Bác sĩ tâm lý BV Nhi đồng 1: Mạng ảo, cạm bẫy thật

13-03-2021 13:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Xung quanh những ồn ào liên quan đến kênh Youtube Thơ Nguyễn đăng tải những video clip có nội dung tiêu cực, mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến sự tiếp thu của trẻ nhỏ, ThS.BS Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã có những chia sẻ, đề xuất.

“Thơ Nguyễn” chỉ là một “hạt sạn” trong rổ

ThS.BS Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, đã xem các video clip của kênh Youtube Thơ Nguyễn, gần đây nhất các video có nội dung hướng dẫn các trẻ xin vía học giỏi bằng cách cho búp bê uống nước ngọt là những nội dung hoàn toàn không phù hợp, mê tín dị đoan, ma quái, rất dễ khiến cho trẻ hiểu nhầm, có những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Trẻ có thể hiểu nhầm như đi học không cần phải rèn luyện, không cần cố gắng chỉ cần xin vía từ búp bê vẫn có thể học giỏi, dẫn đến trẻ thiếu tập trung, thiếu cố gắng, có sự chống đối, kết quả học tập bị ảnh hưởng, lệch lạc trong suy nghĩ.

Video clip xin vía học giỏi của Thơ Nguyễn chứa nội dung mê tín dị đoan, phản cảm

Kênh Youtube Thơ Nguyễn bị cộng đồng phản ứng gay gắt, tuy nhiên Thơ Nguyễn chỉ là một “hạt sạn” trong rổ.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị nghe nhìn hiện đại, các kênh Youtube được đăng ký và đăng tải quá dễ dàng dẫn đến đầy rẫy những chiêu thức dụ dỗ sự thu hút của trẻ nhỏ để thu lợi nhuận, càng nhiều lượt truy cập, tương tác, lợi nhuận càng cao.

Điểm chung của các kênh Youtube là lợi dụng các nhân vật hoạt hình, các đồ chơi gần gũi với trẻ để thu hút sự tò mò, thích thú của trẻ.

Các video dành cho trẻ nhỏ xuất hiện kể không hết, đặc biệt nhiều video chứa những hình thức và nội dung phản cảm, phản giáo dục, bạo lực, như: Heo Peppa kinh dị, Elsa mang bầu,… vẫn đang được xem, chia sẻ rộng rãi trên các kênh.

Thận trọng với các kênh cho trẻ

Trở lại với video của Thơ Nguyễn, trước đó búp bê vốn là đồ chơi thông dụng của các bé gái.

Với búp bê, trẻ giả bộ chăm sóc và tập dần các kỹ năng xã hội, mang ý nghĩa giáo dục tích cực tuy nhiên trong video clip xin vía học giỏi bằng cách cho búp bê uống nước ngọt, búp bê trở thành một công cụ của sự ma quái  kỳ bí, mê tín dị đoan, bùa ngải (mô phỏng theo búp bê kumathong xuất phát từ Thái Lan đã được bài từ nhiều năm trước) nhiều trẻ em chưa ý thức được, chưa định hướng được trò chơi dễ dàng bị lôi kéo, trò chơi đó trở thành độc hại đối với trẻ.

Trước đó, thử thách cá voi xanh dạy trẻ tự hành hạ chính mình thậm chí là tự sát

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3 – 6 tuổi là độ tuổi tò mò, ham học hỏi tìm hiểu thế giới xung quanh.

Ở độ tuổi này trẻ chưa thể phân biệt được những nội dung xấu, tốt, nhiều trẻ “nghiện” các video clip, bắt chước các nhân vật.

Trước đó nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra như: Trẻ bắt chước theo hiện tượng mạng xã hội “thử thách cá voi xanh” (một trò chơi trên mạng xã hội bắt nguồn từ nước Nga, bao gồm một loạt nhiệm vụ giao cho người chơi tự hành hạ bản thân mình trong một khoảng thời gian nhất định, thử thách cuối cùng là yêu cầu người chơi tự tử, nếu không thực hiện gia đình của người chơi sẽ bị đe doạ bị giết hại); tháng 10/2020 một bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm vì bắt chước các trò chơi treo cổ trên Youtube và nhiều vụ việc đau lòng khác.

ThS.BS Đinh Thạc kiến nghị: “Hiện nay các kênh Youtube được đăng ký và đăng tải các video rất  dễ dàng, ai ai cũng có thể làm được nhưng các sản phẩm đưa ra để phục vụ cho cộng đồng nhất là đối tượng trẻ em cần phải có sự kiểm duyệt cẩn thận để không làm tổn hại đến sự phát triển, trí thông minh, những đức tính tốt  mà người lớn đang giáo dục cho trẻ em.

Theo tôi, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành để kiểm duyệt những video clip, các kênh Youtube đặc biệt dành cho trẻ em.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần dành nhiều thời gian chơi cùng trẻ hoặc chọn lọc nội dung khi cho trẻ xem các kênh Youtube, giới hạn thời gian xem cho trẻ khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi ngày chia đều ở các khung giờ để không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ”.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn