Bác sĩ nhi hướng dẫn chăm sóc trẻ tiêu chảy, viêm đường hô hấp

10-12-2014 08:54 | Đời sống
google news

SKĐS - Thời tiết lạnh kéo dài khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy. Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai thời điểm này rất đông bệnh nhi đến khám do mắc phải các chứng bệnh trên.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết: Đặc điểm chung của trẻ đến khám là ho, chảy mũi, sốt, nôn vọt, tiêu chảy. Số bệnh nhi viêm phổi tăng lên rõ rệt, gấp đôi ngày thường, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ sơ sinh. Bệnh nhân hen cũng tăng, bởi khi thời tiết thay đổi, rét lạnh tăng lên, trẻ dễ lên cơn hen cấp. Tiếp đến phải kể đến các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt là trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản, trẻ lớn viêm mũi. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh lý về tiêu hóa, tiêu chảy do vi rút Rota cũng tăng lên.

Trước tình hình đó, các bác sĩ đã đưa ra khuyến cáo chăm sóc trẻ hữu ích cho các bậc cha mẹ để đảm bảo sức khỏe cho con em mình.

Bù nước đúng cách cho trẻ mắc  tiêu chảy

Với trẻ nhỏ bị nôn vọt, tiêu chảy, ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi đặc biệt lưu ý gia đình cần bù nước đúng cách cho trẻ, lưu ý phát hiện sớm dấu hiệu tiêu chảy để bù nước cho trẻ. Bởi lẽ mất nước nhiều có thể đe dọa tính mạng trẻ bởi dễ bị sốc giảm thể tích do mất nước nhiều mà không bù nước được.

Trường hợp trẻ nôn trớ quá nhiều không thể bù dịch bằng đường uống thì cần phải nhập viện để truyền dịch cho trẻ.

Từ thực tế điều trị, các bác sĩ cho biết, đa số trường hợp trẻ nhập viện vì tiêu chảy, do cha mẹ không biết cách bù nước cho trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ mất nước rất nặng. Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý sợ con mất nước nên liên tục cho con uống oresol mà không biết rằng điều đó phản tác dụng, thậm chí còn làm mất nước nặng hơn do bé bị kích thích, nôn liên tục.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Khi uống oresol, nếu uống quá nhanh, bị kích thích trẻ nôn ra ngay. Vì thế, với trẻ nôn ít, thì cứ 1 - 2 phút cho uống một ngụm (hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ). Còn nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ).

Đặc biệt đừng nôn nóng, thấy con “đi ngoài” nhiều vội vàng ép con uống cả 50ml oresol, đường ruột bé đang bị vi rút tấn công, gây kích thích, trẻ càng nôn mạnh. Vì thế, uống oresol phải kiến trì, uống chậm hấp thu tốt. Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Sau cơn nôn, để con bình tĩnh lại, lại từ từ, kiên nhẫn uống từng ngụm oresol.

Còn nếu đã cố gắng bù nước cho con theo hướng dẫn mà không hiệu quả, thấy bé mệt, trẻ khát nước nhiều, đi tiểu ít, ấn vào da vết lõm lâu mất, vật vã, kích thích… hãy nhanh chóng đưa con đến viện để được bù nước bằng truyền dịch.

Cha mẹ cần hết sức lưu ý đến tình trạng “đi ngoài” của trẻ để phát hiện và điều trị tiêu chảy kịp thời.

Giữ ấm cơ thể trẻ

Trong thời tiết lạnh giá, việc quan trọng là nhất là giữ ấm cơ thể cho trẻ. Với trẻ nhỏ, có việc cần thiết mới cho trẻ ra khỏi nhà. Với trẻ đi học, buổi sáng trời lạnh buốt, sương lạnh phải giữ ấm tuyệt đối cho trẻ. Nhiều bố mẹ chủ quan, mặc ấm cho trẻ nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu, trẻ cũng có thể nhiễm lạnh và đổ bệnh.

Tắm cho trẻ trong phòng tắm đóng kín, tránh gió lùa. Nhà cửa phải giữ thông thoáng, sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá. Nhất là buổi sáng ngủ dậy, nhiều người vẫn chủ quan rót nước trong bình cho trẻ uống, trong khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp, nước lạnh không kém gì nước để trong tủ lạnh, uống phải nước này trẻ hoàn toàn có nguy cơ viêm họng.

Chớ lạm dụng nước muối sinh lý

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu ốm, cần khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý điều trị. Với trẻ bị viêm đường hô hấp trên, xổ mũi, việc vệ sinh mũi hàng ngày rất quan trọng nhưng phải đúng cách. Không ít bà mẹ cứ sẵn lọ nước muối sinh lý liền nhỏ mũi liên tục cho con, việc này càng làm trẻ bị nặng do nước muối lạnh. Vì vậy, cần ngâm lọ nước muối trong nước ấm, tan giá, thử giọt lên mu bàn tay thấy hơi âm ấm là có thể nhỏ mũi cho trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo: “Khi thấy trẻ có biểu hiện nặng lên, ở trẻ nhỏ thì bé thể hiện khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”.

Cũng theo PGS. Dũng, có một điều đáng mừng là, người dân đã hạn chế tình trạng tự cho con uống thuốc, khi trẻ có dấu hiệu bất thường đã cho trẻ đi khám rất sớm. Do đó, số trẻ phải nhập viện vì viêm phổi không quá đông, đa phần đều được hướng dẫn điều trị, theo dõi ngoại trú.

Dương Hải

 

 


Ý kiến của bạn