chưa chắc kịp", BS Dũng thổ lộ.

Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 2.

Tận lực cứu người chữa bệnh.


Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 3.

BS Dũng trở lại làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BV Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Nhờ những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ, năm 2019, Dũng được bổ nhiệm Phó trưởng khoa. 

Năm 2021, nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp lúc 30 tuổi. Quá trẻ nhưng trách nhiệm quá lớn!

Nghe đến tên hồi sức tích cực và chống độc dễ liên tưởng đến nơi mà tính mạng con người đang như "ngọn đèn trước gió" và là nơi trách nhiệm, áp lực đè nặng lên vai những người khoác áo blouse trắng. 

Đây cũng là nơi như khoa cấp cứu, y bác sĩ, hộ lý còn phải… chống đỡ các "tác động" bằng lời nói, hành động do sự nóng nảy, mất bình tĩnh của người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, dẫu có bị nặng lời, đe dọa, thậm chí hành hung chăng nữa, y bác sĩ không được cho mình cái quyền sơ suất, mất bình tĩnh dẫn đến nhầm lẫn trong xử trí khi sinh mệnh một con người phó thác cho mình. 

Biết, hiểu rõ điều đó nên bác sĩ Dũng và đồng nghiệp trong Khoa luôn nhắc nhở, động viên nhau, bình tĩnh trước mọi sự nóng giận của người nhà bệnh nhân, tỉnh táo tập trung, dành cảm xúc và tâm huyết cho chuyên môn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần ở những thầy thuốc "một trái tim nóng và một cái đầu lạnh"!

Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 4.

Thăm, khám và điều trị bệnh nhân ngộ độc botulinum.

BS Dũng giải thích thêm, nhồi máu cơ tim cấp là bệnh rất nguy kịch. Bệnh nhân khởi phát đột ngột và có thể tử vong nhanh chóng. Do đó việc cấp cứu can thiệp cho bệnh nhân cần phải khẩn trương và nhanh nhất có thể. 

Đứng trước nhiệm vụ quan trọng như vậy, với vai trò là Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc và đứng đầu đơn vị Tim mạch can thiệp, BS Dũng và ê-kíp luôn trong tư thế sẵn sàng... chiến đấu để giành sự sống của bệnh nhân từ tay thần chết. Khi có bệnh nhân nhồi máu cơ tim là có mặt ngay tại BV nhanh nhất có thể để can thiệp cấp cứu cho dù đêm khuya mờ mịt hay mưa gió, bão bùng. 

"Chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ cấp bách và quyết liệt trong cuộc đấu tranh sinh - tử giành lại mạng sống cho bệnh nhân nên luôn luôn sẵn sàng túc trực. Bởi vì nhồi máu cơ tim là bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp tái thông mạch vành. Đây là thủ thuật đặc biệt và khó. Do đó chúng tôi thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, tham gia nhiều khoá đào tạo, liên tục chuyên sâu để nhằm cứu chữa nhiều hơn nữa các bệnh nhân", BS Dũng chia sẻ. 

Trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, Khoa phải căng mình vừa điều trị vừa phân công BS và điều dưỡng tham gia điều trị bệnh nhân trong 2 khu cách ly tập trung của huyện. Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc có 55 giường bệnh nặng hồi sức đã chịu áp lực nhiều lại thêm việc can thiệp tim mạch nữa dễ khiến có người đôi lúc bị stress. Nhưng cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, bệnh nhân tin yêu nên phải hết sức cố gắng để đáp lại những ân tình.


Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 5.

BS Dũng từng can thiệp hơn 1.500 ca nhồi máu cơ tim cấp, 120 ca đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, cấy máy phá rung từ năm 2019 đến nay. Cứu được rất nhiều ca nhồi máu cơ tim nguy kịch. 

"Khi có bệnh, nhận được tin là đi ngay không kể giờ giấc. Rất nhiều trường hợp nguy kịch được em cứu sống. Có khi phải đi ghe bơi vì nhằm vào mùa lụt. Em cũng không thể nhớ chính xác mình đã cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân…", BS Dũng bày tỏ khi tôi hỏi đã cứu được bao nhiêu bệnh nhân mà mạng sống "nghìn cân treo sợi tóc"? 

Hầu như đối với BS Dũng, không có ngày lễ hoặc Tết bởi vì là BS mổ chính, không có ai thay. BS Dũng dẫn chứng vài trường hợp như bệnh nhân Lê Thị Tư (năm mươi sáu tuổi), quê thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, nhồi máu cơ tim nặng, tắt 2 nhánh được cứu sống; Bệnh nhân Nguyễn Văn Thành (bảy mươi tuổi), ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện  Đại Lộc, bị nhồi máu cơ tim, ngưng tim ở nhà và được cứu sống… 

"Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bác sĩ Lê Minh Dũng và toàn bộ đội ngũ y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực -Chống độc. Cảm ơn sự tận tâm, nhiệt tình của các bác trong suốt quá trình phẫu thuật và điều trị cho vợ/mẹ của chúng tôi. Chúc bác Lê Minh Dũng và tất cả các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Gia đình trân trọng cảm ơn!", nội dung thư cảm ơn của gia đình bà Tư kèm một lẵng hoa.

Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 6.

Thăm, khám bệnh nhân cấy máy phá rung.

Ngày 22/8/2022, Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế Quảng Nam đưa tin "Thực hiện thành công phương pháp can thiệp "Chụp nút mạch dị dạng động mạch vành sang động mạch phổi bẳng coil (đoạn dây kim loại xoắn)" lần đầu tiên tại Quảng Nam. 

Cụ thể, sáng 18/8/2022, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc BV Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiến hành phương pháp này đối với bệnh nhân Trần Thị T. (năm mươi bốn tuổi), quê ở huyện Nông Sơn, Quảng Nam, kịp thời cấp cứu bệnh nhân qua nguy kịch. 

Ths. Bs Lê Minh Dũng-Trưởng khoa cho biết, bệnh nhân vào viện với các triệu chứng tức ngực, khó thở, suy tim trái, thiếu máu mạch vành phải. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đã chỉ định chụp mạch vành và kết luận: "Dị dạng động mạch vành dò sang động mạch phổi. Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp". Sau khi can thiệp, tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, hết khó thở".

Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 7.

Thăm, khám bệnh nhân sau can thiệp nhồi máu cơ tim.

Trong những năm qua BS Dũng đã cứu chữa thành công rất nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch. Hơn 1.500 ca, tỉ lệ cấp cứu thành công đến hơn 90%! 

"Khi thấy được bệnh nhân của mình xuất viện thì đúng là niềm hạnh phúc, vui mừng khó tả. Thấy trách nhiệm, nỗ lực của ê-kíp được đền bù. Tuy nhiên cũng có đôi khi bệnh nhân không qua khỏi dù mình đã làm hết sức. Góp phần chia sẻ với gia đình người mất, mình cũng xin hãng hỗ trợ chi phí mổ, stent. Những lúc như vậy mình thấy rất là buồn, tiếc nuối và có gì đó cắn rứt. Không biết đã làm tốt nhất cho bệnh nhân hay chưa? Có thiếu sót gì trong quá trình tác nghiệp?... Nhiều câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu, cứ day dứt khôn nguôi", BS Dũng bộc bạch. 

Sau những ca cấp cứu là những kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm qua thực tế được sàng lọc, đúc kết. Phải luôn luôn học tập, trao đổi chuyên môn để hoàn thiện kỹ năng, nhất là lúc thực hiện ca can thiệp. Nếu có thất bại, có đau buồn thì lấy đó làm bài học, hoàn thiện mình hơn để lần sau hạn chế, tránh đi những thất bại... Luôn nghĩ đến người bệnh, coi họ như người thân của mình để có thêm động lực trong khi cứu chữa. 

BS Dũng, người đứng đầu Khoa tâm huyết với nghề, luôn truyền cảm hứng, động lực tích cực cho đồng nghiệp. "Chúng tôi thấy càng ngày càng làm chủ và thực hiện thêm nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp để cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân. Đó là niềm mong đợi không chỉ của chúng tôi mà còn của tập thể cán bộ, nhân viên, Ban Giám đốc BV và cả người dân Đại Lộc, bà con các huyện miền núi, huyện, thị, thành phố lân cận của tỉnh", BS Dũng tâm sự.

Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 8.

Bác sĩ Dũng tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về can thiệp tim mạch.


Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 9.

Để nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, BS Dũng tích cực tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về can thiệp tim mạch; tham dự, tổ chức Hội thảo về Đột quỵ với BV Đa khoa Đà Nẵng, với BV Bạch Mai, Hà Nội…

Tập thể Khoa đoàn kết, nỗ lực từ cứu chữa người bệnh đến nghiên cứu khoa học, cập nhật thông tin, phác đồ điều trị… Tập thể nhiều năm liền được Ban Giám đốc BV, ngành Y tế địa phương tặng giấy khen ghi nhận thành tích. Cá nhân BS Lê Minh Dũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2019, 2020; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền, từ năm 2019 đến 2022.

Ngoài đề tài " Can thiệp đặt stent điều trị nhồi máu cơ tim cấp" là đề tài "Đánh giá kết quả cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại BV Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam" của Ths Bs Nội trú Lê Minh Dũng được Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam công nhận kết quả thực hiện đạt, được công bố và sử dụng theo đúng quy định hiện hành (Quyết định số 917/QĐ-SYT ngày 23/11/2020). 

Đặc biệt là ca cấy máy phá rung đầu tiên cho bệnh nhân sáu mươi tuổi. Bệnh nhân rung thất và nhịp nhanh thất nhiều lần gây ngất và ngưng tim. Bệnh nhân vô viện lại vì nhanh thất và rung thất không có huyết áp. Nhờ xử trí sốc điện và cấy máy phá rung vĩnh viễn nên cứu sống bệnh nhân.

BS Dũng giải thích: "Nhịp nhanh thất hoặc rung thất là một rối loạn nhịp cấp tính nguy hiểm gây đột tử rất nhanh vì bệnh nhân không có huyết áp. Nó xảy ra đột ngột không có báo trước. Phương pháp điều trị là sốc điện cắt cơn. Tuy nhiên không thể đưa bệnh nhân đến BV cấp cứu sốc điện ngay lập tức. Do đó cấy một cái máy phá rung ICD vào tim bệnh nhân. Khi bệnh nhân lên cơn nhanh thất, máy sẽ tự nhận biết và sốc để cứu tức thì".

Bác sĩ trẻ tâm huyết, truyền động lực cho đồng nghiệp - Ảnh 10.

Phối hợp BV Đà Nẵng tổ chức Hội thảo về đột quỵ tại BV Đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam.

Được cấp trên tin tưởng, cấp dưới tin yêu, BS Dũng khiêm tốn học hỏi nên ngày càng thể hiện tốt kỹ năng, nghệ thuật lãnh đạo, trình độ chuyên môn. Và nhất là tập hợp đội ngũ y, BS, điều dưỡng, nhân viên phát huy được sự đoàn kết trong Khoa, trong BV. 

Chất lượng sinh hoạt chuyên môn trong Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc và đơn vị Tim mạch can thiệp ngày càng nâng cao. Lãnh đạo Khoa, đơn vị còn dành thời gian đào tạo tại chỗ, nhằm nâng cao và bồi dưỡng thêm kiến thức, chuyên môn cho các đồng nghiệp. 

"Vừa là Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc vừa là Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, BS Dũng gánh trên mình trọng trách nhiều hơn. Bệnh lý tim mạch cực kỳ khó và đòi hỏi thời gian xử lý và can thiệp kịp thời, được gọi là "giờ vàng". Vì vậy, dù nhà cách BV gần 5 cây số nhưng không kể ngày đêm, ngày nghỉ hằng tuần hoặc lễ, Tết, bất kể lúc nào, đồng nghiệp gọi, BS Dũng đều có mặt xử lý cho người bệnh. Từ nhà đến BV có một đoạn đường trũng thấp, mùa mưa hay ngập nước. Việc đi lại khá khó khăn, nguy hiểm. Nhưng với tinh thần tất cả vì bệnh nhân, BS Dũng cũng tìm mọi cách vượt qua, chạy đua với  thời gian để đến với người bệnh sớm nhất", Thạc sĩ Y khoa Lê Phước Duy, một đồng nghiệp với BS Dũng kể.

Với trình độ, năng lực của một bác sĩ trẻ như BS Lê Minh Dũng thì các BV tư nhân sẽ … "trải thảm đỏ" với mức lương hậu hĩnh. Nhưng vì sao BS Dũng lại gắn bó với một BV công lập, ở một địa bàn còn nhiều khó khăn? Thì ra, chính mảnh đất này mình được sinh ra, được dưỡng nuôi, trưởng thành, được ăn học nên người. Hơn nữa, BV đã tạo điều kiện tốt nhất cho mình được học thêm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Vì vậy, việc quay lại BV phục vụ bà con, quê hương như một sự tri ân là chuyện đáng phải làm.

Ý kiến của bạn