Bác sĩ nội trú không được thi nghiên cứu sinh: vì sao?

09-08-2017 10:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT- BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ nhóm đối tượng là bác sĩ nội trú sẽ không được thi nghiên cứu sinh.

Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nhân lực bác sĩ nội trú - lâu nay vẫn được coi là nguồn nhân lực “vừa hồng - vừa chuyên” của ngành y, bởi họ vừa giỏi lý thuyết vừa giỏi thực hành.

Chỉ được dự tuyển tiến sĩ khi là thạc sĩ và tốt nghiệp loại giỏi?

Trước quy định này của Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam đã có công văn gửi đến Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Cục trưởng Cục khoa học Công nghệ và Đào tạo và Bộ GD&ĐT.

Theo công văn do Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam ký cho biết, bác sĩ nội trú là những người được đào tạo với khối lượng kiến thức lý thuyết và thực hành nhiều hơn so với số lượng tín chỉ quy định cho đào tạo trình độ thạc sĩ. Hiện nay, đa số những người đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú là các giảng viên của các bộ môn trong trường ĐH Y, cũng như là các bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao tại các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, nhiều trường đại học y dược đào tạo hệ bác sĩ nội trú trong nhiều năm vừa qua nhưng không được cấp bằng thạc sĩ (do Bộ GD&ĐT cấp).

Từ thực tiễn đào tạo sau đại học của Trường ĐH Y Hà Nội và trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng Hiệu trưởng các Trường ĐH Y Dược Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi về học tập và nghiên cứu cho những người đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh thay mặt Hội đồng đề nghị Bộ Y tế đồng thuận đề xuất với Bộ GD&ĐT cho phép những người có bằng bác sĩ nội trú được dự xét tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như những người có bằng thạc sĩ. Bộ GD&ĐT xem xét cấp bằng thạc sĩ cho các bác sĩ đã có bằng nội trú nhưng đến nay chưa được cấp bằng thạc sĩ.

Trong một diễn biến có liên quan, phúc đáp Công văn số 892/ĐHYHN-KHCN của Trường ĐH Y Hà Nội về việc đề nghị công nhận bác sĩ nội trú đủ điều kiện dự tuyển để đào tạo trình độ tiến sĩ, tại Công văn số 2832/ BGDĐT-GDĐH do ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục sau đại học, Bộ GD&ĐT tạo ký, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến: Dẫn theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 08/2017-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, đối tượng dự tuyển đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người có bằng thạc sĩ, hoặc bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên.Bác sĩ nội trú -  Nguồn nhân lực ưu tú, chất lượng cao của ngành y. Ảnh: TM

Bác sĩ nội trú -  Nguồn nhân lực ưu tú, chất lượng cao của ngành y. Ảnh: TM

Bác sĩ nội trú - Thương hiệu tự hào của người làm công tác y học

Liên quan đến thông tin, bác sĩ nội trú bị từ chối thi nghiên cứu sinh do quy định trên của Bộ GD&ĐT, GS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Phẫu thuật viên Tim mạch và Lồng ngực châu Á, đồng thời là một bác sĩ nội trú đã bày tỏ quan điểm: Tôi là người đã gắn bó cả đời với ngành y và chính bản thân tôi cùng với nhiều giáo sư đầu ngành trong nước, thậm chí có cả các lãnh đạo trong ngành y tế hiện nay cũng xuất phát từ bác sĩ nội trú.

Theo GS.TS. Lê Ngọc Thành, chương trình học bác sĩ nội trú rất khó, rất nặng. Sau 6 năm học, tốt nghiệp loại khá trở lên thì mới được thi tiếp lên cao học, chuyên khoa I hoặc thi bác sĩ nội trú. Trong lịch sử y học Việt Nam thì bác sĩ nội trú là một thương hiệu vô cùng tự hào của những người làm công tác y học. Họ vừa giỏi lý thuyết, lại vừa giỏi tay nghề - đó là một thực tế không thể chối bỏ và thời lượng học lớn hơn hẳn so với các thạc sĩ.

“Bác sĩ nội trú bệnh viện là hệ đào tạo đặc thù của ngành y so với các ngành đào tạo khác. Thi tuyển ngặt nghèo, học tập gian khổ, khắc nghiệt,... nhưng sinh viên đại học y ai ai cũng khát khao thành bác sĩ nội trú. Tuy nhiên, muốn thi được bác sĩ nội trú phải là những sinh viên y khoa giỏi và có ý thức học hành ngay từ những năm đầu tiên. Tôi có thể khẳng định, đó là cả một quá trình học hành, rèn luyện, sinh viên ngay từ những năm đầu đã phải học miệt mài trên giảng đường, học ở bệnh viện họ mới có cơ hội được đỗ bác sĩ nội trú”, GS.TS. Lê Ngọc Thành nói.

Vì thế, GS.TS. Lê Ngọc Thành cho rằng quy định này gây thiệt thòi rất lớn cho những thế hệ bác sĩ tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Bởi đây là nguồn nhân lực ưu tú, chất lượng nhất trong ngành y.

Theo thông tin phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống nhận được sáng ngày 8/8, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến nội dung này để có giải pháp phù hợp.

Thái Bình
Ý kiến của bạn