Với 30 năm công tác trong ngành y tế, bác sĩ chuyên khoa II (CKII) Trần Kế Toán – Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực y tế. Bác sĩ Toán miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học, đồng thời ứng dụng và triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến trong lĩnh vực tim mạch giúp người dân khi khám – chữa bệnh ngay tại tỉnh, giảm chi phí điều trị.
Bác sĩ Trần Kế Toán quê gốc ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 1993, trong khi nhiều người hướng về các thành phố lớn thì anh lại xung phong về Trung tâm Y tế huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai với tâm nguyện góp sức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó khăn.
Khi đó, chỉ có mình anh là bác sĩ nhưng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động chuyên môn của đơn vị. Bác sĩ Toán cho rằng, mình có sức khỏe, tuổi trẻ và được đào tạo bài bản thì không lo thất nghiệp. Hơn nữa, chỉ cần có ý chí, nghị lực thì ở nơi nào cũng sống được.
Lý do đến với nghề y của bác sĩ Trần Kế Toán (người mà lẽ ra có thể đã chọn một nghề đúng như cái tên của mình) khá điển hình: Bố anh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhiều năm, nhưng điều kiện về y tế tại xã nhà ( Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng, Nam Định) lại quá thiếu thốn, "đi mấy cây số từ thôn lên xã mới gặp được ông y sĩ, rồi phải đi cả chục cây số mới mua được thuốc. Lúc đó tôi mới thấy nghề y vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Vì vậy, mặc dù học tốt khối A, tôi vẫn quyết định chuyển sang học khối B để thi vào ngành y" – bác sĩ Toán chia sẻ.
"Tôi chọn Gia Lai lập nghiệp và và xem đây là quê hương thứ hai của mình bởi nơi đây khí hậu mát mẻ, con người gần gũi, ân tình. Hơn nữa, trách nhiệm của một người thầy thuốc đòi hỏi tôi có mặt ở nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một khi đã chọn nghề thầy thuốc thì mục tiêu quan trọng nhất là cứu người. Còn về vật chất, bác sĩ không nặng nề quá vì đồng tiền, đủ sống là được" – bác sĩ Toán tâm sự.
6 năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro, bác sĩ Toán vừa miệt mài làm việc vừa không ngừng tự học nâng cao trình độ chuyên môn. Sau đó, anh thi đậu bác sĩ nội trú của Đại học Y Huế và đậu khóa đào tạo chuyên môn tại Pháp. Tốt nghiệp khóa học tại Pháp năm 2002, nhiều bệnh viện lớn ngỏ lời mời với mức lương hậu hĩnh như bác sĩ Toán quyết định về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, công tác tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Anh bắt tay vào việc củng cố lại khoa và triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Toán chia sẻ: Năm 2016, Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được thành lập. Anh nhận trọng trách xây dựng và phát triển Khoa Tim mạch đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới. Khi bắt tay vào thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh Tim mạch mới thấy thực sự khó khăn khi thiếu nhân lực trầm trọng, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Khoa Tim mạch được thành lập, tuy nhiên cả bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ CKII Tim mạch (bác sĩ Trần Quốc Anh) nhưng lại đang làm thủ tục nghỉ hưu; còn anh là bác sĩ nội trú nội khoa công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu đang học CKII Tim mạch. Những người còn lại đều chưa được đào tạo về chuyên khoa tim mạch… Bên cạnh đó, trang – thiết bị tại Khoa Tim mạch cũng hết sức thiếu thốn.
Mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu, về việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực đến củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, cố gắng từng chút một. Và thành quả đáng tự hào là sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Khoa Tim mạch đã có đội ngũ y – bác sĩ được đào tạo bài bản và hoạt động hiệu quả.
Từ việc chỉ khám – chữa bệnh tim mạch thông thường, hiện tại, Khoa đã được chuyển giao và ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại như: đo huyết áp động mạch xâm lấn, điện tâm đồ gắng sức, đặt máy tạo nhịp tạm thời bằng điện cực trong buồng tim,…
"Đặc biệt, việc đưa hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) vào hoạt động là cơ sở để triển khai hàng loạt kỹ thuật tim mạch can thiệp, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân tim mạch. Hiện nay, máy DSA đã được trang bị nhưng để vận hành thì cần có vật tư, hóa chất. Rất mong vấn đề này nhanh chóng được tháo gỡ để Khoa chăm sóc, phục vụ người bệnh tốt hơn" bác sĩ Toán nói.
Với sự tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân, bác sĩ Toán và các cộng sự đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh, trong đó có trường hợp nguy kịch.
"Tháng 7-2020, dịch bạch hầu bùng phát tại Gia Lai. Khoa Tim mạch đón nhận bệnh nhân Hônh (21 tuổi, trú tại làng Bông Hoit, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) bị bệnh bạch hầu, biến chứng suy tim, suy thận, tình trạng sức khỏe nguy kịch. Bệnh viện tiến hành hội chuẩn và chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim, suy thận. Sau 15 ngày đặt máy tạo nhịp tạm thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe và xuất viện sau đó. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao của ekip các y – bác sĩ" – bác sĩ Toán cho hay.
Sự nỗ lực không ngừng của bác sĩ Trần Kế Toán và các y – bác sĩ tại Khoa Tim mạch đã giúp bệnh nhân được thuận lợi trong chăm sóc sức khỏe tại tỉnh thay vì phải chuyển lên tuyến trên tốn kém chi phí điều trị, thời gian và công sức. Trường hợp ông Phạm Văn Ngữ (thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một điển hình.
Ông là một trong những bệnh nhân được bác sĩ Toán và các cộng sự phẫu thuật đặt stent động mạch vành thành công ngay tại Khoa Tim mạch.
Ông Ngữ cảm kích nói: "Tôi bị bệnh tim mạch 10 năm nay và đã 3 lần đi TP. Hồ Chí Minh đặt stent động mạch vành. Lần thứ 4 may mắn là Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hệ thống máy chụp mạch vành; đội ngũ y – bác sĩ của Khoa Tim mạch đã thực hiện đặt stent mạch vành cho tôi, chi phí chỉ bằng 1/10 so với phải đi TP. Hồ Chí Minh. Tôi biết ơn các y – bác sĩ nhiều lắm".
Nhận xét về bác sĩ Toán, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: "Bác sĩ Toán rất tận tâm với nghề, hết lòng với người bệnh. Đối với những ca bệnh nặng, anh thường xuyên đốc thúc anh em phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết cụ thể. Đối với bệnh nhân nghèo, bác sĩ Toán luôn tạo điều kiện xin hội chẩn từ xa để được chữa bệnh một cách tốt nhất, thật cần thiết mới chuyển lên tuyến trên. Ngoài ra, bác sĩ còn thường xuyên kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí giúp đỡ bệnh nhân nghèo có điều kiện điều trị".
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền, bác sĩ Trần Kế Toán được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh (từ năm 2018 đến năm 2021); nhận bằng khen của Tỉnh ủy, bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh và nhiều bằng khen, giấy khen của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ CKII Phạm Bá Mỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: "Bác sĩ Trần Kế Toán đã học tập và làm chủ được nhiều kỹ thuật tim mạch tiên tiến, ứng dụng và triển khai hiệu quả tại Bệnh viện. Không chỉ nỗ lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân, bác sĩ Toán còn đam mê nghiên cứu khoa học và đã có nhiều công trình khoa học đóng góp tại diễn đàn khoa học khu vực ở Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc. Anh là một trưởng khoa năng nổ, tận tình, nhiệt huyết, là bác sĩ hàng đầu về tim mạch ở tỉnh và là tấm gương sáng để đồng nghiệp học tập".
Ngành nghề nào cũng có những áp lực trong công việc, nhưng với ngành y, áp lực này còn nặng nề hơn vì liên quan trực tiếp đến sự sinh tử. "Đôi lúc căng thẳng quá muốn nghỉ phép 1 tuần, nhưng mới nghỉ được 3 ngày đã thấy nhớ công việc rồi" – bác sĩ Toán nở một nụ cười. Khi được hỏ về Y đức, anh nói thật giản dị: "Nghề nào cũng cần chữ Đức. Y đức là một phẩm chất đạo đức tốt cộng với chuyên môn tốt, nếu thiếu một trong hai yếu tốt trên thì không còn là Y đức nữa".
Ông Trần Trịnh Tuất, người không ngờ bệnh tật của mình đã định hướng nghề nghiệp cho 2 đứa con của mình, ông mãn nguyện nói: "Gia đình có đến 8 người con nhưng tôi vẫn quyết tâm lo cho con no lành để yên tâm học hành. Giờ các cháu đều thành tài, trong đó có 2 cháu theo nghề y, tôi rất phấn khởi, tự hào. Tôi vẫn luôn dặn con, làm nghề y thì phải như lời Bác Hồ dạy: 'Lương y như từ mẫu'. Phải có tâm và có đức…".