Hà Nội

Bác sĩ ơi, làm sao?

05-12-2015 17:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Mỗi bác sĩ chuyên khoa đều có rất nhiều những câu chuyện về các bệnh nhân của mình, vậy nhưng, dường như bác sĩ da liễu luôn là người có nhiều câu chuyện đặc trưng “cười ra nước mắt” hơn cả.

Một cô bé tuổi chỉ chừng 16 - 17, với vẻ ngoài khá xinh xắn rụt rè bước vào phòng khám. Bác sĩ nhẹ nhàng thăm hỏi bệnh, được sự vỗ về bao dung như một người mẹ từ bác sĩ, cô bé lấy hết can đảm để kể lại căn bệnh của mình. Cô bé nghi ngờ rằng mình đã mắc bệnh sùi mào gà ở miệng. Sùi mào gà ở miệng giai đoạn đầu thường khó nhận biết vì các biểu hiện không rõ ràng, ngay cả khi xuất hiện nốt sùi nhưng nhiều người không thể phân biệt được có phải sùi mào gà hay không. Lúc đầu, do quá lo lắng nên cô đã tìm đến bác sĩ tai mũi họng để khám và bác sĩ này khuyên cô phải tìm đến bác sĩ da liễu. Cô bé vẫn không tin vì khăng khăng khẳng định mình vẫn còn trinh tiết. Theo lời kể của cô thì cô có một anh bạn trai lớn hơn cô vài tuổi và cô với bạn trai chỉ tò mò thử quan hệ bằng miệng một hai lần. Dấu hiệu bệnh sùi mào gà ở miệng thường có triệu chứng đau, khó nuốt, mụn nhú, đau nhức lợi. Qua thăm khám kiểm tra, bác sĩ kết luận đúng là cô mắc bệnh sùi mào gà thật.

“Đa số các em cho rằng quan hệ tình dục theo cách thức truyền thống mới bị lây bệnh nên vẫn rất vô tư, đến khi mắc bệnh rồi mới té ngửa” - bác sĩ cho biết: “Hiện nay, số người mắc căn bệnh sùi mào gà - một bệnh lây qua đường tình dục không hề nhỏ. Chỉ có điều, những “nạn nhân” của căn bệnh này đều cố gắng che dấu tình trạng bệnh tật của mình. Đặc biệt là những thanh thiếu niên tuổi còn rất nhỏ, các em mới 15 - 16 tuổi đầu đến để khám và chữa những căn bệnh xã hội mà vẫn mặc trên mình bộ đồng phục học sinh hoặc khép nép đi cùng với phụ huynh”. Bởi thế, đôi khi những phòng khám của các bác sĩ da liễu làm việc thành điểm tư vấn tâm lý, nơi những con bệnh bộc bạch hết mọi nỗi niềm sâu kín nhất sau khi được bác sĩ chẩn trị bệnh. “Các em nữ còn ở tuổi vị thành niên bị mắc bệnh thường là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt và không được cha mẹquan tâm. Cũng có thể là do bản tính của các em ham chơi muốn thể hiện mình nên kết bè kết nhóm để quậy”, bác sĩ cho biết.

Thêm một điều nữa, những “nạn nhân nhí” của căn bệnh này đều cố gắng che dấu tình trạng bệnh tật của mình. Mạnh dạn lắm thì chỉ dám lên mạng dưới những nickname ảo để chia sẻ với nhau kinh nghiệm chữa bệnh, động viên nhau cùng vượt qua mặc cảm để dứt điểm được căn bệnh này. Bởi thế khi đi đến bác sĩ thì tình trạng bệnh đã khá nặng, phải chữa trị trong thời gian rất dài. “Gia đình cần luôn phải quan tâm đến tâm sinh lý và sức khỏe của con cái. Cha mẹ không nên suy nghĩ rằng chỉ cho con mình ăn và học là đã đầy đủ”, đây quả là một lời khuyên chân thành.


Nguyễn Tùng
Ý kiến của bạn