Bệnh nhân đến phòng khám Tai - Mũi - Họng, bệnh viện Đại học Y Hà Nội là Vũ Anh S. 26 tuổi, trú tại Đông Anh - Hà Nội xin được khám tai. Vì 1 tuần nay bị đau tai, nghe kém, ù tai, có dấu hiệu chảy mủ chỉ sau khi nhịn hắt hơi trong cuộc họp. Anh S. được các bác sĩ soi tai, cho biết màng nhĩ đã bị thủng và tiến hành phẫu thuật.
Vì sao nhịn hắt hơi, hoặc hắt hơi quá mạnh gây thủng màng nhĩ?
Thủng màng nhĩ do chấn thương gây ra đau tai nhiều đột ngột đôi khi theo sau là chảy máu từ tai, nghe kém và ù tai. Nghe kém trầm trọng hơn nếu chuỗi xương con bị gián đoạn hoặc tai trong bị thương.
Theo Bác sĩ chuyên khoa Tai -Mũi - Họng Vũ Văn Tiến, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi chặn đường thoát không khí bằng cách bịt mũi hoặc mím chặt miệng trong lúc hắt hơi, không khí sẽ bị đẩy vào tai. Áp lực không khí sẽ có thể đi vào tai giữa và gây ảnh hưởng xấu lên màng nhĩ, có thể dẫn đến mất thính giác hoặc chóng mặt kéo dài.
Ngoài tai, việc cố kiềm cơn hắt hơi có thể đem đến nhiều ảnh hưởng khác như gây co giật và làm mạch máu vỡ ra dẫn đến những cơn ngạt thở, gây thương tích cơ hoành - một cơ ngang trải dài qua phía dưới xương sườn.
Ngoài ra, một sự gia tăng đột ngột áp lực do hắt hơi bị tắc có thể làm vỡ các mạch máu não, gây thương tích cổ hoặc ảnh hưởng xấu đến những người vừa phẫu thuật xoang trong thời gian trước đó.
Do vậy, BS Tiến cảnh báo việc kiềm chế cơn hắt hơi là một hành vi rất nguy hiểm và cần tránh làm.
Nguyên nhân và triệu chứng màng nhĩ bị thủng do chấn thương
Triệu chứng
Màng nhĩ bình thường có màu trong mờ, trắng sáng hay hơi xám hồng, mắt thường có thể nhìn xuyên qua màng nhĩ được. Màng nhĩ là một màng phân chia giữa tai ngoài và tai giữa, có hình bầu dục, hơi lồi, giống như một hình nón với các phần rỗng của nón quay ra phía ngoài, và nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai.
Thủng màng nhĩ là tình trạng có lỗ rách trong màng nhĩ, khi thủng màng nhĩ có thể dẫn đến mất thính giác hoặc làm cho tai giữa dễ bị nhiễm trùng.
Khi người bệnh bị thủng màng nhĩ do chấn thương sẽ có dấu hiệu:
- Nghe kém, ù tai, chóng mặt.
- Đau có thể kéo dài trong suốt cả ngày hoặc có thể tăng hoặc giảm cường độ.
- Tai chảy chất lỏng như nước, có máu hoặc có mủ do màng nhĩ bị vỡ. Một vết thủng do nhiễm trùng tai giữa thường gây chảy máu.
- Bệnh nhân có thể mất thính lực tạm thời hoặc giảm thính lực ở bên tai bị ảnh hưởng, các triệu chứng khác như ù tai, chóng mặt.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân như:
- Viêm tai giữa thường dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong tai giữa, áp lực từ các chất lỏng này có thể khiến màng nhĩ vỡ ra.
- Thay đổi áp xuất. Khi áp suất không khí trong tai giữa và áp suất không khí trong môi trường mất cân bằng sẽ tác động lên màng nhĩ.
- Âm thanh lớn hoặc tiếng nổ - chấn thương âm thanh.
- Sử dụng tăm bông, kẹp tóc để ngoáy
Điều trị thủng màng nhĩ
Nếu màng nhĩ bị thủng và không tự lành sau 3 đến 6 tháng sẽ kéo theo các biến chứng như mất thính lực, nhiễm trùng tai giữa, u ang tai giữa, điếc.
Thủng màng nhĩ có khi không cần phải điều trị vì màng nhĩ có khả năng tự lành trong vài tuần hoặc vài tháng với điều kiện tai được giữ khô và không bị vi khuẩn xâm nhập. Có thể sử dụng thuốc giảm đau bằng paracetamol hoặc ibuprofen nếu bị đau nhức hay khó chịu.
Trường hợp thủng màng nhĩ to, gây nghiêm trọng đến thính lực thì phải can thiệp vá màng nhĩ tại các cơ sở y khoa. Lỗ thủng thường thấy trên soi tai. Bất kỳ vệt máu nào che khuất ống tai được hút một cách cẩn thận ở mức áp suất thấp. Tuyệt đối cấm bơm nước và dùng ống soi tai có bơm hơi. Lỗ thủng cực nhỏ có thể cần phải kiểm tra bằng nội soi tai hoặc nghiên cứu trở kháng tai giữa để chẩn đoán xác định (ví dụ, nếu lỗ thủng không đóng lại). Nếu có thể, đo thính lực đồ trước và sau khi điều trị để tránh nhầm lẫn giữa giảm thính giác gây ra do chấn thương hay do điều trị.
Cách phòng ngừa thủng màng nhĩ
Để hạn chế nguy cơ bị thủng màng nhĩ, cách tốt nhất bạn hãy tự chăm sóc và bảo vệ đôi tai của mình bằng cách:
- Không nhét tăm bông, kẹp giấy, que diêm, ghim cài tóc, bút chì hoặc bất kỳ vật cứng nào khác vào tai.
- Giữ cho tai luôn khô ráo.
- Tránh xì mũi, hắt xì mạnh.
- Tránh nhịn hắt xì bằng dùng khăn, hay tay bịt kín miệng.
- Hãy nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa, bao gồm đau tai, sốt, nghẹt mũi và giảm thính lực. Cần đi khám bác sĩ để ngăn ngừa ảnh hưởng đến màng nhĩ.
- Bảo vệ đôi tai trong mỗi chuyến bay bằng cách sử dụng bịt tai để cân bằng áp suất, ngáp hoặc nhai kẹo cao su.
- Nếu công việc của bạn bắt buộc phải nghe những tiếng động mạnh, âm thanh lớn thì hãy bảo vệ tai bằng cách đeo nút tai bảo vệ hoặc nút bịt tai.
Xem thêm video được quan tâm
Những Tác Dụng Phụ Tiềm Ẩn Của Mật Ong | SKĐS