Một số gia đình từ tỉnh xa đến vì được nhiều người giới thiệu về "bác sĩ trị liệu trẻ tự kỷ, chậm nói… rất giỏi và tính cách dịu dàng, thấu hiểu tâm lý".
Quả thật vậy, với những gia đình có con bị tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối nhiễu tâm lý… bác sĩ Thịnh vừa là người thầy thuốc, vừa là người bạn đồng hành tâm lý và tâm huyết, giúp họ thêm niềm tin và động lực trong hành trình nuôi con lớn khôn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn để lắng nghe tâm sự của bác sĩ Phạm Đức Thịnh về công việc đồng hành với trẻ tự kỷ trong 30 năm qua.
Phần lớn trẻ tự kỷ đều có tiến bộ đáng ghi nhận sau 2 năm trị liệu
Thưa bác sĩ Thịnh, từ góc độ là một trong những chuyên gia về tâm lý lâm sàng trẻ em, đâu là thời điểm vàng để can thiệp trẻ tự kỷ và tăng động giảm chú ý?
Theo kinh nghiệm của tôi, can thiệp trước 3 tuổi được coi là giai đoạn vàng trong trị liệu tự kỷ. Tăng động giảm chú ý thường thể hiện khá rõ từ tuổi mẫu giáo và đây cũng là thời kỳ thích hợp để can thiệp.
1. Các phương pháp bác sĩ thường sử dụng để hỗ trợ trẻ tự kỷ?
Biểu hiện cơ bản của tự kỷ là rối loạn khả năng tương tác (interaction), giao tiếp (communication) và hành vi bị lặp lại & thu hẹp (repetitive& stereotyped patterns of behavior). Mục đích trị liệu là giảm thiểu các rối nhiễu trên, tăng tính độc lập và khả năng hoà nhập của trẻ. Trị liệu hành vi (behavioral therapy) với nhiều kỹ thuật cụ thể như tập giao tiếp, tâm kịch, thể dục, âm nhạc… là biện pháp can thiệp chủ yếu hiện nay. Những trường hợp tự kỷ điển hình, can thiệp tích cực tại trường học chuyên biệt (khoảng 25 giờ/ tuần và 12 tháng/ năm) là giải pháp cần và có hiệu quả. Tất cả các trường hợp trẻ tự kỷ được can thiệp sớm và đúng đều tiến bộ ngoạn mục, có thể hoà nhập xã hội và học nghề lo cho cuộc sống bản thân.
2. Làm thế nào để đánh giá được hiệu quả việc can thiệp cho trẻ tự kỷ, thưa bác sĩ?
Phần lớn trẻ tự kỷ đều có tiến bộ đáng ghi nhận sau 2 năm trị liệu. Nhiều trẻ gần như trở lại bình thường sau 3-4 năm thực hiện đầy đủ liệu trình can thiệp. Sự tiến bộ của trẻ dễ dàng nhận thấy bởi bố mẹ, thầy cô giáo. Tuy nhiên, cần được đánh giá chi tiết hơn mỗi 6-12 tháng với chuyên gia tâm lý lâm sàng để bổ sung hoặc giảm thiểu các kỹ thuật can thiệp.
Trị liệu tâm lý cho cha mẹ cũng là một nội dung thiết yếu
3. Bác sĩ đánh giá sao về việc nhiều bố mẹ có con bị tự kỷ thường suy nghĩ tiêu cực, thậm chí trầm cảm?
Đó là một thực tế đau lòng. Các rối nhiễu tâm lý như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, trầm cảm, rối loạn nhân cách… gây ra nỗi khổ về tâm trí cho cả đứa trẻ và gia đình. Đây là loại bệnh lý dai dẳng, nhiều khi đeo đẳng cả cuộc đời một con người.
Do hạn chế về kiến thức tâm lý, gia đình, nhất là các bà mẹ, thường rơi vào tâm trạng mặc cảm, cho rằng và bị cho rằng người mẹ là nguyên nhân gây bệnh cho con. Thực tế, trong lần khám đầu tiên, chỉ có khoảng 50% các ông bố cùng vợ đưa con đi khám.
nỗi khổ càng nhân lên do cái nhìn thiếu thiện cảm từ những người xung quanh bởi họ không quan niệm đây là bệnh mà là "nghiệp nhân quả" của gia đình.
4. Vậy với những trường hợp trên, bác sĩ sẽ tiếp cận và xử trí ra sao?
Cần trị liệu gia đình, gồm thấu cảm và nâng đỡ họ về mặt tâm lý, cùng thảo luận và thống nhất về kế hoạch trị liệu, trang bị thêm kiến thức về bệnh tự kỷ cho bố mẹ, ông bà… là những nội dung không thể thiếu trong điều trị tự kỷ.
Khi bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc, tôi luôn dành đủ thời gian để nghe họ nói. Giải thích cho họ hiểu chính xác vấn đề. Tôn vinh những hy sinh họ đang dành cho con và gia đình. Đây cũng là một nội dung thiết yếu trong trị liệu.
5. Câu hỏi cuối cùng, xin bác sĩ chia sẻ về một gia đình, một bệnh nhân mà bác sĩ đã từng chữa trị để lại cho mình nhiều kỷ niệm?
Tôi từng và hiện vẫn liên lạc với một bà mẹ có hai con tự kỷ. Chồng chị ly hôn khi vì các con không bình thường năm chị khoảng 30 tuổi.
Mặc dù có nhiều người khác giới quan tâm nhưng chị không dám đi bước nữa mà dành cả tuổi thanh xuân chăm sóc hai con thơ dại. Cảm giác lo lắng, cô đơn, trầm cảm, mặc cảm luôn song hành cùng chị hằng ngày, nhưng chị không từ bỏ. May mắn, nhờ chị đưa con đến trị liệu kịp thời, đều đặn và hơn cả nhờ tình yêu, sự bao dung của chị, hai con có chuyển biến tích cực. Bé nhỏ khi ra đường thấy hoa đẹp đã nói muối mua tặng mẹ. Cách thể hiện tình cảm như trên là một tiến bộ vượt bậc với trẻ tự kỷ.
Xin cảm ơn bác sĩ Phạm Đức Thịnh!
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1973, bác sĩ Phạm Đức Thịnh tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Nhi khoa và Tâm bệnh học. Ngoài bằng Chuyên khoa cấp hai chuyên ngành Nhi, ông tiếp tục học sau đại học hệ tập trung về Thần kinh và Tâm bệnh học - hai chuyên ngành liên quan trực tiếp tới lĩnh vực tâm lý. Từ năm 1989-1999, ông theo học, làm việc và giữ chức quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em (còn gọi là Trung tâm Nguyễn Khắc Viện). Sau khi trở thành Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, bác sĩ Thịnh vẫn trực tiếp tham gia chẩn đoán, tư vấn và trị liệu cho trẻ em có vấn đề tâm lý như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi…