Trong thế kỷ 20, lịch sử dân tộc ta, quân đội ta thường nhắc đến hai chiến thắng vang dội đều mang tên Điện Biên Phủ: Năm 1954 chống Pháp, trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Tây Bắc); Năm 1972, chống Mỹ, gọi Điện Biên Phủ trên không hoặc Hanoi - ĐBP.
Cả hai thử thách quân sự đều có tính chất quyết định khả năng hòa bình: Lần một ký Hiệp định Geneve (1954); Lần hai ký Hiệp định Paris (1973).
Có một thầy thuốc nổi tiếng - bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được vinh dự tham gia cả hai trận chiến và tích cực đóng góp công sức xứng đáng của mình vào thiên anh hùng ca đó của dân tộc Việt Nam.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, BS. Tôn Thất Tùng rời Hà Nội cùng đoàn mổ xẻ với cán bộ và trang bị lấy từ Bệnh viện Phủ Doãn, Trường Đại học Y Dược. Ông đã thành lập đoàn mổ xẻ lưu động phục vụ quân và dân ở các mặt trận Hà Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... Ở Phú Thọ, BS. Tôn Thất Tùng đã nhận được thiếp của Bác Hồ khen về những đóng góp tích cực trong việc cứu chữa quân và dân ta trong những ngày đầu kháng chiến. Ông tâm sự: “Với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm?”.
Năm 1950, BS. Tôn Thất Tùng được bổ nhiệm cố vấn phẫu thuật của Bộ Tổng tư lệnh. Năm 1951, BS. Tôn Thất Tùng tham gia đoàn Mặt trận thăm CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, đã đến Bình Nhưỡng đang bị bom Mỹ đánh phá. Bác sĩ đã tìm hiểu công tác cứu chữa của ngành quân và dân y của bạn. Nhưng quý nhất như ông kể: “Bệnh viện Hiệp Hòa (Trung Quốc) có một thư viện đầy đủ. Tôi xin vào đọc, ở đấy luôn một tuần, từ sáng đến chiều không muốn ăn cơm trưa và nhờ đó tôi đã lược lại kinh nghiệm mổ xẻ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau này, nhờ các tài liệu ấy, tôi mới biết giải quyết các vết thương sọ não ở Điện Biên Phủ. Ra nước ngoài mà không vào thăm các thư viện là một việc không thể tưởng tượng được”.
Với lòng hăng hái của một trí thức yêu nước, với lòng tin ở Bác, với tài năng lỗi lạc về ngoại khoa, với kinh nghiệm chữa vết thương chiến tranh, với kiến thức thu được về Chiến tranh Thế giới thứ hai qua sách vở, BS. Tôn Thất Tùng đã tự trang bị một hành trang đầy đủ, sẵn sàng phục vụ cho mọi thử thách quân sự mà quân và dân ta phải đương đầu. Thử thách đó là trận Điện Biên Phủ, BS. Tôn Thất Tùng đã sẵn sàng, háo hức theo dõi tin chiến thắng, mong mỏi được lên đường ra mặt trận trực tiếp cứu chữa thương binh. Ngày 13/3/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, đánh chiếm đồi Him Lam và đồi Độc Lập. Đã có thương vong trong đó có nhiều vết thương nặng. Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử viết (*): “...Thương binh nặng tại mặt trận không thể chịu đựng được cuộc hành trình dài để trở về hậu phương trên những con đường máy bay đánh phá ác liệt, họ cần được điều trị tại chỗ. Nhưng có những trường hợp hiểm nghèo như vết thương sọ não vượt quá khả năng của quân y. Sau đợt đầu chiến dịch, tôi đã đề nghị Trung ương đưa một số thầy thuốc giỏi nhất ra mặt trận. Điện về đúng lúc. Bác cử một phái đoàn thay mặt Chính phủ lên thăm bộ đội, trong đoàn có bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh, bác sĩ Tôn Thất Tùng - Thứ trưởng Bộ Y tế. Anh Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật được coi là có đôi bàn tay vàng. Anh Tụng và anh Tùng sau đó đã ở lại”.
GS. Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954).
Sinh viên y Quang Long ở đội điều trị 10, Đại đoàn công pháo 351 và sinh viên Mạnh Liên ở Bệnh xá Trung đoàn 77, là chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, nay là giáo sư nhớ lại: “Tin ấy bay đến mặt trận như một niềm vui với quân và dân đang cầm súng giết giặc, đối với các học trò của BS. Tôn Thất Tùng, rất đông, đang phục vụ các đơn vị chiến đấu, thấy tự tin về chuyên môn vì có thầy ở cạnh mình”. Sau đây là lời kể của BS. Tôn Thất Tùng: “Ngày 23/3/1954, tôi nhận được thư của anh Bảy cho biết, có chỉ thị cho tôi và cụ Vũ Đình Tụng lên tham gia công tác mổ xẻ cho thương binh ở Điện Biên Phủ.
25/3/1954 khi đeo ba lô bước xuống thuyền nan vào một buổi chiều sắp tối để kịp đi Tuyên Quang, tôi rất cảm phục sự giản dị và hiệu lực tổ chức của ta trong thời chiến. Lúc sáng tôi chỉ nhận được một lá thư, phải nói là một mảnh giấy thiếu sạch sẽ trong một phong bì lộn lại với một hàng chữ nói tôi phải đi ngay lên mặt trận Điện Biên Phủ và một chữ ký quen thuộc. Thế là chiều đến, đợi máy bay “đi ngủ”, cùng với đoàn mổ xẻ riêng, chúng tôi đáp thuyền nan xuôi ngay về Tuyên, theo sông Lô chảy xiết, xuyên bao nhiêu rừng và thác để đến đúng giờ ở chỗ hẹn.
GS. Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và GS. Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường đại học Y trong rừng Chiêm Hoá, Tuyên Quang (1947-1954).
Chúng tôi biết rằng mặt trận Điện Biên Phủ sắp vào giai đoạn hai, sau khi chúng ta chiếm hai đồi Độc Lập và Him Lam. Đảng và Chính phủ đã đưa ra khẩu hiệu Quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chúng tôi ai cũng áy náy sợ đến trễ. May sao đến Tuyên, ôtô đã chờ sẵn, thế là chúng tôi đi ngay về chợ Hiên. Trong khi đi đường, khi mổ xẻ trong các hầm, các đội điều trị chúng tôi đã học được một bài học không bao giờ quên, một bài học về tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc ta, bài học về tinh thần hy sinh của nhân dân ta, bài học về sự lãnh đạo cương quyết của Đảng và Chính phủ kháng chiến...”.
Xin trích một số đoạn trong hồi ký về Điện Biên Phủ của BS. Tôn Thất Tùng.(**)
28/3: ...Đường đi Tây Bắc toàn là đèo với đèo. Đèo Lũng Lô cao như núi Tam Đảo...
29/3: ...Từ 3 giờ sáng hôm qua đổi trời, sấm sét, mưa gió... cả đêm nay chỉ đi được có 50 cây số. Thế là trễ mất một ngày, đành chịu vậy. Sốt ruột quá...
...Ngủ tại Cò Nòi, 2 giờ đang ngủ, tiếng máy bay “Hen cat” sạt trên lán. Máy bay lượn 2 - 3 vòng xong bổ nhào xuống bắn...
31/3: ...Tối hôm qua hành trình qua đèo Pha Đin rất khó khăn dưới trời mưa, trên bùn, hình như có đến 5 xe bị lầy và đổ xuống đèo...
4/4: ...Hôm qua bắt tay vào mổ và xem bệnh các anh em thương binh rải rác ở các lán. Đội điều trị I là nơi chữa những trường hợp bị thương nặng, đặc biệt là vết thương sọ não. Bệnh viện dựng dưới rừng cây nhỏ nằm giữa những đồi tranh. Để phục vụ cho việc điều trị, bệnh viện thường có 5, 6 bác sĩ, hơn 30 vừa y sĩ, y tá, một số nhân viên và mấy đội dân công. Anh em thương binh nằm trên những sàn nứa.
Tôi trực tiếp phụ trách các vết thương về sọ não. Các chiến sĩ của chúng ta là những con người đặc biệt quý và bộ óc của anh em là đáng quý nhất. Phải làm sao cho các anh bị thương ở sọ não chóng khỏi để tiếp tục suy nghĩ, làm việc và chiến đấu bình thường. Đó là một việc làm có nhiều khó khăn. Biết bao nhiêu công việc đang đặt ra trước mắt đòi hỏi phải suy nghĩ và giải quyết để góp phần vào chiến dịch lớn lao này. Nhà ở là một lán xinh nhỏ, trên bờ suối chảy quanh những tảng đá lô nhô, nước chảy ào ào ngày đêm. Suối này chảy ra sông Nậm Rốm, chảy về Cửu Long giang, gửi tới người hai bên dòng Cửu Long giang từ Lào, Campuchia cho đến Nam Bộ mến yêu tâm hồn cao cả của những người chiến sĩ đang chiến đấu để giải phóng Điện Biên Phủ, để xây dựng một tương lai tươi đẹp. Chúng ta là những người của thời đại Hồ Chí Minh...
9/4: ...Mổ luôn một đợt để thanh toán hết các trường hợp ứ đọng. Máy bay ném bom xung quanh. Mổ xẻ cứ mổ xẻ... Ruồi vàng cắn mạnh, chân tay, người sưng vù. Nhớ đến ba nỗi khổ của Tây Bắc: “ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên (gió Lào)”.
Tối về, mổ xong, mệt quá không ăn hết bát cơm. Mổ đầu não mệt vì luôn luôn tiêm thuốc tê và phải luôn luôn cắt gân xương đầu, mệt nhức cả mười ngón tay, đau hết các bắp thịt. Thương binh lên đến 700 mà chỉ có 6 y sĩ và 20 hộ sĩ, anh em phòng mổ ai nấy đều mệt bã người, không ai ăn được cơm.
14/4: ...Được tin phải chuẩn bị 7 ngày và quân sự hóa vì có thể có bão trong tuần này... 7 giờ tối có chiếu phim. Có anh Phan ở đội điều trị 10 đến nói chuyện về các anh em pháo binh và cao xạ ta hạ B24 do phi công Mỹ cầm lái.
17/4: họp các đội điều trị.
18/4: ...Anh Văn có cho người hỏi tôi tin tức và ý kiến. Rất lo về dịch mùa hè này. Trong hội nghị, họp vui vẻ. Bàn về xử trí khinh thương để bổ sung quân số cho các đơn vị. Một không khí tin tưởng, niềm nở. Anh nào cũng tha thiết về kỹ thuật và hỏi ý kiến.
19/4: ...11 giờ 30 đêm. Từ trưa đến giờ cháy rừng ở vùng bệnh viện. Lửa bốc lên ngùn ngụt lan vào khu trung và trọng thương. Tôi đang mổ một ca sọ não khó, cho anh em giúp việc đi chữa cháy... 3 giờ sáng. Anh em lại gọi dậy mổ.
26/4: Họp hội nghị Geneve.
...Hôm qua ăn cơm với anh em quân y, chuyện trò vui vẻ. Đêm khuya, nghe súng đại bác nổ ầm ầm, máy bay ù ù. Tin cho biết: mâu thuẫn mạnh giữa Đờ-cát-tờ-ri với các tướng tá Pháp và đế quốc Mỹ ngày càng đe dọa xâm lăng ta. Đế quốc Mỹ, một đế quốc hung hãn, trắng trợn. Phải đánh bại ý chí xâm lược của nó ở bất cứ chỗ nào ở châu Á.
28/4: (Từ đội điều trị 5 về đội điều trị 1) ngồi trong một bản bị cháy vì bom napan; núi và núi vòng quanh, đóng khung cho một cảnh điêu tàn, đau khổ!
2/5: (Đội điều trị 1) từ 9 giờ tối hôm qua tiếng súng nổ ầm ầm chung quanh Điện Biên, nhận được tin quân ta bắt đầu đợt ba...
Họp để phổ biến cho các anh em ở tuyến trước kỹ thuật khâu da lần thứ hai để góp trả lại thương binh sớm cho tiền tuyến...
4/5: (Đội điều trị 1) độ 3 giờ sáng, súng nổ vang và giòn; quân ta lại đánh... Thấy trời mưa mãi. Lo cho thương binh trong chiến hào. Phải bảo vệ chân tay anh em, một quân đội anh dũng đã nêu cao cờ Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo lên Cục thành tích của tôi: đã hoàn toàn tiêu diệt “nạn dòi” trong các vết thương bằng dùng thuốc ki-na-cơ-rin 1%.
5/5: (Đội điều trị 1) 19 giờ trời vẫn mưa, đi thăm thương binh, cáng thương binh, đi thay băng: lên dốc, xuống dốc, dốc 45 độ. Vừa trơn vừa trượt, chỉ có một cái may: ruồi vàng đi đâu hết.
7/5/1954: (Đội điều trị 1) chiều hôm kia, anh em cho biết: Tổng tư lệnh sẽ đưa đi thăm đội điều trị 2, đội điều trị 3 và một đơn vị đang chiến đấu. Chuẩn bị ra ôtô, đợi ở một bản gần cây số 64... Lúc ra đường cái, khoảng 6 giờ 30 tối, thấy anh Chiêm chạy đến nói: Anh Tùng, ta đã chiếm Điện Biên Phủ rồi! Mình ôm lấy anh Chiêm, cụ Tụng mà hôn! Mình hét to: “Hoan hô, hoan hô” như thằng điên. Trong rừng xanh, tiếng dội lại “hoan hô, hoan hô”. Thôi, chạy mau về báo cáo cho đội... Bước vào phân khu của đội gặp một anh đang gác, tôi hỏi anh: Anh biết tin gì chưa? - Tin gì? Đờ-cat-tơ-ri hàng rồi!
Anh bổ ngửa hỏi: Thật không anh? Hoan hô, hoan hô!
Trong hơn một tháng có mặt ở mặt trận, BS. Tùng đã sát cánh cùng các bác sĩ, y sĩ, hộ lý, làm việc không ngơi nghỉ, tìm mọi cách để cứu chữa thương binh tốt nhất. BS. Tùng đi thăm bệnh ở các đội điều trị, họp phổ biến kỹ thuật chuyên môn, bàn về tổ chức mổ xẻ ở các tuyến, tham vấn, phát huy tài mổ xẻ, mổ ngày đêm liên tục, cứu sống hàng mấy trăm thương binh nặng, luôn sáng tạo, góp phần khắc phục khó khăn cho quân y mặt trận. Những nỗ lực của BS. Tôn Thất Tùng được ghi nhận trong lịch sử quân y (***): “Giáo sư Tôn Thất Tùng, cố vấn phẫu thuật của Bộ Quốc phòng đã phát huy tác dụng tích cực cho quân y chiến dịch cả về kỹ thuật, cả về tổ chức phục vụ” góp phần đáng kể vào thành tích xuất sắc của quân y chiến dịch. “Dù rất khó khăn về thuốc men, đã trả được 5.000 thương bệnh binh về đơn vị trong chiến dịch, vượt rất xa sức mình”. (ĐBP, điểm hẹn lịch sử).
Chị Nghiêm, y tá đội điều trị 6 (nay là bác sĩ) cho biết: Một mình tôi đã phải hộ tống cả 100 cáng qua các trạm đường đèo, bom cày xới; ruồi vàng, dòi làm khổ sở thương binh. Chị Loan, y tá đội điều trị 1 (nay là y sĩ) kể: Tôi ở tổ chuẩn bị đưa thương binh vào phòng mổ cho BS. Tùng và các bác sĩ của đội mổ, đêm ngày liên tục.
Thế là:
...“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Tố Hữu
Bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Vũ Đình Tụng được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã đóng góp nhiều công lao trong chiến dịch.
28 năm sau, với một sự trùng hợp kỳ lạ, giáo sư đã mất đúng vào ngày 7/5/1982, ngày Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giáo sư Tôn Thất Tùng, một trí thức yêu nước, một bác học nổi tiếng, đưa hết tâm trí, chuyên môn của mình phục vụ cho cuộc chiến đấu chống xâm lược, đã có những thành tựu khoa học xuất sắc như phương pháp mổ gan có quy phạm được thế giới ca tụng, đã xây dựng ngành phẫu thuật Việt Nam sánh vai với các nước tiên tiến, đi đầu nghiên cứu về chất độc màu da cam, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý của y học thế giới, làm rạng rỡ nền khoa học Việt Nam.
Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thiên sử vàng do quân và dân ta viết nên, trùng với ngày mất của giáo sư, với những cống hiến to lớn cho dân tộc, giáo sư Tôn Thất Tùng xứng đáng được tôn vinh và tưởng niệm.
(*) Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NXB Quân đội Nhân dân Việt Nam 2000.
(**) Đường vào khoa học của tôi. Tôn Thất Tùng NXB Thanh niên 1978.
Hồi ký về Điện Biên Phủ. Tôn Thất Tùng. Y học Quân sự: Đặc san về Điện Biên Phủ 1994.
(***) Lịch sử Quân y Quân đội Nhân dân Việt Nam, Cục Quân y 1992.