SKĐS - Mình đã dự một số Hội nghị và đọc một số báo cáo nêu lợi ích và bất lợi của mổ lấy thai. Nhưng rồi mổ lấy thai vẫn cứ càng ngày càng tăng theo hằng năm. Nếu thấy một số nước phát triển, họ vẫn khuyến khích bệnh nhân sinh thường chứ đâu có mổ nhiều như bây giờ. Ngày đi học và những năm mới ra trường, phẫu thuật viên còn trăn trở chỉ định ca này đúng hay không? Sớm hay muộn...? Không biết bây giờ còn mấy người nghĩ đến điều này?
Ngày xưa, bác sĩ nào giúp cho bệnh nhân sinh qua đường âm đạo nhiều và không tai biến sẽ được khen trong các buổi giao ban. Bây giờ, tâm lý ấy không còn nữa, trừ một số người tâm huyết với nghề... Mình nói vậy có quá không?
Trong một ca trực sản, bác sĩ bây giờ ít khám bệnh vì không có thời gian. Họ bận luôn trên phòng mổ thì đâu còn thời gian để khám. Không hẳn tất cả các bệnh nhân đều phải mổ, nhưng bây giờ, ngoài một số lý do chính đáng được học từ sách vở, còn nhiều lý do khác làm cho họ không có thời gian ở tại phòng sinh, người nhà yêu cầu không phải theo dõi, đã gửi cho mình rồi thôi thì mổ quách đi, đẻ được không ai khen, lỡ có tai biến... không biết có bị khiển trách, có lên trụ điện hay mặt báo ngày mai không? Và vậy là mổ lấy thai cứ tăng vùn vụt. Mình làm trong nghề và bệnh viện công mà còn thấy chóng mặt.
Mình biết trong số này, áp lực từ người nhà không ít. Người nhà không hiểu nguy cơ mổ lấy thai nguy hiểm như thế nào trong mỗi ca mổ và lần đẻ sau, cứ thấy con cháu mình đau đẻ là họ thấy khổ sở..., vậy là cứ trình cứ bẩm, cứ sốt ruột và không kiên nhẫn xin cho người nhà em mổ tốn kém mấy cũng chịu. Tư vấn có người hiểu, có người không chịu nghe và tâm lý sợ đổ thừa đã làm tăng thêm mổ lấy thai. Thực sự nếu kiên trì giải thích họ cũng hiểu nhưng mấy ai đủ sức kiên nhẫn, chưa kể một số người nhà ngoan cố vào xin mổ với khuôn mặt hình sự. Không ai còn dám để lại theo dõi. Lại thêm một số phụ nữ công sở vẫn sợ đau đẻ và không biết ai tư vấn cho họ chuyện sinh đẻ ảnh hưởng đến khu “vui chơi, giải trí” sau này nên không biết có phải vì tâm lý sợ đau đẻ hay vì yêu chồng, họ tha thiết xin mổ, không chờ đau đẻ... và một số bác sĩ đáp ứng nhu cầu này ngay mà không chờ chuyển dạ.
Tuy nhiên, mình không đồng ý với luận điểm... “vào phiên trực bác giúp cho”. Và mỗi sáng, cứ nhận ca trực, các nữ hộ sinh phải chạy xét nghiệm vội vã những ca bác hẹn để mổ cho kịp, mặc dầu bệnh nhân chưa chuyển dạ. Bác sĩ cũng có xem bệnh cũ và cả bệnh mới ấy chứ. Có ca nào nữa ta giải quyết luôn thể, người nhà và bệnh nhân đôi khi bất ngờ vì chuyện mổ. Và một vài người xin... “Bác ơi! Em chưa có người nhà hoặc em muốn đẻ hơn muốn mổ...”. Thỉnh thoảng mình đùa: “Quen bác sĩ ăn dao”...
Một số sản phụ được theo dõi đúng bài bản sau mấy tiếng đồng hồ, bác sĩ giải thích không đẻ được, cần phải mổ lấy thai. Vậy là người nhà đâm ra trách móc. Sao bác sĩ không mổ sớm, để con em đau mất sức. Họ không biết theo dõi một ca sinh qua âm đạo mệt hơn một ca mổ lấy thai. Và điều này đã làm bác sĩ sản khoa không còn nhiệt tình trong theo dõi và dần dần một ca sinh qua đường âm đạo có thể chuyển sang mổ lấy thai lúc nào không biết, cứ vậy, mổ lấy thai gia tăng...
Và rồi một vết mổ lấy thai mới trở thành một vết mổ cũ trong lần có thai sau... Và bao nhiêu nguy cơ: dính vết mổ, dính ruột, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược... Thú thật, sau bao nhiêu năm, mình vẫn cứ sợ khi đứng trước một ca vết mổ cũ.
Làm thế nào để hạn chế mổ lấy thai không đúng chỉ định và sinh qua đường âm đạo không tai biến vẫn là nỗi trăn trở của nhiều người.
BS. Trinh Nguyễn