Bác sĩ nhịn đói cấp cứu nạn nhân vụ sập cầu

26-02-2014 15:39 | Thời sự
google news

Máy bay đã chờ sẵn, không kịp ăn uống gì, bác sĩ Quyết dặn các học trò ở lại làm nhiệm vụ, rồi ông ra trực thăng về Hà Nội, lấy thêm vật tư để quay lại Lai Châu.

Máy bay đã chờ sẵn, không kịp ăn uống gì, bác sĩ Quyết dặn các học trò ở lại làm nhiệm vụ, rồi ông ra trực thăng về Hà Nội, lấy thêm vật tư để quay lại Lai Châu.

Sau cuộc điện đàm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và người đồng cấp Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tối 24/2, lại thêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, hơn 13h hôm qua (25/2), 11 bác sĩ giỏi thuộc hàng chuyên gia hồi sức cấp cứu, ngoại chấn thương, gây mê, huyết học truyền máu... của Bệnh viện Bạch Mai, do Bác sĩ Đào Xuân Cơ và 14 bác sĩ “tay dao vàng” của Bệnh viện Việt Đức, do đích thân Giáo sư Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tiến Quyết làm trưởng đoàn, đã được 2 trực thăng đưa xuống bãi đáp tại quảng trường của thị xã Lai Châu.

Sau cái bắt tay vội vã tại “phi trường” với Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử, các bác sĩ thẳng tiến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, nơi đang có 28 bệnh nhân cần được cấp cứu khẩn cấp. Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, Bác sĩ Quyết mạn phép mọi người được “quyết” việc chẩn đoán và hướng điều trị với từng bệnh nhân, như thể họ đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự nhịn cả ăn trưa để thăm khám kịp thời cho các nạn nhân.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự nhịn cả ăn trưa để thăm khám kịp thời cho các nạn nhân.

Không ai nghĩ đến cái đói, mệt khi vừa trải qua hành trình hơn hai tiếng đồng hồ trên chiếc trực thăng rung xóc và kêu to hơn mức bình thường. Bác sĩ Quyết, Cơ và các đồng nghiệp (phần lớn đều gọi ông Quyết bằng thầy, kể cả giám đốc đương nhiệm Bệnh viện Lai Châu Đỗ Văn Giang) lần lượt thăm khám cho từng bệnh nhân, kể cả 12 bệnh nhân đã được các bác sĩ địa phương phẫu thuật trước đó. Đứng bên giường bệnh cùng ông Quyết, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bí thư Tỉnh ủy Lò Văn Giàng cảm thấy nhẹ người. Còn những người thân của các nạn nhân, tuy không biết đến tiếng tăm của bác sĩ Quyết nhưng khi nghe ông chẩn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị đều cảm thấy yên lòng.

Khám đến bệnh nhân cuối cùng, đồng hồ đã chỉ 2h15, nhưng không thấy ai kêu đói. Ngồi vào phòng họp, ông Quyết tuyên bố: “Với một thảm họa, số người bị chấn thương quá nhiều, một bệnh viện miền núi sơ cứu ban đầu được như vậy là quá tốt, giúp giảm thiểu số người chết. Tôi khẳng định các bệnh nhân hiện nay không ai phải chuyển xuống Hà Nội, một số bệnh nhân bị chấn thương sọ não nhưng không quá nguy kịch. Sau điều trị, khả năng hồi phục của các bệnh nhân là rất tốt”.

Lúc này, máy bay đã chờ sẵn, không kịp ăn uống gì, bác sĩ Quyết dặn các học trò ở lại làm nhiệm vụ, rồi ông cùng một vài cộng sự ra trực thăng về Hà Nội, lấy thêm các vật tư, thiết bị còn thiếu để ngày mai trở lại.

Cảm kích trước tấm lòng các bác sĩ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc Giám đốc Sở GTVT Lai Châu Nguyễn Văn Long, mua chút đồ khô để các bác sĩ dùng tạm trên máy bay. Rồi ông nhắc cánh nhà báo: “Các bạn cần có cái nhìn chia sẻ hơn với các bác sĩ, họ đã cứu biết bao người, nhưng chỉ một lần sơ sẩy là bị chỉ trích, phê phán rất nặng nề. Có chứng kiến sự hy sinh thầm lặng này, mới thấy được tấm lòng vì người bệnh của thầy thuốc. Thực sự đây là món quà rất ý nghĩa của các bác sĩ với người bị nạn dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2”.


Ý kiến của bạn