Hà Nội

Bác sĩ tim mạch hướng dẫn sơ cứu vết cắt mạch máu

26-09-2016 14:19 | Y học 360
google news

SKĐS - TS. Dương Đức Hùng - bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tim và xử trí hàng chục nghìn ca cấp cứu mạch máu trực tiếp hướng dẫn sơ cứu vết cắt mạch máu trên người thật và bằng những dụng cụ, vật liệu có thể gặp trên đường.

Sau những cái chết thương tâm do tôn cứa vào cổ và bệnh nhân không được sơ cứu đúng cách, chiều 26/9, BV Bạch Mai tổ chức buổi hướng dẫn sơ cứu vết cắt mạch máu tại cộng đồng. TS. Dương Đức Hùng - bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tim và xử trí hàng chục nghìn ca cấp cứu mạch máu trực tiếp hướng dẫn trên người thật và bằng những dụng cụ, vật liệu có thể gặp trên đường như cành cây, que tre, bút bi... khi không có dụng cụ y tế chuyên dụng.

TS. Dương Đức Hùng nhấn mạnh rằng, việc sơ cứu ban đầu tại hiện trường giúp cầm máu cho nạn nhân trước khi chuyển đến bệnh viện được coi là một trong những kỹ năng sinh tồn cần phải có. Quan trọng nhất là kỹ năng băng ép phía trên vết thương, mục đích cầm máu cho nạn nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều trường hợp nếu biết cách sơ cứu có thể cứu được bệnh nhân, ngược lại sơ cứu không tốt để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

TS. Hùng hướng dẫn sơ cứu vết cắt mạch máu vùng cổ.

Với trường hợp em bé bị tôn cứa đứt cổ dẫn đến tử vong, TS. Hùng nói: "Trường hợp cháu bé hết sức thương tâm và đáng tiếc. Khi vết thương vào mạch máu lớn, như trường hợp cháu bé bị vết thương vào mạch cảnh vùng cổ, ngay lập tức máu sẽ xối xả và rơi ngay vào tình trạng sốc mất máu. Nếu như thể tích máu bị mất ngay một lúc cấp trên 50% thể tích máu thì sẽ rơi vào sốc mất máu không hồi phục. Như vậy, dù kể cả trong trường hợp tai nạn xảy ra gần BV thì cũng rất khó để đến BV mà bác sĩ có thể cứu chữa được nếu như sự sơ cứu ban đầu không làm tốt".

Theo TS. Hùng, ở vùng cổ có một động mạch khá lớn là động mạch cảnh, nằm ngay dưới da cho nên chỉ một vết cắt qua da đã có thể gây tổn thương mạch cảnh (dân gian hay gọi là “cắt tiết”), máu sẽ phun ra.

"Việc đầu tiên, nếu nạn nhân là người lớn cần ngay lập tức cố gắng dùng tay đối diện ép chặt vào vết thương, mục đích để máu ngừng chảy. Người bên ngoài khi đến cạnh nạn nhân việc đầu tiên không phải là khẩn trương bế sốc nạn nhân lên mà với những dụng cụ tại chỗ mà chúng ta kiếm được như khăn giấy, miếng vải, khăn mặt, thậm chí có thể xé áo, quần, bất cứ thứ gì có thể được… ép vào vết thương cần cầm máu ngay lập tức. Trong sơ cứu thì kỹ thuật băng ép là kỹ thuật cơ bản để cầm máu. Tuy nhiên ở cổ có đặc thù là nếu băng ép không đúng cách lại làm chẹt đường thở khiến nạn nhân không thở được. Do đó cần đặt một vật như thanh gỗ nhỏ chẳng hạn vào phía đối trọng sau đó băng ép và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, như vậy có thể cứu được bệnh nhân"- TS. Hùng hướng dẫn.

Hiện trưởng vụ bé trai bị tôn cứa cổ gây tử vong. Ảnh Internet.

Cũng theo TS. Hùng, lượng máu trong cơ thể người trưởng thành khoảng 4-5 lít, mỗi nhát bóp của tim là 60ml thì chỉ khoảng 5 phút nếu sơ cứu không đúng cách nạn nhân sẽ hết máu và lúc đó nếu có đưa đến BV thì khả năng cứu sống cũng rất khó khăn. Nếu sơ cứu đúng cách, không chảy máu nữa cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ có những dụng cụ, vật liệu cầm máu hiệu quả hơn. Đây là kỹ năng sinh tồn, trong các trường học, trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên truyền thông rộng rãi để giúp người bị nạn trên đường.

Trước đó, chiều 23/9, bé trai 9 tuổi đang đạp xe trên đường do không để ý chiếc xích lô chở tôn đỗ bên đường đã đâm vào góc miếng tôn. Cú va chạm khiến miếng tôn cứa ngang cổ bé. Được người dân đưa đi cấp cứu tại BV Bạch Mai, do vết thương quá nặng, mất máu nhiều, cháu bé đã tử vong.

Khi vụ việc cháu bé 9 tuổi tử vong do tôn cứa vào cổ chưa hết bàng hoàng thì khoảng 14h45' chiều ngày 25/9, một phụ nữ 66 tuổi lại tử vong do bị xe chở tôn trên đường rơi xuống quẹt gây đứt cổ và tử vong sau đó.

Một bác sĩ cấp cứu tại BV Bạch Mai - người trực tiếp cấp cứu cho cháu bé bị tôn cứa cổ chia sẻ:

"Bác sĩ huy động toàn bộ kíp trực cấp cứu cầm máu cho cháu bé, vết thương cứa đứt khí quản và thực quản, đặt ống nội khí quản quả thật kinh khủng, mãi sau mới luồn được qua vết cắt. Nhưng y học là hữu hạn, cuối cùng các bác sĩ cũng bất lực. Các điều dưỡng chảy nước mắt thương cháu bé... Cảm giác tuyệt vọng dâng lên một cách khủng khiếp...

Dương Hải
Ý kiến của bạn