Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo: Những ca nha khoa thẩm mỹ khó mang lại nhiều cảm hứng trong công việc

23-06-2021 20:00 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Hẹn gặp chị Thảo trong một buổi chiều mùa hè, lắng nghe câu chuyện về nghề nha khoa thẩm mỹ chị đang theo đuổi hay cách chị tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng đã khiến tôi đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

Xin chào chị, trong nha khoa thẩm mỹ, răng sứ được coi là xu hướng vì thời gian làm nhanh, lợi nhuận cao, vậy tại sao chị lại quyết định theo đuổi chuyên ngành chỉnh nha?

Đây thực sự là một câu hỏi hay và cũng đã có rất nhiều bạn bè đã hỏi tôi (Cười). Tôi nghĩ đó cũng là một cái duyên, vì khi theo học bác sĩ nội trú, được trau dồi về tất cả các chuyên ngành nha khoa thì tôi cảm thấy bị thu hút bởi chỉnh nha. Tôi không phủ nhận răng sứ thẩm mỹ là một dịch vụ ngành càng phát triển và mang lại nguồn thu nhập cao.

Nhưng đối với tôi, khi những chiếc răng vẫn còn tốt chỉ là nó nằm sai vị trí, tại sao mình không dành thời gian sắp xếp nó lại để nó đều và đẹp hơn. Tôi không phải là bác sĩ có thể đem lại cho bệnh nhân một hàm răng đẹp trong thời gian ngắn nhất nhưng tôi luôn tôn trọng tối đa cấu trúc sẵn có và mang đến sự thay đổi trong giới hạn sinh lý.

Nguyên tắc của tôi trong giải phẫu là phải đảm bảo được sự hòa hợp giữa yếu tố thẩm mỹ, chức năng và sức khỏe của bệnh nhân. Có nhiều trường hợp bệnh nhân muốn xử lý nhanh thì tôi phải kiên trì giải thích để họ hiểu là muốn làm nha khoa thẩm mỹ thì quan trọng nhất là đạt được kết quả tốt, nhanh mà kết quả không đạt thì cũng không giải quyết được vấn đề gì và tôi không thì chấp nhận phương pháp làm đó.

Khác hẳn với vẻ ngoài nhỏ bé, bác sĩ Trần Thị Phương Thảo là một người giàu nghị lực, ham học hỏi và tỉ mỉ đến từng chi tiết khi điều trị cho bệnh nhân.

Vâng, được biết rất nhiều bệnh nhân chỉnh nha của chị cũng là bác sĩ nha khoa, chị có áp lực gì khi điều trị cho họ không? 

“Dao sắc không gọt được chuôi”, bản thân chúng tôi là bác sĩ nha khoa nhưng khi có vấn đề về răng thì cũng phải tìm đến những người đồng nghiệp để nhờ giúp đỡ. Trong quá trình làm nghề của mình thì tôi đã chỉnh nha cho khoảng 12 bác sĩ, trong số họ có những người làm bác sĩ phục hình, bác sĩ điều trị tủy, nhưng cũng có cả những người đang làm bác sĩ chỉnh nha.

Những bệnh nhân đặc biệt đó là thử thách đối với tôi, vì họ vừa là đồng nghiệp vừa là những người có kiến thức về nha khoa nên yêu cầu của họ cao hơn những bệnh nhân thông thường. Trong quá trình làm việc với những bệnh nhân đó, tôi cũng học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức mới. Và hơn cả là tôi cảm thấy rất vui vì họ đã lựa chọn tin tưởng mình.

Tôi có được nghe về câu chuyện chị bỏ tiền túi của mình ra làm chỉnh nha không mắc cài cho bệnh nhân. Thực hư câu chuyện này là như thế nào?

Khi tôi thấy bệnh nhân làm chỉnh nha có mắc cài gặp khó chịu, xảy ra nhiều vấn đề mà cả tôi và họ đều không mong muốn, khi đó tôi quyết định chuyển sang làm theo phương pháp không mắc cài cho họ. Do trước đó họ đã chi tiền làm mắc cài rồi nên tôi không muốn thu thêm tiền của họ nữa. Dùng tiền của mình để làm khay chỉnh nha cho họ và thấy được kết quả như mong đợi thì lúc đó ngoài niềm vui ra tôi không nghĩ ngợi gì nhiều cả (cười). Nha khoa cũng như mọi phân khoa của ngành chăm sóc sức khỏe, đều quan trọng nhất là kinh nghiệm thực tế và câu chuyện về bệnh nhân đó đã mang đến cho tôi bài học mới trong nghề này.

Phương pháp chỉnh nha không mắc cài này có vẻ có nhiều lợi thế hơn phương thức truyền thống, đúng không chị?

Phương thức nào cũng có ưu điểm riêng. Trước hết cần hiểu về chỉnh nha không mắc cài là kỹ thuật sử dụng khay niềng trong suốt. Khi sử dụng phương pháp này thì bệnh nhân sẽ không bị lộ niềng, đảm bảo tiêu chí thẩm mỹ và rất thích hợp dành cho những người phải giao tiếp nhiều. Thậm chí ngoài việc thoải mái thì điều trị bằng khay niềng trong suốt còn giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian điều trị khoảng 30% so với niềng có mắc cài.

Tuy nhiên, với nhiều ca khó thì tôi vẫn tư vấn cho bệnh nhân nhổ răng để giúp răng dịch chuyển tối đa, hay sử dụng chỉnh răng có mắc cài để đảm bảo hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị. Còn nếu để điều trị tận gốc các vấn đề về răng thì chúng ta cần nói kỹ hơn đến chuyện khớp cắn bởi phần lớn người bệnh chỉ quan tâm đến thẩm mỹ mà không ý thức được chỉ khi có một khớp cắn hoạt động ổn định thì mới đảm bảo được sức khỏe lâu bền.

 “Chỉnh nha mắc cài hay không mắc cài chỉ là công cụ trong nha khoa. Điều tôi quan tâm và thấy quan trọng hơn cả là một phác đồ phù hợp nhất với tình trạng bệnh nhân, sao cho hạn chế việc nhổ răng, cải thiện thẩm mỹ mà vẫn đảm bảo chức năng ăn nhai, khớp cắn” (Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo - Nha khoa Smile Care)

Cụ thể thì khớp cắn có vai trò như thế nào trong lĩnh vực nha khoa?

Khớp cắn là một lĩnh vực nghiên cứu còn rất mới trên thế giới, trong đó các nhà nghiên cứu căn cứ vào đặc điểm khớp hàm của người bệnh để tư vấn điều chỉnh khớp cắn giúp họ ăn nhai thuận tiện và đảm bảo được sức khỏe. Khớp cắn là một yếu tố quan trọng trong nha khoa, tuy nhiên không phải bác sĩ nào cũng được học và nghiên cứu sâu về vấn đề này nên thực tế là có khá ít người đưa vấn đề này vào quá trình tư vấn cho bệnh nhân.

Ví dụ khi bạn đầu tư để có một bộ hàm đẹp nhưng ăn uống khó khăn thì rõ ràng việc can thiệp nha khoa mới chỉ giải quyết được vấn đề thẩm mỹ mà thôi. Điều này có thểkéo theo nhiều hệ lụy đến sức khỏe như nhức răng, đau đầu, chóng mặt… Bởi vậy trong quá trình điều trị tôi luôn ưu tiên khớp cắn hơn thẩm mỹ, sức khỏe của bệnh nhân chỉ có thể tốt khi họ có khớp cắn khỏe.

Xin cảm ơn chị về những thông tin hữu ích và thú vị. Chúc chị luôn thành công trên con đường đã chọn!

PV


Ý kiến của bạn