“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 1.

Tháng 3/2022, bác sĩ Đỗ Doãn Bách được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 các lĩnh vực. Điều thú vị là, bác sĩ duy nhất với nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng lại từng theo đuổi trở thành một kỹ sư thay vì thầy thuốc.

Anh Bách kể: "Khi còn học tại THPT Lê Quý Đôn, tôi rất yêu thích kỹ thuật – công nghệ. Tôi có đam mê với việc lắp đặt, sửa chữa các loại thiết bị, máy móc. Với mong muốn trở thành kỹ sư, tôi đã lựa chọn thi vào Đại học GTVT tuy nhiên ông nội phản đối. Ông nội muốn tôi trở thành một bác sĩ nối nghiệp gia đình, điều mà bố tôi vì trước đây xung phong tham gia kháng chiến mà chưa thực hiện được".

Đối với Bách, đây là một quyết định rất khó khăn khiến anh nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Anh cũng đã quen với việc ông bà nội và nhiều người thân trong gia đình làm bác sĩ thường đi sớm về khuya. Tuy nhiên qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu chàng trai sinh năm 1991 đã tìm được cảm hứng về công việc cứu chữa người bệnh.

Những nỗ lực không mệt mỏi năm cuối cấp giúp Đỗ Doãn Bách được cử đi học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về nước và tiếp tục theo học chuyên sâu ngành Tim mạch tại Đại học Y Hà Nội. Theo bác sĩ Bách, tim là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể và anh đã phát hiện ra nhiều điều kỳ diệu trong quá trình nghiên cứu.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 2.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam 2021.


Chàng trai gốc Hà Nội kể, từ khi trở thành bác sĩ, anh đã nhiều lần chứng kiến bệnh nhân không thể qua khỏi. Ban đầu, điều đó là đả kích lớn đối với những người vừa bước chân vào nghề. Nhiều lần, anh phải tự đặt câu hỏi về giá trị của bản thân và năng lực chuyên môn của mình có phù hợp khi mang trọng trách trên chiếc áo blouse trắng hay không, việc lựa chọn công việc bác sĩ thay vì kỹ sư có đúng đắn hay không?.

Thế nhưng những áp lực ấy đã thôi thúc anh phải cố gắng, phải tìm ra thêm nhiều phương pháp mới, hiệu quả để chữa bệnh, cứu người. "Mỗi ngày, tôi làm việc từ 12-16 giờ và luôn dành thời gian tham gia bữa ăn cùng gia đình vào bữa tối, dù chỉ gọi facetime qua điện thoại. Điều này giúp tôi được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần… để tiếp tục cho những ca trực đêm", nam bác sĩ đã có vợ và con trai 4 tuổi tâm sự.

Góp nhặt trong niềm hạnh phúc của bác sĩ Đỗ Doãn Bách khi có thể chữa lành những trái tim lỗi nhịp. Có lẽ vì thế mà anh đã tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số…

Qua những chuyến đi, Đỗ Doãn Bách tiếp cận được với những trường hợp y học rất lạ. Có những cụ già huyết áp trên 190 nhưng họ vẫn sống rất khỏe mạnh. Điều này khiến anh tò mò, nghiên cứu sâu để hỗ trợ những người huyết áp cao trong chăm sóc sức khoẻ.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 3.

Tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực là điều mọi y, bác sĩ đều cần và cần trong mọi hoàn cảnh.

Bác sĩ Bách cũng tổ chức nhiều hoạt động khám sàng lọc tim miễn phí cho trẻ em. Anh bộc bạch, qua thăm khám, những trường hợp mắc bệnh về tim khi được phát hiện sớm đã có thể chữa trị khỏi. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những đứa trẻ đó.

Hiện nay ngoài công tác chuyên môn ở Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Bách còn tham gia nghiên cứu và phát triển các đề tài Nhà nước liên quan đến bộ môn Tim mạch.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 4.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách làm việc tại Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

"Những chuyến đi tình nguyện khiến tôi cảm thấy công việc của mình ý nghĩa hơn, mở ra những điều thú vị không có trong sách vở. Với ngành y theo mình hiểu là không chỉ có kiến thức, không chỉ có hiệu quả điều trị mà còn là cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà họ. Những trải nghiệm thực tế làm mình có góc nhìn rộng lớn hơn, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người bệnh để không chỉ chữa bệnh thực thể, mà còn chữa bệnh về tinh thần. Đây là yếu tố quan trọng để "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" được lên ý tưởng và triển khai", bác sĩ Bách trải lòng.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 7.

Bác sĩ Bách giới thiệu, "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" là 1 giải pháp công nghệ để kết nối giữa bác sĩ và người bệnh chưa từng có tiền lệ. Hệ thống này xuất pháp từ mong muốn rất đơn giản, đó là kết nối bác sĩ, tình nguyện viên đến bệnh nhân để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch.

Giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" được ra đời sau vẻn vẹn 10 ngày chuẩn bị vận hành. Đó là 10 ngày trời, anh Bách và nhóm thầy thuốc trẻ quên ăn, quên ngủ để tạo lập quy trình tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, giúp họ yên tâm hơn.

"Rất may mắn là khi đó, chúng tôi nhận được sự động viên, ủng hộ Bộ Y tế cũng như sự đồng lòng, nhiệt huyết của các thầy thuốc trẻ khắp cả nước", bác sĩ Bách nhớ lại.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách cũng tiết lộ, ý tưởng ban đầu của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" rất khác so với hiện tại.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 8.

Được tham gia các chương trình lớn nhỏ trong lĩnh vực y tế và những sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế là cơ hội để trau dồi thêm kiến thức, tăng năng lực chuyên môn của bản thân.

"Tôi và các đồng nghiệp dự định tạo những biểu mẫu đánh giá tình trạng bệnh để F0 hoặc người nhà bệnh nhân có thể tự đánh giá và gửi lại cho các cơ sở y tế. Nhưng cả đội dần nhận ra cách làm đó rất bị động và bất tiện với đối tượng là người già, trẻ nhỏ không thạo công nghệ. Nên chúng tôi đã chuyển hướng sang tư vấn trực tiếp để hữu hiệu trong thời điểm đó", anh Bách nói.

Hệ thống "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" khi được đưa vào vận hành đã giúp công tác tiếp cận bệnh nhân từ nhẹ đến nặng đạt hiệu quả cao hơn so với các phương pháp kết nối thông thường. Rất nhiều trường hợp dù đã mắc COVID-19 nhưng chưa được tiếp cận cơ sở y tế đã được các tư vấn viên của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" liên hệ kịp thời để có phương án hỗ trợ tốt nhất.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 9.

Bác sĩ Bách cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai.

Khi được bác sĩ "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe, một nữ bệnh nhân đã òa khóc và nói: "Tôi bị sốt mấy ngày nay rồi nhưng không có ai chăm sóc, tôi rất sợ...". Sau khi động viên, giúp bệnh nhân bình tĩnh lại, các bác sĩ đã hướng dẫn cách dùng thuốc, theo dõi các chỉ số SpO2, huyết áp… cũng như chế độ dinh dưỡng.

Vài ngày sau, bệnh nhân gọi điện khoe: "Được bác sĩ tư vấn gọi điện hỏi thăm mỗi ngày, tôi thấy yên tâm hơn và dường như bệnh cũng hồi phục nhanh hơn… Tôi cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi được sống thêm lần nữa…",

Chỉ trong tuần đầu tiên, mạng lưới đã thu hút 2.000 bác sĩ, tình nguyện viên tham gia. Đến thời điểm hiện nay, con số đã là 16.000. Qua hoạt động của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành", các thầy thuốc trẻ đã nhanh chóng tiếp cận được hàng vạn F0 để tư vấn, hỗ trợ trong giai đoạn nhiều người dân hoảng loạn vì dịch bùng phát dữ dội.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 10.

Sự quan tâm được thể hiện bằng những lời hỏi thăm và sự tận tình trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân của các nhân viên y tế.

"Bản thân tôi trong một ngày nhận tới gần 100 cuộc điện thoại cầu cứu. Công việc thật sự áp lực, đặc biệt là với những nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều công việc. Nhưng trong quá trình tư vấn, các bệnh nhân phản hồi lại rằng họ đã cảm thấy sức khỏe ổn hơn, họ cảm ơn và động viên đội ngũ y, bác sĩ… Chính từ những điều đơn giản như vậy mà dù công việc có áp lực hơn nữa, tôi và các đồng nghiệp vẫn có thể gánh vác được", bác sĩ 31 tuổi xúc động kể lại.

Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam (từ tháng 7 - 10/2021), "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" đã huy động hơn 10.000 bác sĩ và tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn F0. Tại tỉnh Bình Dương, bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã trực tiếp điều hành mạng lưới và hỗ trợ cho khoảng 90.000 F0.

Đến nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được chuyển giao cho Bộ Y tế và bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như: TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… góp phần kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn "bình thường mới" với hàng vạn ca F0 điều trị tại nhà mỗi ngày.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 11.

“Chiến đấu với COVID-19” là những kỉ niệm khó quên đối với bác sĩ Bách tại Bệnh viện Dã chiến số 16.

Mong muốn của bác sĩ Bách là những dữ liệu mà hệ thống đang có sẽ là cơ sở để người dân được chăm sóc hậu COVID-19 hiệu quả hơn. Vì những thông tin cơ bản nhất của các F0 đều được lưu trong hệ thống. Đây sẽ là tiền đề để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 12.

Luôn đau đáu lời dạy của ông bà nội, bác sĩ Đỗ Doãn Bách viết đơn đơn xung phong vào Nam chống dịch thời điểm tháng 7/2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Cơ sở anh được phân công là phòng hồi sức số 3 thuộc Bệnh viện Dã chiến số 16 (TP.HCM). Khi đó, phòng hồi sức số 3 có tỉ lệ tử vong rất cao, các bệnh nhân đều đã trong tình trạng nguy kịch, cần sự can thiệp và hỗ trợ của máy móc để duy trì sự sống.

"Lúc cao điểm, lượng bệnh nhân COVID-19 nặng được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 16 rất đông, sức người có hạn, có những lúc chúng tôi thực sự stress, mệt mỏi. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện không rõ tên, địa chỉ, hầu hết bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, an thần, thở máy. Chính vì vậy mà các bác sĩ dù trực tiếp thăm khám, điều trị cũng chưa bao giờ được tâm sự, trò chuyện với bệnh nhân của mình. Nhiều khi "lực bất tòng tâm", chúng tôi xót xa khi chứng kiến quá nhiều người bệnh ra đi. Tôi và nhiều đồng nghiệp không tránh khỏi stress, căng thẳng và day dứt. Nhưng thời gian không cho phép chúng tôi dừng lại, nhiều bệnh nhân khác vẫn đang chờ giúp đỡ. Chưa kể ngoài công tác chuyên môn, tôi vẫn phải thường trực để hỗ trợ "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" hoạt động kết nối, hỗ trợ F0", BS. Đỗ Doãn Bách nghèn nghẹn nhớ lại.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 13.

Với anh Bách, mỗi chuyến đi đều đáng quý, mỗi trải nghiệm đều là vô giá, nếu đi nhiều, tích lũy được nhiều trải nghiệm thì đó là phần thưởng cho tuổi trẻ.

Cũng có những kỷ niệm vui như chuyện một sản phụ vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến khi phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy.

Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị này không nói được, có biểu hiện hoảng loạn. Giây phút đó, bác sĩ cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 14.

Mọi sự kiện liên quan đến lĩnh vực y tim mạch đều có sự tham gia của chàng trai trẻ Đỗ Doãn Bách.

“Chuyển sang nghề y là quyết định khó khăn” - Ảnh 15.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách - người có niềm đam mê cháy bỏng trong những chuyến đi tình nguyện, khám chữa bệnh miễn phí vùng sâu, vùng xa.

"Tôi nhớ lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó tôi cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau, để chị được nhìn thấy chồng và con gái đầu lòng. Cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng COVID-19 và ra viện. Đến bây giờ, chị vẫn nhắn tin liên lạc và cảm ơn bác sĩ. Tôi cảm nhận rằng, việc bác sĩ kết nối cho bệnh nhân gặp người nhà giữa lằn ranh giới sinh – tử là điều vô cùng thiêng liêng," bác sĩ Bách kể.

Với cường độ làm việc luân phiên, 8 tiếng một ca, thời gian còn lại tham gia vào “Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành”, nhiều công việc cuốn đi, tôi cũng quên luôn cảm giác bị đói bụng nữa. Nhưng chính những cống hiến hết mình, sống hết mình tôi mới thấy bản thân có ý nghĩa với cộng đồng.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách chia sẻ.
Với những đóng góp thiết thực của mình cho cộng đồng, trong năm 2021, bác sĩ Đỗ Doãn Bách vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2021” của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
CAO TUÂN - THÀNH LONG
Anh Tuấn
Ý kiến của bạn