Hơn 10 năm trước, chị N.T.L. (tên nhân vật được thay đổi), trú TP Đông Hà (Quảng Trị) có những biểu hiện nghi ngờ nên đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Lúc bác sĩ công bố kết quả bị nhiễm HIV, mọi thứ dường như đổ sập xuống đối với chị L.
Biết bị nhiễm HIV, chị L. hoàn toàn suy sụp, rơi vào bế tắc. Trong đầu nảy ra nhiều suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là nỗi lo sợ bị mọi người kỳ thị, xa lánh. Thế nhưng, sau khi được bác sĩ tư vấn, trấn an tinh thần, chị L. quyết tâm chiến đấu với căn bệnh để tiếp tục được sống.
"Thông qua việc chấp hành phác đồ điều trị, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, đến nay tải lượng virus HIV trong cơ thể tôi luôn ở dưới ngưỡng phát hiện và không có nguy cơ lây lan cho người khác. Tôi cũng đã sinh được một người con khỏe mạnh, phát triển bình thường", chị L. chia sẻ.
Chị L. chia sẻ, người giúp chị có được tinh thần, sự chiến đấu mãnh liệt với bệnh HIV để tới ngày hôm nay, không ai khác chính là những y, bác sĩ đang công tác tại khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị. Trong đó người có ảnh hưởng nhiều nhất tới chị L. là bác sĩ Nguyễn Tiến Nam (Phụ trách khoa Phòng chống HIV/AIDS).
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế, bác sĩ Nam về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Triệu Hải (Quảng Trị). Năm 2013, bác sĩ Nam chuyển đến công tác về khoa Phòng chống HIV/AIDS cho đến nay.
Với mỗi y, bác sĩ trong những ngày đầu làm công tác thăm khám, điều trị người nhiễm HIV, dường như ai cũng mang theo sự lo lắng vì chưa thực sự hiểu nhiều về căn bệnh cũng như nỗi sợ không may sẽ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận bệnh nhân, lắng nghe những chia sẻ, họ xóa bỏ hoàn toàn những lo lắng, để hết mình vì công việc.
"Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh khác nhau, thấu hiểu được điều này chúng tôi luôn nhắc nhở, động viên nhau phải làm việc hết mình để giúp người bệnh có thêm niềm tin, chiến đấu với bệnh tật", bác sĩ Nam nói.
Bác sĩ Nam cho biết, những bệnh nhân mắc căn bệnh này rất đáng thương. Họ bị mọi người xa lánh nên luôn tự ti, mặc cảm và giấu bệnh. Do đó, các y, bác sĩ trong khoa luôn đồng cảm xem đây là những người cần được gần gũi, quan tâm, chia sẻ. Từ đó giúp đỡ họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị nhằm mang lại hạnh phúc, kéo dài cuộc sống.
Bác sĩ Nam kể, có một bệnh nhân nhiễm HIV quê ở huyện Cam Lộ bị mọi người xung quanh kỳ thị, xa lánh nên suốt ngày chỉ ở trong một căn phòng riêng biệt. Bản thân bệnh nhân luôn có những suy nghĩ tiêu cực.
Trải qua một thời gian điều trị, mặc dù tải lượng virus trong cơ thể xuống thấp, không có nguy cơ lây lan thế nhưng bệnh nhân vẫn không dám tiếp xúc với những người xung quanh.
"Trong một lần đến khám, khi biết được câu chuyện, chúng tôi đã khuyên nhủ, động viên và thường xuyên gọi điện nắm bắt tâm tư, tình cảm của bệnh nhân. Đến nay bệnh nhân có thể tự tin hơn, bớt đi được những mặc cảm để ra ngoài tiếp xúc với mọi người", bác sĩ Nam chia sẻ.
Bác sĩ Nam cho rằng, mọi người nên thay đổi suy nghĩ về người nhiễm HIV. Thay vì xa lánh, kỳ thị thì nên động viên chia sẻ để ít nhất giúp họ có thêm tinh thần.
"Những lúc người bệnh rơi vào trạng thái suy sụp, vai trò của y, bác sĩ hết sức quan trọng. Cần phải tích cực vận động, khuyên nhủ để họ thay đổi nhận thức, suy nghĩ giúp cho công tác điều trị được kịp thời, mang lại hiệu quả cao hơn", bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nam, ngày nay thuốc và các điều kiện để điều trị căn bệnh này đã tốt hơn trước rất nhiều, điều quan trọng nhất trong điều trị HIV/AIDS chính là tinh thần của người bệnh. Do đó, gia đình và xã hội cần thấu hiểu, chia sẻ, không nên kỳ thị.
"Mong rằng, mỗi chúng ta nên có những cái nhìn tích cực hơn đối với những người không may nhiễm HIV, giúp họ có thêm động lực để điều trị, sớm hòa nhập với cộng đồng, vì một xã hội tốt đẹp hơn", bác sĩ Nam nói.
Nhiều năm làm công tác khám và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, đối với bác sĩ Nguyễn Tiến Nam, niềm vui đó là khi chứng kiến bệnh nhân hồi phục tốt, có được một cuộc sống bình thường như bao người khác.
Hết lòng vì công việc, luôn gần gũi, chia sẻ, động viên người bệnh nên bác sĩ Nam được nhiều bệnh nhân xem như người thân của mình. Không những vậy, bác sĩ Nam còn được lãnh đạo và các đồng nghiệp trong cơ quan quý mến, tôn trọng.