Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại nhiều cơ sở y tế đã sáng tạo ra mũ chắn giọt bắn để ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh, bảo vệ nhân viên y tế khi tham gia công tác khám chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, một số nơi cũng đã làm các loại mũ chắn giọt bắn “nhí” cho đối tượng là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Trên thị trường hiện nay, rất nhiều người đã đổ xô đi mua sản phẩm này với mong muốn phòng dịch tối đa - thậm chí, có cha mẹ còn tự làm mũ chắn giọt bắn cho trẻ tại nhà.
Tuy nhiên, mũ chắn giọt bắn cho trẻ hiệu quả đến đâu, liệu chúng có gây ảnh hưởng gì đến trẻ không? ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ kiêm Trưởng khoa Nhi hô hấp của Trung tâm đã có những giải đáp giúp bạn đọc về vấn đề này.
Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến, bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng và phòng bệnh. Vậy nên người dân hiện đang rất quan tâm đến cách cách phòng chống lây nhiễm COVID-19, các sản phẩm hỗ trợ phòng dịch cũng ngày càng "hot". Ngoài khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng thì thời gian gần đây, nhiều người đã tìm đến mũ chắn giọt bắn.
ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ.
"Bản chất của mũ chắn giọt bắn là những miếng mica trong suốt cắt tạo dáng hoặc gắn vào mũ vải. Sau đó dùng thêm một miếng xốp và mút đệm để làm vòng đeo lên đầu, giúp tấm kính không áp sát quá vào mặt, nâng đỡ mũi, hạn chế hơi ẩm do hơi thở (giúp hạn chế làm mờ kính).
Thực chất, trong y tế các bác sĩ cũng có sử dụng các sản phẩm mũ với màng chắn nhựa ở phía trước để ngăn dịch tiết từ bệnh nhân bắn lên trong các cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là những chiếc mũ được sản xuất với tiêu chuẩn riêng của ngành y, còn những chiếc mũ được bán tràn lan trên thị trường thì không rõ về tiêu chuẩn sản xuất cũng như nguồn gốc"- BS. Hoàng Yến phân tích.
Chuyên gia Nhi hô hấp cũng cho rằng, mũ chắn giọt bắn chỉ nên sử dụng khi cho trẻ ra nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người ốm. Bởi lẽ lúc đó trong không khí sẽ có những giọt bắn dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp. Khi có tấm màn kính che chắn, tỉ lệ giọt bắn đi vào đường hô hấp sẽ thấp hơn.
Tuy nhiên những loại mũ chắn giọt bắn này không thể thay thế được hoàn toàn các biện pháp phòng bệnh khác đã được ngành y tế khuyến cáo như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và vệ sinh mũi họng... Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 không chỉ lây qua giọt bắn trực tiếp từ nước bọt, mà còn lây qua các đường tiếc xúc trực tiếp như bắt tay, gián tiếp như việc chạm vào các đồ vậy có virus SARS-CoV-2…
Đặc biết, BS. Hoàng Yến chỉ rõ, nếu lạm dụng chúng sẽ tạo ra cảm giác an toàn ảo, bỏ qua các bước phòng ngừa cơ bản. Do đó chỉ nên coi mũ chắn giọt bắn sản phẩm hỗ trợ thêm nếu sản phẩm được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận chất lượng, và người sử dụng có các biện pháp khử khuẩn đúng cách (nếu tái sử dụng) theo khuyến cáo từ Bộ Y tế.
Ảnh minh họa.
Khuyến cáo cần biết khi sử dụng mũ chắn giọt bắn cho trẻ
BS. Hoàng Yến tư vấn, người dân nên thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng COVID-19. Nếu dùng mũ chắn giọt bắn cho trẻ cần lưu ý:
- Chỉ nên dùng mũ chắn giọt bắn cho trẻ khi đi ra nơi công cộng hoặc khi tiếp xúc với người ốm. Tốt nhất, nên hạn chế trẻ tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người lạ.
- Chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, không sử dụng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn lâu dài của trẻ.
- Trước và sau khi dùng kính chắn giọt bắn cần sát khuẩn mặt trong và mặt ngoài của tấm kính bằng cồn 90 độ và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Sau khi dùng xong, cất mũ vào vị trí sạch sẽ. Tốt nhất nên có hộp đựng riêng.
- Đặc biệt, không được cho trẻ chạm tay vào mũ chưa được khử khuẩn, sau đó đưa lên mắt, mũi hoặc miệng… rồi tiếp xúc với người khác thì nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn rất nhiều.
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 m.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.