Bác sĩ Nhi khoa viết tâm thư gửi các cha mẹ ông bà về chăm sóc trẻ nhỏ trong dịp Tết

03-02-2019 10:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, Trung tâm nghiên cứu cải tiến y tế vừa chia sẻ trên trang cá nhân của mình về chăm sóc trẻ nhỏ trong dịp Tết được cộng đồng mạng nhất là các mẹ bỉm sữa quan tâm.

Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo viết: Tết đến rồi, bác sĩ thành thật mong muốn các bạn đọc, hiểu, và từ năm sau sẽ an yên hơn so với năm nay nhé.  Các bậc cha mẹ cần chú ý đến các điều sau:

- Điều thứ nhất, mong mọi người nghi nhớ, là trẻ sau 6 tháng tuổi, sẽ bắt đầu bị bệnh thường xuyên, do miễn dịch từ mẹ qua con đã giảm hẳn, con phải tự tiếp xúc với môi trường, tự tạo miễn dịch cho mình.

Từ 6-12 tháng tuổi là những cơn bệnh “dạo đầu”, gần 12 tháng tuổi trở đi đến ít nhất 2-2.5 tuổi, là giai đoạn bé bị bệnh nhiều nhất và thường xuyên nhất. Trung bình một trẻ khỏe mạnh sau 1 tuổi bị khoảng 12 đợt bệnh đường hô hấp, và chưa kể những bệnh về các hệ thống khác. Khi trẻ đi học, trẻ sẽ bị bệnh nhiều hơn vì được thả vào môi trường tương tác giao lưu bệnh cao hơn, ít nhất là trong 3 tháng đầu đi học.

Từ 2.5-3 tuổi trở đi, hệ miễn dịch của bé quen mặt bệnh hơn, nên tần suất bệnh sẽ ít dần đi. Vì vậy cho nên, khi đi khám bệnh, ở phòng khám, hay bệnh viện, các bạn để ý sẽ thấy ít bé trên 3 tuổi đi khám bệnh là vì vậy! Vì vậy, việc mong con không bệnh là một mong muốn chính đáng, nhưng không thực tế chúng ta cần hiểu vấn đề hay gặp ở trẻ nhỏ trong giai đoạn này .

Từ 2.5-3 tuổi trở đi, hệ miễn dịch của bé quen mặt bệnh hơn, nên tần suất bệnh sẽ ít dần đi.

- Điều thứ hai: Bệnh suy giảm miễn dịch ở trẻ em, là có, nhưng là bệnh lý rất hiếm gặp. Nhưng ở Việt Nam, rất dễ gặp,  nhiều người than con cháu mình bị miễn dịch yếu khi bị ho sổ mũi, sốt cao, cảm cúm……Điều này là một lầm tưởng tai hại.

Vì khi các bạn dán mác “miễn dịch yếu”, các bạn lại lo chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc bổ, thuốc tăng đề kháng, thuốc thần kì chống bệnh, thậm chí cũng mua xông tinh dầu đồ để mà tránh bệnh cho con. Có người đè con ra rửa mũi mỗi ngày 2-3 lần, uống mật ong ngày 3 buổi, uống chưng tắc xả đồ….để phòng ngừa con đừng bệnh..

Nhưng thật sự là, các bạn đang tốn công và tốn tiền vô ích, vì không có một phương thức nào có thể tăng miễn dịch, phòng ngừa bệnh nhanh chóng như bạn mong muốn, nếu có đã đưa vào khuyến cáo y khoa để sử dụng thường qui rồi.

Các bạn nhớ cho, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng, kèm hoạt động vận động, thể thao tốt, chích ngừa đầy đủ, và vệ sinh cơ bản tốt, là đủ rồi, y khoa không cần tạo ra việc để làm thêm, dân số ngày càng đông, ngày càng sống lâu, nên gánh nặng y khoa ngày càng lớn và mệt mỏi. Nếu có gì thật sự  giảm thiểu được số bệnh, là sẽ có khuyến cáo thôi! Khi con trẻ càng lớn lên, con sẽ càng ít bị bệnh lây nhiễm, đơn giản vậy thôi.

- Điều thứ ba: Sữa mẹ tốt, nhưng không có sữa mẹ uống sữa công thức cũng tốt. Năm nay bác sĩ mệt mỏi dọn dẹp hệ lụy của phong trào tôn thánh sữa mẹ lên thành một cực đoan, bác sĩ  buồn và chán lắm, nên nhân dịp cuối năm bác sĩ tâm sự thật. Có những em bé, mẹ không có nhiều sữa, vì được cho thông tin là mẹ nào cũng có đủ sữa cho con, con càng bú càng có nhiều sữa, mà người mẹ, và cả gia đình nấn nuối cho con ti con bú, đển 3-4 tháng tuổi thấy rõ có bất thường, con da bọc xương, cả ngày quấy khóc mới mang đến bác sĩ khám, nhìn rất thảm thương.

Có những em bé bị vàng da sớm, ba mẹ vì mong muốn cho con bú mẹ hoàn toàn, da kề da thường xuyên ngay từ đầu, từ chối cho em chiếu đèn mặc dù có chỉ định của bác sĩ, vì nghĩ cho bú nhiều sẽ giảm vàng da, có ca còn kiên quyết kí cho về, mặc cho lời khuyên của bác sĩ.

Kết quả là sau đó bé bị vàng da nặng, vàng da nhân, phải nhập viện cấp cứu vài ngày sau. Rất là nguy hiểm. Có người sữa ít, kích sữa không lên được, căng thẳng, trầm cảm, con khóc mẹ khóc, thật sự không đáng có chút nào.

Cần phải mang bé đến khám để tìm ra nguyên nhân  từ đó các bác sĩ sẽ điều trị thích hợp.

-Điều thứ bốn: thuốc ho không có tác dụng điều trị bệnh, có thể giúp giảm được cơn ho khi bé bệnh, có thể không giúp giảm ho được, và lại có thể làm bé ho nặng hơn khi dùng không phù hợp. Việc cho bé uống thuốc ho, chỉ có tác dụng về mặt tâm lý cho người lớn, và có thể giúp hỗ trợ  triệu chứng ho một ít nếu có, hoàn toàn không ảnh hưởng gì được đến bệnh gây ho. Ho không gây viêm phổi, mà là bệnh có diễn tiến thành viêm phổi hay không mà thôi. Tỉ lệ này thật sự không nhiều. Ngày nào nghe con ho cũng nơm nớp sợ con viêm phổi, chẳng phải giống như ngày nào ra đường cũng sợ bị xe đụng chết! Nên đừng cố dấm dúi cho con cháu uống thuốc ho ngày này qua tháng nọ, đừng cố thử phối hợp 1-2-3-4 loại thuốc ho cùng một lúc. Bạn làm như vậy, thật sự chỉ huyễn hoặc bản thân mình. Thay vì tự điều trị khi ho cần phải mang bé đến khám để tìm ra nguyên nhân ho từ đó các bác sĩ sẽ điều trị thích hợp.

BS Huyên Thảo còn chia sẻ thêm; Con cái ra đời là để cho mình vui vẻ, đừng tự tạo thêm vấn đề cho con và bản thân vì những thứ cực đoan. Ý này bác sĩ viết ra, không mong nhận gạch đá xây nhà, và không thèm nhận gạch đá xây nhà. "Tôi đã và đang gặp những trường hợp như thế, tôi không trách gia đình, nhưng tôi mong sẽ giúp những gia đình khác tránh được những tình huống éo le này trong tương lai nhé.  Mong Tết an yên. Mong năm sau ba mẹ ông bà tâm lý an lạc, biết đón nhận thực tế, giữ không cực đoan, và  ngừng sống trong sợ hãi" BS Huyên Thảo nhấn mạnh.


Nguyễn Vũ (ghi)
Ý kiến của bạn