“Đó là BS. Hiệp, Khoa Ngoại - bác sĩ “thân thiện” nhất bệnh viện em đấy chị ạ” - một đồng nghiệp của Hiệp giới thiệu với tôi.
Những ngày đi công tác đó, BS. Phan Hoàng Hiệp có lúc trầm ngâm chia sẻ với tôi rằng đang ấp ủ một kế hoạch riêng cho mình trong chuyên ngành phẫu thuật tuyến giáp. Lúc đó, Hiệp còn giữ bí mật đề tài khoa học, vì “nó còn đang dang dở, khi nào thành công em sẽ chia sẻ với chị”. Và đề tài khoa học đó đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ bình chọn là thành tựu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực y tế xuất sắc nhất Việt Nam năm 2018. Nhưng để có được thành quả này, ThS.BS. Phan Hoàng Hiệp đã trải qua bước ngoặt lớn của cuộc đời...
ThS. BS. Phan Hoàng Hiệp.
Ước mơ đến từ sau... trận ốm
Đang là học sinh chuyên Toán của Trường PHTH Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), năm lớp 11, cậu học trò Phan Hoàng Hiệp bị một trận ốm, sốt cao liên tục, phải nghỉ học và vào bệnh viện đa khoa tỉnh. Trong suốt 18 ngày nằm viện, các bác sĩ không chẩn đoán ra bệnh mặc dù đã làm đủ các xét nghiệm. Đang ở lứa “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” khỏe mạnh, đẹp đẽ với những hoài bão, bỗng dưng mắc bệnh “sốt chưa rõ nguyên nhân”. Hiệp suy nghĩ nhiều về cái “chưa rõ nguyên nhân” đó. Bài toán có đáp số rõ ràng mà sao lời giải không tìm ra... Nhưng được sự chăm sóc của các bác sĩ cùng tình yêu thương, sự tin tưởng và động viên của gia đình, Hiệp tự nhủ phải vượt qua chính mình. Do vậy, sau khi ra viện, Hiệp đã cố gắng luyện tập để phục hồi sức khỏe suốt những ngày hè của năm lớp 11 sang lớp 12, cuối cùng thì Hiệp cũng vượt lên được tất cả. Được sự tạo điều kiện tối đa của các thầy cô và bạn bè, dù bỏ lỡ mất một thời gian học tập, nhưng cậu học trò Phan Hoàng Hiệp đã quay trở lại lớp chuyên Toán và vẫn là một trong những học trò xuất sắc. Nhưng lúc này, ước mơ và hoài bão của cậu đã đổi hướng. Là một học sinh chuyên toán, trước đó, Hiệp muốn thi đỗ vào Trường đại học Bách Khoa và khát khao đi tu nghiệp ở nước ngoài... Nhưng sau trận ốm đó, Hiệp đã quyết tâm thi vào trường y, với một suy nghĩ trước tiên là để chữa bệnh cho chính mình nếu không may bệnh quay trở lại và chữa bệnh cho người thân, cho những người không may mắc bệnh... Và đặc biệt mong muốn tìm ra “lời giải của bài toán khó” mà không may mình gặp phải...
Trong gia đình Hiệp không ai làm ngành y, cũng không ai nói cho cậu học trò biết về cái hay cái đẹp của nghề y. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đưa cậu đến cánh cổng Trường đại học Y Hà Nội. Từ đây, Hiệp đã thấy con đường mình chọn là đúng đắn.
BS. Phan Hoàng Hiệp chia sẻ: Được học ở trường y đối với mình thật là tuyệt vời nên mọi khó khăn vất vả mình đều không thấy, chỉ có sự say mê. Khi đi học lâm sàng, chứng kiến những nỗi đau của người bệnh mình chỉ ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa chữa được tất cả mọi bệnh và mong muốn làm sao làm vơi đi nỗi đau của bệnh nhân. Nhưng càng học càng thấy y học là một bầu trời rộng lớn mênh mông, nên để trở thành bác sĩ giỏi, chỉ có thể lựa chọn được một chuyên ngành, chuyên sâu và mình chọn ngoại khoa. Bản thân mình là một người muốn điều trị bệnh có kết quả ngay, chữa nhanh chữa dứt điểm bệnh cho bệnh nhân và cần có sự quyết đoán của người bác sĩ, do đó, lĩnh vực ngoại khoa là một lựa chọn phù hợp.
Cơ duyên và “món quà”mang đến cho bệnh nhân
Sau khi học xong ngành ngoại khoa chung, năm 2001 ra trường, Hiệp đã tìm được người thầy cho chuyên ngành của mình. Đó là PGS.TS. Trần Ngọc Lương, với phương pháp mổ sội soi tuyến giáp nổi tiếng và đã được thế giới công nhận là phương pháp Dr. Lương. Nói về người thầy của mình, BS. Hiệp ánh lên sự cảm phục và trân trọng: Thầy Lương không chỉ truyền đạt cho mình những kiến thức, những kinh nghiệm trong mổ mở, mổ nội soi tuyến giáp, mà còn truyền đạt cảm hứng và khích lệ động viên mình học tập, nghiên cứu không mệt mỏi.
Có một người thầy như vậy ở bên, cùng kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp thông thường đã giúp BS. Hiệp nghiên cứu thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp 1 lỗ - kỹ thuật được ứng dụng thành công đầu tiên trên thế giới. Nói về điều này, BS. Hiệp cho hay: Đây là một thành quả để báo cáo với tấm lòng đầy biết ơn đối với thầy - PGS. Trần Ngọc Lương. Và cũng là một món quà mà BS. Hiệp muốn dành tặng cho bệnh nhân khi mình là một bác sĩ ngoại khoa.
Vì sao BS. Hiệp lại không dừng lại ở một phẫu thuật viên tuyến giáp đã được đánh giá là một trong những bác sĩ “mát tay và cứng nghề” của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (BVNTTW)? Chia sẻ về điều này, BS. Hiệp cho biết: Phẫu thuật liên quan đến tuyến giáp hết sức phức tạp, bởi tuyến giáp nằm ở vùng cổ, không có khoang sẵn và có nhiều mạch máu cùng các cơ quan liên quan trực tiếp đến tuyến giáp và hết sức nguy hiểm nếu không may trong quá trình phẫu thuật làm tổn thương đến cơ quan đó. Đặc biệt là dây thần kinh thanh quản quặt ngược - sẽ gây khàn tiếng hoặc mất tiếng, hoặc tuyến cận giáp sẽ gây tê tay, chân không thể làm việc được. Do đó, đối với các bác sĩ trẻ, các bác sĩ ở Việt Nam thì khi phẫu thuật mổ mở được tuyến giáp đã cảm thấy rất tự hào rồi. Nhưng tuyến giáp nằm ở ngay phía trước cổ của bệnh nhân, với biện pháp mổ mở thì để lại vết sẹo xấu, đặc biệt là với cơ địa sẹo lồi như người châu Á thì đó là vấn đề thẩm mỹ và mang lại mặc cảm, thiếu tự tin cho rất nhiều người, đặc biệt là ở phụ nữ còn trẻ tuổi. Do đó, tính thẩm mỹ trong phẫu thuật tuyến giáp trên thế giới người ta đã nghĩ đến từ lâu, nhưng nó mới chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu.Tới khi phương pháp Dr. Lương đưa vào ứng dụng mới giúp bệnh nhân “thổi bay” vết sẹo ở cổ sau phẫu thuật.
Trên nền tảng và kinh nghiệm phẫu thuật nội soi đó, cùng môi trường có nhiều bệnh nhân phải mổ tuyến giáp, nên BS. Hiệp đã có những kinh nghiệm, từ đó đề xuất đề tài nghiên cứu phẫu thuật nội soi tuyến giáp 1 lỗ nhằm giảm các hạn chế mà phẫu thuật mổ mở và nội soi thông thường có thể gặp phải. Nói về trở ngại trong khi nghiên cứu, BS. Hiệp chia sẻ: Mong muốn làm được điều gì đó cho bệnh nhân, nhưng các nhà sản xuất, các nhà chế tác dụng cụ lại chưa sản xuất ra được các dụng cụ phù hợp để phẫu thuật nội soi 1 lỗ vùng cổ...
Do đó, BS. Hiệp lại đưa ra ý tưởng làm sao có thể nghiên cứu, sáng tạo ra dụng cụ của riêng mình - đây là điều khó khăn nhất. Dụng cụ nội soi 1 lỗ ổ bụng không phù hợp với nội soi lỗ vùng cổ. Cuối cùng, sau nhiều tháng ngày nghiên cứu và rút kinh nghiệm, BS. Hiệp đã sáng tạo và chế tác ra được hệ thống cổng vào (trocar 1 lỗ) đặc trưng riêng của vùng cổ, độc đáo chỉ có ở BVNTTW. Cổng vào này được đặt ở hõm nách có thể đưa dụng cụ vào theo 2 mặt phẳng khác nhau nên hạn chế được các dụng cụ chạm nhau khi thao tác. Kỹ thuật đã đưa vào ứng dụng từ tháng 8/2018. Đến nay, đã có khá nhiều bệnh nhân được phẫu thuật bằng kỹ thuật mới này và họ hài lòng về kết quả sau phẫu thuật.
BS. Hiệp cho biết, với phương pháp này bác sĩ sẽ đi thẳng vào tuyến giáp mà không cần phải bóc tách rộng ra, vì thế tổn thương gây ra trong quá trình phẫu thuật sẽ tối thiểu nhất cho bệnh nhân, giảm đau và giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân. Và điều hoàn hảo nhất của phương pháp này là vẫn điều trị tốt được bệnh như các biện pháp phẫu thuật khác, nhưng bệnh nhân chỉ còn 1 vết rạch nhỏ từ hõm nách dài khoảng 2,5-3cm...
Một bác sĩ thân thiện
Nói về học trò của mình, PGS.Trần Ngọc Lương - Giám đốc BVNTTW nhận xét: BS. Hiệp là một trong những người đã theo tôi từ những ngày đầu thành lập Khoa Ngoại của BVNTTW, khoảng năm 2001. Là một người thông minh, ham học hỏi và có chí hướng phấn đấu, Hiệp đã cùng tôi mổ nội soi tuyến giáp từ những ca bệnh nhân đầu tiên... Nên cho đến bây giờ, có thể nói BS. Hiệp đã trưởng thành và có thể đảm nhiệm được các phẫu thuật khó của tuyến giáp và cũng có nhiều đóng góp, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, xây dựng cho sự phát triển của Khoa Ngoại cũng như tham gia chuyển giao công nghệ và giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ thế, BS. Hiệp là người nhẹ nhàng điềm đạm, hài hòa với đồng nghiệp và được bệnh nhân yêu quý.
Khi được hỏi tại sao lại gọi BS. Hiệp là một bác sĩ “thân thiện”? Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Hải Yến - Khoa Điều trị kỹ thuật cao cười nói: “Chị cứ tiếp xúc với BS. Hiệp và chị hỏi thêm bệnh nhân sẽ biết. Còn với riêng tôi thì Hiệp là một bác sĩ trẻ tài năng và có tâm với nghề và với người bệnh. BS. Hiệp là người đặt nền móng xây dựng khoa điều trị kỹ thuật cao. BS. Hiệp là người lãnh đạo khoa luôn mẫu mực, quan tâm, chia sẻ và hiểu nhân viên. BS. Hiệp đã tạo được môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau hoàn thành tốt công việc, là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân”.
Khi tiếp xúc với bệnh nhân, hầu hết họ đều e ngại chia sẻ về bệnh của mình. Nhưng tôi hỏi về BS. Hiệp, trong ánh mắt họ lấp lánh niềm vui và sự tin tưởng. Như bệnh nhân Ng.T.L (27 tuổi), ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội nhận xét: Tôi không may bị bệnh, nhưng may mắn gặp được BS. Hiệp. Anh ấy rất thân thiện, ân cần và chu đáo. Sau mổ ngày nào bác sĩ cũng tới thăm khám và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của chúng tôi. Do đó chúng tôi rất tin tưởng và không cảm thấy có khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân nữa...
Và giờ đây sau khi phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp 1 lỗ, công trình khoa học được vinh danh là thành tựu y học xuất sắc nhất và cũng là 1 trong 10 thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu, ấn tượng nhất năm 2018, thì ngoài thương hiệu “bác sĩ thân thiện”, BS. Hiệp còn được gọi là “bác sĩ một lỗ, bác sĩ number one”.