"Khâu chỉ giá rẻ, đêm về bác sĩ ngoại khoa mất ngủ, lo ngay ngáy"
Trong dòng câu chuyện về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, chia sẻ với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống, một bác sĩ hàng đầu về ngoại khoa kể: "Mỗi khi rời khỏi phòng mổ, về nhà, nhất là ban đêm tôi lo ngay ngáy, mất ngủ, chỉ lo chỗ chỉ khâu vết mổ cho bệnh nhân có vấn đề gì! Vì sao ư? Vì chỉ khâu đấu thầu phải chọn loại giá rẻ. Chỉ tốt thì mềm mại, xiết đến đâu chặt đến đó thì giá đắt".
Trăn trở của bác sĩ ngoại này cũng giống như bác sĩ Nguyễn Đức Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên về dây truyền dịch giá rẻ hay bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy về dao mổ giá rẻ, bác sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về ống sonde giá rẻ...
Vì sao có tình trạng này? Dưới góc nhìn của một người đã có nhiều năm gắn bó với công tác pháp chế y tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân chủ quan, đó là tình trạng các cơ chế về mặt pháp lý đang tồn tại nhiều vấn đề. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây thiếu thuốc, vật tư tiêu hao trong thời gian qua và cũng là nguyên nhân chủ yếu, nếu tháo gỡ được chúng ta sẽ tháo được vấn đề.
Theo đó, do cơ chế chưa minh bạch nên các cơ sở không có hành lang pháp lý đầy đủ, gây tâm lý e dè trong việc thực hiện công tác đấu thầu. Tình trạng này có tác động của các đợt thanh, kiểm tra vừa qua nên tạo ra tâm lý e ngại...
Từ thực tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho hay: "Bây giờ chúng tôi đang muốn mua một số một số thiết bị y tế thì hiện tại các yêu cầu về 3 báo giá, khai báo để làm giá kế hoạch, không có tính cập nhật tí nào".
Theo ông Cơ, trước hết, 12 tháng qua và đặc biệt là 2 năm qua, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch. Các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị cho những bệnh thông thường thì 24 tháng qua các cơ sở y tế rất ít mua sắm.
"Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà lại phải cập nhật trong vòng 12 tháng. Quy định này hết sức lỗi thời. Tôi nghĩ cần được thay đổi ngay" - PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kể, Bệnh viện muốn mua một loạt thiết bị y tế và hóa chất sinh phẩm, khi tôi họp các phòng ban chức năng tìm nguyên nhân tại sao đấu thầu xong lại trượt thầu, thì được báo cáo cái này không có công ty báo giá, cái kia không có công ty chào thầu. Bây giờ tổ chức đấu thầu lại thì không có 3 báo giá cho một mặt hàng này. Theo quy định không thể làm bài thầu được: "Bây giờ mà giám đốc bệnh viện cứ nhắm mắt làm thì nay mai các cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao anh làm trái quy định?".
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế: Mấu chốt để giải bài toán khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế
Để giải quyết trước mắt những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, Bộ Y tế mới đây đã xây dựng tờ trình về đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Về lâu dài là sửa các nội dung liên quan trong luật Đấu thầu, Thông tư 14 về đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập...
Liên quan đến việc khắc phục thiếu thuốc, trang thiết bị… tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" diễn ra sáng 22/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đầu tiên phải sửa Nghị định 98, Thông tư 14 liên quan trang thiết bị và Thông tư 15 liên quan đến đấu thầu thuốc.
Cũng tại hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79 và Nghị quyết 86, trong đó quy định một số nội dung khác so với Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công và các luật khác để thực hiện mua sắm, đấu thầu trong phòng chống dịch.
Ngoài ra, dự án luật Đấu thầu sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, trong đó, có một chương riêng về đấu thầu thuốc và đây sẽ là biện pháp công khai, minh bạch, khắc phục những vướng mắc trong đấu thầu thuốc thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc mua sắm thuốc và thiết bị y tế hiện vướng ở hai Nghị định 98 năm 2021 và Nghị định 54 năm 2017. Chính phủ đã có dự thảo nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc.
Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang cũng đề nghị kết hợp các giải pháp trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đầu tiên, các Bộ gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trình Chính phủ sớm.
Cùng đó cũng cần xem xét lại các Thông tư, đăng ký thuốc, đấu thầu thuốc, xem xét lại Nghị định 98.
Liên quan vấn đề này, TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII kiến nghị: "Chính phủ xem xét về chính sách có gì vướng mắc cần rà soát, sửa đổi, đặc biệt văn bản đấu thầu cần cập nhật để tạo sự thuận lợi cho mua sắm, đấu thầu".
TS Bùi Thị An cũng cho rằng muốn đảm bảo sức khỏe cho nhân dân phải có thuốc vì vậy thuốc thiếu là vấn đề khá lớn hiện nay: "Nếu chúng ta không có đủ thuốc là vấn đề của cả xã hội không chỉ riêng ngành y. Giai đoạn vừa rồi có một số vấn đề trong ngành y chúng ta nên gỡ dần".
Cùng đó các chuyên gia đều đề nghị cần sớm sửa văn bản chưa phù hợp, đặc biệt liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế cần phân nhóm cụ thể để mua được mặt hàng phù hợp với nhu cầu của các bệnh viện, có chất lượng, sớm đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng quản lý giá...
Những vướng mắc, bất cập trong đấu thầu, mua sắm của y tế đều đã được chỉ ra, được bàn thảo và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 22/8 của ngành y tế đã yêu cầu Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân.
Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị.
Câu chuyện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế đã trở thành chủ đề nóng thời gian gần đây, đó không chỉ là sự quan tâm, trăn trở của các y bác sĩ, nhân viên y tế, các nhà quản lý bệnh viện, Lãnh đạo ngành y, mà còn của nhiều chuyên gia ngoài ngành và người đứng đầu Chính phủ đã có chỉ đạo nhanh chóng tháo gỡ... với tất cả mong muốn làm sao đấu thầu, mua sắm nhanh, phù hợp với quy định... để có thuốc tốt, vật tư tốt nhất cho người bệnh...