Hà Nội

'Bác sĩ tồi'

BS. Nguyễn Văn Thanh

BS. Nguyễn Văn Thanh

30-10-2021 08:00 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Sáng nay giảng bài online cho sinh viên Y6, mình cũng lưu ý thêm với các em là: Nghề của chúng mình là phải học hỏi kéo dài thậm chí là suốt đời, cho đến khi chúng ta thôi hành nghề.

Làm bác sĩ lâm sàng thì việc chẩn đoán là quan trọng nhất, chẩn đoán đúng sẽ có khả năng điều trị thành công cao hơn. Nếu chẩn đoán sai mà điều trị khỏi thì có thể là "ăn may" hoặc "phúc chủ lộc thầy".

Mà, muốn chẩn đoán đúng thì phải học triệu chứng thật tốt. Triệu chứng học giống như những viên gạch đầu tiên được đặt đúng chỗ để làm nên một bức tường vững chắc. Vì vậy những kinh nghiệm và nhạy cảm trong lâm sàng cũng rất quan trọng để giúp cho người bác sĩ lâm sàng có định hướng chẩn đoán đúng.

Điều trị cũng phải học nhưng trước tiên là học nguyên lý trước, cụ thể học sau. Vì điều trị thì có thể sẽ thay đổi rất nhanh. Các guideline có thể thay đổi chóng mặt vì Y học hiên nay là Y học dựa trên bằng chứng.

Nhiều guideline thay đổi và cập nhật hàng năm, nên chúng ta cũng phải cập nhật để người bệnh để hưởng lợi từ những tiến bộ đó. Nên trong khi điều trị người bệnh ta cũng có thể giở sách, giở phác đồ ra là bình thường.

Nhiều người hay nói bác sĩ tồi, bác sĩ không giỏi. Và quanh câu chuyện bác tồi có nhiều góc nhìn lắm. Bác sĩ tồi không có nghĩa là cứ phải giở sách ra, mà bác sĩ tồi sẽ là bác sĩ không chịu cập nhật những cái mới, không chịu đọc sách, tra báo, tìm tòi những kiến thức mới. Tất nhiên các guideline, hướng dẫn cũng chỉ là hướng dẫn chung, guideline cũng không thể chịu trách nhiệm về tính mạng của người bệnh. Vì vậy nó đòi hỏi sự chịu trách nhiệm của người bác sĩ khi ra quyết định điều trị, và cũng đòi hỏi cá thể hóa điều trị, và thêm vào đó là kinh nghiệm của người bác sĩ nữa. Bởi vì kinh nghiệm cũng không phải lúc nào cũng xấu và cũ kỹ, lạc hậu.

 "Thầy già con hát trẻ", nên thầy già cũng có những giá trị của thầy già, nhưng thầy già sẽ thất bại nếu như thầy già mà không chịu cập nhật thường xuyên, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay.

 Vì vậy, các guideline giống như những ngọn đèn soi đường, giúp cho các bác sĩ điều trị có thể đi nhanh hơn và tiếp cận gần với thành công hơn, ít nhất là nó cũng giúp chúng ta đi biết sẽ phải đi như thế nào và đi đến đâu, bởi nó còn cung cấp cả các mục tiêu điều tri, tức là các đích mà chúng ta phải đạt được.

Mặt khác, tuy lâm sàng thực sự quan trọng nhưng trong thời đại hiện nay thì cận lâm sàng cũng quan trọng không kém. Cận lâm sàng hiện đại và được chỉ định phù hợp sẽ giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị được tốt hơn và người bệnh có cơ hội được cứu sống cao hơn. Nên những bệnh viện đủ lớn, có các labo xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng hiện đại, chính xác thì thực sự có ích lợi.

Bạn đọc, các y bác sĩ, nhân viên y tế có tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời xin gửi bài về địa chỉ email: blog@suckhoedoisong.vn

Ngày xưa hồi còn sinh viên, trường Y thực ra không có những môn học dạy sinh viên về bắt đầu cho nghiên cứu khoa học, cách thu thập và tìm các bằng chứng khoa học, cũng như dạy sinh viên làm sao để có khả năng tự học và biết rõ hơn ý nghĩa của học tập liên tục hay học tập suốt đời. 

Chương trình đổi mới hiện nay đã bắt đầu có những tiếp cận đúng đắn hơn như vấn đề tính chuyên nghiệp khi hành nghề Y, chú trọng hơn về tin học, ngoại ngữ, dạy sinh viên cách đi tìm các bằng chứng khoa học, ... Hy vọng rằng các bạn sinh viên sẽ có những cái nhìn rộng hơn các thế hệ đi trước như mình.

Trong xã hội thì ngành nghề nào cũng phải đòi hỏi tính tự giác và quá trình học hỏi suốt đời, nhưng nghề Y thì đỏi hỏi tính tự học và học tập liên tục cao hơn cả.

Cá nhân mình thực sự thấy rằng học không lúc nào là đủ, càng học càng thấy mênh mông, nên cũng phải vừa hành nghề vừa phải tự học hỏi thêm.

'Làm nghề y ấy là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh'"Làm nghề y ấy là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh"

SKĐS - Bà ngoại khuyên tôi như vậy khi tôi quyết định thi vào Đại học Y Hà Nội

Bác sĩ Nguyễn Thanh
Ý kiến của bạn