Hà Nội

Bác sĩ thận- tiết niệu mách bạn cách đẩy lùi bệnh sỏi thận, không cần phẫu thuật

BSCKII. Phạm Huy Huyên

BSCKII. Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện Thu Cúc; Nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, BVĐK Xanh Pôn; Phó Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu tại miền Bắc.

22-08-2019 11:15 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Sỏi thận – tiết niệu là căn bệnh khá phổ biến với khoảng 10% dân số mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đa số người dân vẫn chủ quan, trì hoãn điều trị sỏi, chỉ khi bệnh nặng mới chịu đến bệnh viện khám. Trong khi đó, y học hiện nay đã có nhiều phương pháp hiện đại điều trị sỏi thận – tiết niệu mà không cần phẫu thuật giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.

Nhiều sai lầm trong điều trị

BSCKII. Phạm Huy Huyên - Phó Giám đốc Bệnh viện Thu Cúc; Nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, BVĐK Xanh Pôn; Phó Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu tại miền Bắc cho biết, bệnh sỏi thận – tiết niệu là sỏi nằm trên hệ tiết niệu của con người như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Đây là bệnh thường gặp chiếm khoảng 10% dân số, nhưng đa số mọi người trì hoãn điều trị sỏi.

Chỉ rõ những sai lầm mà người bệnh sỏi thận – tiết niệu hay gặp phải, BS. Huyên cho hay, rất nhiều bệnh nhân không điều trị triệt để và thường chưa đi khám đúng chuyên khoa, họ muốn điều trị bằng thuốc Nam với thời gian quá kéo dài, đặc biệt thuốc không kiểm soát được chất lượng dẫn đến ngộ độc thận, gan và một số bệnh nhân phải đi chạy thận nhân tạo. Hoặc có những người bệnh chỉ muốn “điều trị” bằng thực phẩm, nhưng đã để lại nhiều biến chứng khá trầm trọng khiến bệnh nặng thêm.

Các biến chứng có thể kể đến là nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm đài bể thận, ứ nước, dần dần suy thận, mất chức năng thận; có trường hợp nhiễm trùng huyết, sỏi thận - tiết niệu gây xơ hóa đường tiết niệu, và chít hẹp đường tiết niệu, các biến chứng tăng huyết áp…

BSCKII. Phạm Huy Huyên.

Ngoài ra, nhiều người còn tin theo quảng cáo rằng có thuốc làm tan sỏi thận kể cả khi viên sỏi đã to. Chuyên gia sỏi thận – tiết niệu Phạm Huy Huyên phủ nhận điều này và nhấn mạnh: Các thuốc chỉ hỗ trợ phương pháp điều trị can thiệp, với sỏi to thì không thể dùng thuốc mà chữa khỏi được. Việc điều trị sỏi phụ thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi cũng như biến chứng do sỏi gây ra.

Tán sỏi không cần phẫu thuật

Theo BS. Huyên, các triệu chứng của bệnh sỏi thận – tiết niệu thường diễn biến âm thầm, thậm chí không có triệu chứng gì, do đó người dân dễ chủ quan. Khi sỏi lớn thì người bệnh thấy mỏi vùng thắt lưng, đau khi vận động mạnh, đái ra máu, đôi khi có triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, sốt, đái buốt, đái rắt. Khi sỏi trên thận rơi xuống niệu quản thì có cơn đau quặn thận (rất đau, đau nhiều kèm nôn, sốt).

Để điều trị bệnh sỏi thận – tiết niệu, y học hiện nay có phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ định với sỏi phát hiện sớm tức là kích thước sỏi dưới 2cm và sỏi niệu quản dưới 1cm, do đó người dân cần phát hiện bệnh sớm. Thực hiện phương pháp này, bệnh nhân không cần gây mê, an toàn cho sức khỏe, không sang chấn, tiết kiệm về mặt kinh tế so với mổ mở. Tán sỏi xong người bệnh có thể về nhà ngay được.

“Với điều kiện phát hiện sớm, sỏi mới rơi từ thận xuống niệu quản, viên sỏi chưa bị viêm, chưa bị niêm mạc niệu quản bọc dính chặt thì tán sỏi mới hiệu quả. Trường hợp muộn có polyp bám chặt thì việc tán sỏi ngoài cơ thể không hiệu quả mà phải sử dụng phương pháp khác như tán sỏi nội soi hoặc phẫu thuật.

Sỏi lớn hơn 2cm có thể tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, tán bằng laser công suất cao, lấy ra ngoài luôn. Phương pháp này hoàn toàn thay thế cho mổ mở, thực sự là cuộc cách mạng để điều trị sỏi lớn. Người bệnh chỉ phải nằm viện 3 ngày, vết mổ nhỏ”- BS. Huyên cho biết thêm.

Để phòng tránh bệnh sỏi – tiết niệu và tránh bệnh tái phát, BS. Huyên khuyến cáo, cần uống đủ nước hàng ngày, tăng cường vận động, tập thể dục để tránh sự lắng đọng của tinh thể muối khoáng, không có cơ hội tạo sỏi; đồng thời tăng cường sự bài tiết hệ tiết niệu, tăng sức khỏe toàn thân.

Đặc biệt, người dân chú ý đi khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/lần, 6 tháng/lần và nên khám cả chuyên khoa thận – tiết niệu để phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh sỏi thận mà không phải phẫu thuật, giảm tốn kém, nâng cao hiệu quả điều trị.

Bởi lẽ, sỏi niệu quản nếu phát hiện sớm thì tán sỏi ngoài cơ thể chỉ mất từ 30-45 phút sau đó có thể về nhà ngay. Nếu bệnh phát hiện muộn, sỏi quá to thì phải can thiệp phẫu thuật ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn kém chi phí gây gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Dương Hải
Ý kiến của bạn