Nhớ lại thời gian gần chục năm về trước, chị H.T.T. (32 tuổi, Bắc Giang) không khỏi "rùng mình" vì cho rằng bản thân đã quá coi thường sức khỏe và tính mạng của mình.
Chị cho biết, khi đó chị mới chỉ hơn 20 tuổi, trong thời gian học trung cấp chị đã quen biết và yêu một người đàn ông đã có gia đình.
Vì bản thân còn trẻ và không có được các kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản, nên mỗi lần quan hệ tình dục chị đều không sử dụng biện pháp tránh thai an toàn. Chị đã nhiều lần dùng thuốc tránh thai khẩn cấp và ba lần đi nạo hút thai tại cơ sở y tế không đảm bảo.
"Thật may là sau này tôi lấy chồng vẫn sinh được con. Cách đây vài năm tôi cũng mới biết hành động trước kia của mình quá nguy hiểm, nhất là việc đi nạo hút thai tại cơ sở "chui". Đến bây giờ khi nghĩ đến quãng thời gian đó, tôi vẫn không khỏi "rùng mình", chị H.T.T. chia sẻ.
Một trường hợp tương tự là chị N.T.C. (30 tuổi, Hà Nội), chị C. thời sinh viên yêu một sinh viên trẻ khác trường. Vì cả hai khi đó đều còn ít tuổi, chưa có được những kiến thức cần thiết nên chưa biết cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Chính vì vậy, chị C. đã có thai và quyết định cùng người yêu đi "phá". Sau khi được bác sĩ thực hiện thủ thuật chị C. vẫn quay lại trường học tập bình thường, thậm chí tiếp tục đi làm thêm, không dành thời gian nghỉ ngơi.
"Sau khi lấy chồng, tận 2 năm sau vợ chồng tôi mới có con, có lẽ do "tai nạn" ngày đó khiến tôi khó mang thai. Nếu thời gian quay trở lại chắc chắn tôi sẽ không hành động bồng bột như vậy nữa", chị N.T.C. ngậm ngùi.
Bác sĩ "sốc" khi biết bệnh nhân đã nạo hút thai tới 18 lần
Theo Ths.Bs. Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đặc điểm chung của những trường hợp nạo hút thai nhiều lần là những người phụ nữ bắt đầu làm "chuyện ấy" ở độ tuổi khá trẻ.
Thiếu kiến thức, non nớt, thường xuyên có quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nên buộc phải nạo phá thai.
"Tôi nhớ có trường hợp người phụ nữ trung niên đến khám phụ khoa thông thường. Khi siêu âm tôi hỏi chị đã phá thai bao nhiêu lần? Sau một hồi lưỡng lự chị ấy rụt rè nói tổng cộng đã phá thai tới 18 lần. Nghe xong tôi thực sự sốc…", Ths.Bs. Phan Chí Thành chia sẻ.
Cũng theo Ths.Bs. Phan Chí Thành, thực tế các trường hợp nạo phá thai trên dưới 10 lần ở Việt Nam không phải là ít. Nhiều người vẫn quan niệm phá thai như tránh thai. Tức không dùng biện pháp tránh thai mà cứ có thai lại đi nạo phá. Như vậy rất hại cho sức khoẻ cũng như tâm lý, thể chất.
"Niêm mạc tử cung có thể ví như một "lớp đất" màu mỡ để nuôi dưỡng và cho thai nhi làm tổ. Sau mỗi lần nạo phá thai, lớp đất màu mỡ này lại bị nạo phá đi và trơ lại toàn "sỏi đá" khiến thai rất khó làm tổ và dễ sảy thai. Nhiều người nạo phá thai xong khám vô sinh các bác sĩ khám chẩn đoán niêm mạc tử cung chính là "lớp đất phù sa" mòn. Chưa kể trường hợp hút thai mạnh, thô bạo gây ra tổn thương niêm mạc tử cung. Hành động này làm cho tổn thương tạo sẹo gây dính mặt tử cung lại với nhau dẫn đến tử cung không đủ diện tích, thể tích để mang thai", Ths.Bs. Thành nói.
Ths. Bs Thành cũng cho biết, phá thai càng to càng nguy hiểm, phá thai càng nhiều lần thì tổn thương càng phức tạp. Biểu hiện của nó rất thầm kín, ít ai nghĩ tai biến của nạo phá thai sau này mà chỉ nghĩ ở thời điểm đó. Rất nhiều chị em sau 5,10 năm đã phải đi xử trí tổn thương buồng tử cung, nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật bằng cách đưa camera vào để cắt hết dải dính. Tuy nhiên dải dính cắt xong việc tái dính lại lên đến 30-40%, chưa kể có trường hợp càng phẫu thuật càng dính nhiều hơn.
"Phẫu thuật gần như chỉ cải thiện về mặt diện tích và thể tích chứ không thể tạo hình, bồi bổ được "chất đất" độ dày của niêm mạc của bệnh nhân. Hiện nay, tình trạng vô sinh do tổn thương buồng tử cung do nạo phá thai rất hay gặp. Vô sinh do buồng tử cung được xem điều trị khó nhất hiện nay. Khó bởi công nghệ cao nhất của hiếm muộn như thụ tinh ống nghiệm cuối cùng sẽ chuyển phôi vào chính tử cung của mẹ để mang thai. Lúc này khi có tổn thương dính buồng tử cung, tỷ lệ đậu thai sẽ rất thấp. Có những bệnh nhân phải chấp nhận việc đi xin con hoặc nhờ mang thai hộ mới có thể làm mẹ được", vị Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phân tích.
Tại Hội nghị hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới với chủ đề "Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước," diễn ra mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) – ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, tại Việt Nam, tình trạng mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53%); hiện nay, tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống.
Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam do UNFPA thực hiện năm 2016 cho thấy phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.
Theo các chuyên gia tại hội nghị, những người thực hiện phá thai không an toàn trong điều kiện kém an toàn có thể dẫn tới một số biến chứng cho phụ nữ trong vấn đề sinh sản cũng như sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cận Cảnh Hoang Tàn Của Cơ Sở Thẩm Mỹ Khiến Cô Gái Trẻ Tử Vong Ở TP HCM - SKĐS