Hà Nội

Bác sĩ trẻ luôn trăn trở với những 'nụ cười khiếm khuyết' của trẻ thơ

24-02-2023 06:26 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Những ai đã từng gặp bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, có lẽ đều có ấn tượng hình ảnh một bác sĩ trẻ có đôi mắt sáng và nụ cười hiền gần gũi.

Hơn thế, sự năng động, nhiệt tình, cống hiến hết mình ở người bác sĩ trẻ này thực sự đã lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực cho những người xung quanh về niềm say mê nghề nghiệp, tình yêu thương, sự sẻ chia đối với người bệnh và cộng đồng.

"Hãy sống có ý nghĩa và cống hiến khi Tổ quốc cần"

Tấm gương bác sĩ trẻ tình nguyện vì cộng đồng - Ảnh 1.

Bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Nghĩa (Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba).

Sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp Y Nha khoa tại Đại học Nantes (Pháp), bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa tiếp tục học chuyên khoa Răng hàm mặt Đại học Y Hà Nội và từ đó đến nay công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Mặc dù mới 6 năm công tác, nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Nghĩa luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và nỗ lực cống hiến hết sức mình cho cộng đồng với tâm niệm "hãy sống một cuộc đời thật ý nghĩa và cống hiến khi Tổ quốc cần".

Những tháng ngày sống trong đại dịch COVID là khoảng ký ức không thể nào quên của tất cả chúng ta và đó cũng là thời gian bác sĩ Nghĩa không nề hà gian truân, vất vả, với nhiệt huyết của tuổi trẻ xung phong làm "thủ lĩnh" thiết lập tổ cung ứng thực phẩm và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng dịch phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhớ lại thời điểm đó, khi chứng kiến cảnh các tình nguyện viên, đa phần là các bạn trẻ vất vả trong cái nắng gay gắt để vận chuyển đồ cung ứng cho người dân trong khu vực có dịch nhưng hàng hóa, nhu yếu phẩm thường chất đống lộn xộn khó phân phát, thực phẩm không được bảo quản tốt có thể ôi thiu khi đến tay người dân, bác sĩ Nghĩa đã suy nghĩ lập ra một quy trình giao nhận đồ, phân luồng hợp lý, tiết kiệm được thời gian và nhân lực, cung ứng đủ hàng hóa, thực phẩm cho bà con mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.

Không chỉ tận tình hướng dẫn các tình nguyện viên và người dân trong khu cách ly về các kĩ năng phòng dịch, chăm sóc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, bác sĩ Nghĩa còn là "thủ lĩnh tinh thần", động viên mọi người bình tĩnh, đoàn kết, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn dịch bệnh.

"Mình là bác sĩ, trong lúc nguy nan, mình phải có mặt, phải động viên mọi người bình tĩnh. Tất cả cùng đoàn kết, chia sẻ, yêu thương nhau mới vượt qua được khó khăn và chiến thắng", BS Nghĩa chia sẻ.

Tấm gương bác sĩ trẻ tình nguyện vì cộng đồng - Ảnh 2.

Hình ảnh đẹp của bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Nghĩa và các tình nguyện viên trong những tháng ngày giúp nhân dân phường Chương Dương vượt qua dịch bệnh.

Chia sẻ với người bệnh từng giọt máu của mình

Thấu hiểu những khó khăn người bệnh có thể gặp phải khi không có máu điều trị, nhiều năm qua bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa luôn tích cực hiến máu tình nguyện. Đều đặn cứ 3 tháng một lần, anh lại chia sẻ những giọt máu quý giá của mình cho những người bệnh không may mắn cần truyền máu.

"Đối với bệnh nhân, nhất là những người mắc các bệnh về máu thì mỗi giọt máu đều quý giá giúp họ duy trì sự sống. Mỗi lần hiến máu tôi đều muốn gửi gắm tình yêu thương của mình đến với người bệnh. Dù có thể không biết họ là ai nhưng tôi luôn cảm thấy vui khi dòng máu của mình có thể mang lại sự sống cho người khác.

Tôi cũng muốn lan tỏa tình thương và ước muốn của mình đến với nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ khỏe mạnh, hãy tích cực tham gia hiến máu để giúp người bệnh hiểm nghèo kém may mắn hơn mình có cơ hội được sống…", bác sĩ Nghĩa tâm sự.

Hiện bác sĩ Nghĩa là thành viên tích cực của Câu lạc bộ "Thanh niên phản ứng nhanh hiến máu cứu người" của Quận đoàn Hoàn Kiếm (Hà Nội). Anh luôn là người xung phong tình nguyện hiến máu trong các chiến dịch hiến máu và tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu.

photo-1677063347230

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa tham gia hiến máu tình nguyện.

...Và thấy nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt các bệnh nhi là hạnh phúc lại ngập tràn

Mong ước được mang lại "nụ cười trọn vẹn" cho những em bé không may mắn bị dị tật bẩm sinh sứt môi, hở vòm miệng là mong ước lớn nhất trong cuộc đời của bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa.

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Trung Nghĩa đã theo chân bố mình (bố của anh cũng từng là một bác sĩ phẫu thuật hàm mặt tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba) trong những ca trực. Cậu bé Nghĩa khi ấy thường ngồi ngoan một chỗ để bố làm việc. Cậu thấy bố và các bác sĩ khám cho các em bé bị dị tật sứt môi, hở vòm miệng. Đôi khi cậu cảm thấy hơi sợ khi thấy những em bé bị dị tật có khuôn mặt nhăn nhúm, nụ cười méo mó, khóc ngặt nghẽo trên tay những ông bố bà mẹ trông khắc khổ và buồn…

Những hình ảnh ấy luôn ám ảnh cậu. Cậu đã hỏi bố hàng trăm câu hỏi vì sao về những em bé ấy. Bố kiên nhẫn giải thích và dẫn cậu đi gặp lại những em bé sau phẫu thuật. Thật kỳ diệu, Nghĩa đã được thấy nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt những em bé đó. Từ đó, cậu quyết tâm nuôi mơ ước sẽ trở thành một bác sĩ phẫu thuật hàm mặt để góp phần mang lại niềm hạnh phúc, nụ cười trọn vẹn cho những em bé không may bị dị tật bẩm sinh.

Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, nơi bác sĩ Nghĩa công tác là nơi thực hiện Chương trình phẫu thuật nụ cười do Tổ chức Operation Smile hỗ trợ ngay từ những ngày đầu từ năm 1989. Từ đó đến nay đã có hơn 62.000 bệnh nhi đã được can thiệp để khắc phục dị tật khe hở môi, vòm miệng miễn phí, được trả lại cuộc sống bình thường như bao người khác.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa tuy còn trẻ nhưng đã thực hiện nhiều ca mổ cho trẻ bị dị tật môi, vòm miệng. Anh may mắn được những thầy tài giỏi của Khoa Phẫu thuật hàm mặt tận tình chỉ bảo tham gia thực hiện chương trình mổ nhân đạo cho các em.

photo-1677063349834

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa trong một ca phẫu thuật cho trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng.

Theo bác sĩ Nghĩa, hàng năm, có đến khoảng 2.000 trẻ em ra đời bị mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng. Dị tật này không chỉ ảnh hưởng đến ăn uống của trẻ, dễ khiến trẻ bị sặc, phát âm ngọng... mà còn là nỗi đau về hình thể đối với bản thân trẻ. Nhiều bậc cha mẹ cả đời không nguôi day dứt trong lòng, trách mình sinh ra con không có một nụ cười trọn vẹn…

Hơn nữa, trong số những trẻ em bị dị tật này, phần lớn có gia đình quá nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa, vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Do vậy, không chỉ tích cực tham gia thực hiện các ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị dị tật, bác sĩ Nghĩa còn luôn chú ý tìm hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân để tìm cách giúp đỡ, chia sẻ trong khả năng của mình.

Anh cũng tích cực liên hệ với các cá nhân, đơn vị có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho các bệnh nhi khó khăn, đặc biệt là các bệnh nhi người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Thậm chí, khi biết được hoàn cảnh và tình trạng dị tật của bệnh nhi, anh còn chủ động liên hệ, vận động bố mẹ các bé đưa con mình đi khám và phẫu thuật. Như trường hợp của bé Trương Minh Vũ (ở Hà Nam), anh giải thích và động viên bố mẹ bé rằng: dị tật chỉ là vấn đề bên ngoài, khoa học y tế có thể khắc phục được. Bé Vũ cần được phẫu thuật để có cuộc sống bình thường trọn vẹn như bao em bé khác với sự chung tay của cả bố mẹ và cộng đồng. Và cuối cùng, bé Vũ đã được phẫu thuật thành công.

Hay như mới đây là trường hợp của các bé: Vừ Mí Hùng (9 tháng tuổi); Ly Thị Phương (12 tháng tuổi); Già Thị Máy (2,5 tuổi), đều là người dân tộc Mông (ở Mèo Vạc - Hà Giang). Sau khi nhận được liên lạc của chị Phạm Thị Nhan (một nhà từ thiện ở Hà Giang) trao đổi về tình trạng dị tật của các bé và đề nghị giúp đỡ về tài chính vì gia đình các bé quá khó khăn, bác sĩ Nghĩa đã liên hệ với một số nhà hảo tâm để giúp các bé.

Với hiểu biết còn hạn chế, cha mẹ không biết tiếng Kinh, tâm lý lại rất lo lắng, nhưng với sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Nghĩa và các y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, có 2 bé đã được phẫu thuật thành công và được một số nhà hảo tâm hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt. Còn bé Ly Thị Phương hiện cần chờ đủ cân nặng sẽ được phẫu thuật…

photo-1677063351975

Hạnh phúc khi thấy những nụ cười trọn vẹn của trẻ thơ.

Mặc dù luôn bận rộn, thậm chí không có thời gian cho gia đình, nhưng đối với bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, mỗi lần được nhìn thấy nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt các bệnh nhi là cảm xúc hạnh phúc lại ngập tràn. Điều đó cũng là động lực để anh ngày càng vững bước trên hành trình đi tìm lại nụ cười và niềm hạnh phúc trọn vẹn cho những mảnh đời bé nhỏ không may mắn.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Ngành y cao quý nhưng để cán bộ y tế tự nói về bản thân mình thì rất khóBộ trưởng Đào Hồng Lan: Ngành y cao quý nhưng để cán bộ y tế tự nói về bản thân mình thì rất khó

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành y là một ngành rất đặc biệt, đặc thù, một ngành rất cao quý nhưng để đội ngũ cán bộ y tế tự nói về chính bản thân mình thì chắc là rất khó..

Xem thêm video đang được quan tâm

Hạnh phúc nở hoa với người phụ nữ đã bước qua nỗi đau có HIV


Dương Thanh Hoàn
Ý kiến của bạn