SKĐS - Sau rất nhiều lần lỡ hẹn bởi có ca mổ khó, tôi cũng đã gặp PGS.TS.BS. Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng. Ông tiếp chúng tôi trong phòng làm việc rộng 24m2 của bệnh viện đã xây dựng 33 năm.
Phòng làm việc của bác sĩ, giám đốc bệnh viện tuyến cuối ngành sản của Hải Phòng, giá trị nhất có bộ máy tính, còn lại là tài liệu ngồn ngộn…
Người dân thành phố Cảng vốn quen "ăn sóng, nói gió", "Hải Phòng là không lòng vòng", như đọc được băn khoăn của chúng tôi, ông nói: "Khu chúng ta đang ngồi đây được xây dựng 33 năm rồi. 2 đầu nhà, 2 nhà vệ sinh... Tôi ngồi đâu đọc tài liệu cũng được nhưng những gì tốt nhất phải dành cho người bệnh. Họ xứng đáng nhận được điều đó!"
"Bệnh nhân là Thầy của bác sĩ"
Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận ở PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm một tình cảm, tình thương tuyệt đối dành cho người bệnh.
Ông nói, bệnh nhân là "thầy" của chúng tôi. Nếu không có bệnh nhân sẽ không có cô điều dưỡng, anh bác sĩ giỏi. "Hàng ngày thầy thuốc khám cho bệnh nhân. Trên mỗi bệnh nhân là một cá thể hóa, đa dạng mặt bệnh. Khám, chữa bệnh trên mỗi cá thể người bệnh, ngoài nắm chắc lý thuyết, bác sĩ giỏi dựa trên thực hành người bệnh. Vì bệnh nhân mà ngành Y cần thay đổi. Giám đốc bệnh viện phải thay đổi. Bệnh viện phải chuyên nghiệp ngay từ ngoài cổng, rồi đến khu đón tiếp. Giao tiếp giữa người thầy thuốc với bệnh nhân cần thay đổi".
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã làm một "cuộc cách mạng" hướng về người bệnh. Trước hết về cung cách phục vụ và cơ sở vật chất. Khoa, phòng không tổ chức giao ban vào đầu giờ sáng nữa mà thay vào đó đi thăm bệnh nhân.
"Chúng tôi quán triệt với nhau là phải coi bệnh nhân như ông chủ vì họ là người trả lương cho chúng ta. Có nhiều bệnh nhân tin tưởng thì bệnh viện mới phát triển, đời sống y bác sĩ, cán bộ trong viện mới nâng cao. Người bệnh khi đến bệnh viện phải được chẩn đoán tốt, phát hiện sớm, chăm sóc tốt từ đó lan tỏa xuống các tuyến tạo nên thương hiệu cho bệnh viện" - vị bác sĩ nói.
BS. Vũ Văn Tâm tự hào về sự thay đổi của bệnh viện hướng tới bệnh nhân. Sự thay đổi này không chỉ có một mình ông giám đốc làm được mà phải nhận được sự ủng hộ, đoàn kết của tập thể thầy thuốc, nhân viên toàn bệnh viện. Người bệnh khi đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, hôm nay, được trải nghiệm cảm giác "bệnh viện khách sạn" vốn chỉ có ở những bệnh viện tư nhân có tiềm lực tài chính mạnh.
Để người bệnh được điều trị tốt, chúng ta cần có công nghệ và máy móc tốt. "Ngày nay không thể dùng máy siêu âm đen trắng, mờ nhòe được nữa rồi, với bệnh viện đầu ngành của thành phố, chúng tôi càng không thể" - BS. Tâm quả quyết.
Nếu không có công nghệ, bệnh viện không thể tồn tại và đứng vững được. Có khoa học mới thu hút được người bệnh. "Để đi nhanh, đi trước cần phải có công nghệ. Trong y học muốn chẩn đoán nhanh, chính xác không gì khác phải có công nghệ. Công nghệ làm rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến y tế. Phải khắc phục cho được tình trạng các bệnh viện hoạt động gần như độc lập với nhau. Liên kết lại, hỗ trợ nhau ở những trường hợp ca bệnh nặng. Muốn được thế phải có công nghệ như ta từng quen gọi là telehealth. Là bệnh viện đầu ngành của Hải Phòng và cả vùng duyên hải, bệnh viện và tôi sẵn sàng tham gia hội chẩn với các quận, huyện và chúng tôi đang làm tốt. Hỗ trợ tuyến dưới cũng là bài học cho mình...", BS. Tâm nói với các đồng nghiệp.
Bác sĩ trị những ca khó
Ở Hải Phòng nhiều người gọi tên bác sĩ Tâm bằng "ông mụ Tâm", bởi nhiều phụ nữ hiếm muộn qua bàn tay của bác sĩ Tâm đều có được niềm vui làm Mẹ.
Bằng chuyên môn và tâm huyết của mình, bác sĩ Tâm tham gia hỗ trợ sinh sản nhiều ca hiếm muộn. Câu chuyện vẫn được nhiều bà mẹ ở Hải Phòng kể lại về trường hợp của chị Phượng, gần 50 tuổi, nhưng khát khao được làm Mẹ luôn cháy bỏng trong mình. Chị và gia đình đã đi hết các cơ sở y tế trong Nam, ngoài Bắc.
Chị Phương kể lại: Trải qua 5 lần chọc trứng, 7 lần chuyển phôi tất cả đều thất bại, đã có lúc chị nghĩ buông xuôi bởi những đau đớn về thể xác, mệt mỏi về tinh thần, áp lực về tâm lý, khó khăn về kinh tế... Đến với Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tiến hành chọc trứng, chị chỉ được 1 trứng (do tuổi đã cao và 5 lần kích chọc trứng trước đó). Với 1 phôi duy nhất, chất lượng trung bình làm anh chị hết sức lo lắng, đắn đo, cân nhắc…
Được gặp "ông mụ Tâm", BS. Vũ Văn Tâm đã tư vấn cho vợ chồng chị Phượng tạm thời trữ phôi, tiếp tục điều trị, ổn định sức khỏe, tâm lý… đến thời điểm tốt nhất sẽ chuyển phôi.
Là người trực tiếp khám, điều trị, chọc trứng, tạo phôi cho vợ chồng chị Phượng, PGS.TS Vũ Văn Tâm, hiểu rất rõ về thể trạng sức khỏe cũng như tâm lý của vợ chồng chị Phượng.
Sau vài tháng, bác sĩ khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân đạt điểm tốt nhất (với sức khỏe của chị Phượng), cùng với sự quyết tâm của hai vợ chồng, BS. Vũ Văn Tâm quyết định thực hiện chuyển phôi. Và niềm vui đã đến thật bất ngờ, xét nghiệm sau đó cho kết quả chị Phượng đã đậu thai. Hạnh phúc vỡ òa khi gia đình chị Phương được đón nhận thiên thần là bé gái nặng 3 kg đến bên mình.
Niềm vui của chị Phượng như là giấc mơ có thật mà BS. Vũ Văn Tâm cùng các đồng nghiệp của mình trao tặng cho những gia đình hiếm muộn.
Là chuyên gia trong lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản – Chẩn đoán trước sinh, hơn ai hết, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn vất vả, nỗi buồn, sự mất mát của những sản phụ và gia đình khi sản phụ trong thai kỳ gặp phải bệnh lý thiểu ối phải đình chỉ thai nghén, đặc biệt là những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh.
Điều đó đã thôi thúc ông nghiên cứu, ứng dụng tìm hướng đi mới điều trị cho các sản phụ thiểu ối trong thai kỳ.
Thiếu ối là bệnh lý (nước ối bị ít) hay gặp trong thai kỳ. Tình trạng thiểu ối có thể gây ra nhiều nguy cơ như: suy thai, thiểu sản phổi, thận, gây dị tật, biến dạng thai nhi… Trước đây, các trường hợp bị thiếu ối thường được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch của mẹ. Nhưng biện pháp này hiệu quả thấp và chỉ kéo dài vài ngày.
Vì thế, đa số các bác sĩ khuyên chủ động đình chỉ thai nghén trước khi đứa bé chết lưu trong cơ thể người mẹ. Điều này khiến nhiều gia đình chấp nhận mất con trong tuyệt vọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.
Với trình độ chuyên môn vững vàng cùng với sự nhạy cảm của đôi bàn tay của một chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản – chẩn đoán trước sinh, chuyên chọc hút trứng, chuyển phôi, chọc ối… PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm đã thực hiện ca truyền ối điều trị thiểu ối đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng từ tháng 09/2018. Ca truyền ối đầu tiên của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cách đây gần 5 năm trước, được thực hiện thành công đã mở ra hướng điều trị mới, đặc biệt hiệu quả cho các sản phụ thiểu ối trong thai kỳ.
Từ thành công của những ca thiếu ối, BS. Tâm cùng các cộng sự đã có Đề tài: "Ứng dụng phương pháp truyền ối điều trị thiểu ối tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng" và được trao Giải Nhất trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hải Phòng lần thứ 3.
Đến nay, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm và cộng sự đã ứng dụng phương pháp truyền ối điều trị thiểu ối thành công cho hơn 100 thai phụ, trong đó đã có nhiều em bé được ra đời đủ tháng, đủ ngày khỏe mạnh. Đây là đề tài được đánh giá có ý nghĩa thực tiễn to lớn góp phần cứu sống các thai nhi non tháng, từ tuần thai từ tuần thứ 13 trở đi.
Sau những ca mổ căng thẳng, dạo bước trong khuôn viên bệnh viện còn chật hẹp, đến những khoa phòng thăm các sản phụ, ngắm nhìn những thiên thần bé nhỏ, với ảnh mắt trong veo, bao áp lực của người đứng đầu bệnh viện như tan biến.
"Món quà khiến tôi cảm động nhất sau các ca phẫu thuật thành công chính là hình ảnh những em bé phát triển khỏe mạnh từng ngày từ các sản phụ gửi đến qua tin nhắn", bác sĩ Tâm cười, nụ cười nhẹ nhõm.
Sáng nay, có người mẹ nhắn tin chúc mừng, ông bác sĩ nói với gương mặt vui mừng khi tay đang lần tìm lại dòng tin nhắn từ bệnh nhân vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam.