Hà Nội

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với ngành Y

16-04-2017 11:15 | Y tế
google news

SKĐS - Cái nhan đề hơi… “vô duyên”, đã gọi là “bác sĩ” thì tất phải gắn bó với ngành y tế. Tuy vậy, trường hợp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) thì khác, do suốt đời ông không có ngày nào ăn lương ngành y.

Cái nhan đề hơi… “vô duyên”, đã gọi là “bác sĩ” thì tất phải gắn bó với ngành y tế. Tuy vậy, trường hợp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) thì khác, do suốt đời ông không có ngày nào ăn lương ngành y. Nhà báo Trường Giang, nguyên Tổng biên tập báo “Giáo dục & Thời đại” đề nghị gọi ông là “nhà văn hoá”; nhà phê bình Vương Trí Nhàn lại “phong” cho ông là “kẻ sĩ hiện đại”… Nhưng bản thân ông chỉ muốn mọi người goi mình là “bác sĩ” thôi.

Đến tháng 5 này, BSNKV “đi xa” tròn 20 năm. Cuộc đời và sự nghiệp BSNKV (1913-1997)  thì thiên hạ đã biết qua những hoạt động hồi còn phụ trách phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, và công tác đối ngoại, dịch Truyện Kiều, viết nhiều tác phẩm khi ông về nước làm giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, rồi sự nghiệp nghiên cứu tâm lý trẻ em lúc đã về hưu… Nhà nước ta đã tặng ông Huân chương Độc Lập hạng Nhất, tặng Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm “Việt Nam một thiên lịch sử”; Viện Hàn lâm Pháp tặng ông Giải thưởng Lớn về bản dịch Truyện Kiều và nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp; các thành phố Hà Tĩnh, T.P. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… đã có tên đường Nguyễn Khắc Viện.

Là “người nhà”, những năm gần đây lại thường giúp biên soạn xuất bản các tác phẩm của BSNKV, tôi nghĩ ông thích danh hiệu “bác sĩ” hơn cả cũng có cái lý của nó.

Trước hết, điều ai cũng biết ông vào đời từ Trường Y Hà Nội, rồi sang Pháp đậu bằng “bác sĩ nội trú” (loại giỏi), ít nhiều cũng đã khám chữa bệnh cho “Tây” và anh em Viều kiều từng bị Pháp bắt làm “lính thợ” trong thế chiến thứ hai (1939-1940). Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là BSNKV đã “gắn bó” với bệnh viện và Nhà điều dưỡng ở Pháp trong chục năm, khi là bệnh nhân nan y bên “cửa tử”, còn phần lớn thời gian là nghiền ngẫm thuật yoga-khí công của Ấn Độ để tự chữa bệnh lao cho mình khi Tây y đã bó tay - do lúc đó chưa có thuốc đặc trị, BSNKV đã phải lên bàn mổ 7 lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 phổi trái và 8 xương sườn…

Có lẽ đây là “thành tích” đối với ngành y - không lớn nhất thì cũng lớn thứ nhì - của BSNKV, vì từ trải nghiệm cách vận dụng yoga của Ấn Độ, BSNKV đã kết hợp với lý thuyết Tây y (giải phẩu cơ thể con người…), đề ra cái gọi là “Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” hiện đang được phổ biến ở nhiều nơi. Cuốn sách “Từ sinh lý đến dưỡng sinh” giới thiệu cụ thể, khoa học mà dễ hiểu về phương pháp này của BSNKV đã được tái bản nhiều lần; trong “Lời tựa” bản in năm 1988, giáo sư-bác sĩ Hồ Đắc Di đã viết: “… Anh Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ hiểu biết sinh lý, là một bệnh nhân có kinh nghiệm… Nhờ vậy, anh đã kết hợp được lý luận và thực tiễn, tây y và đông y , anh đã suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh và con người Việt Nam… từ đó đã xây dựng nên một phương pháp không những thích hợp cho những người ốm yếu mà cả những người bình thường…Tôi nghĩ rằng quyển sách này rất bổ ích cho mọi người, kể cả các bác sĩ…; chính tôi, lúc đọc quyển này, cũng được biết thêm rất nhiều điều mới”.

Cũng với phương châm “bổ ích cho mọi người”, kể cả những người mù, sau này, BSNKV đã “cô đúc” phương pháp trên thành một “Bài vè tập thở” 13 câu rất dễ nhớ. Vào những ngày cuối đời, BSNKV đã nói với tôi đại ý: Trong toàn bộ công trình của mình (mà ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, từng viết: “…Anh để lại cho những lớp người sau những di sản đồ sộ…”) có khi cái đáng kể nhất là “Bài vè tập thở” vì nó có ích với muôn người và mãi mãi.

Có thể BSNKV đã nói đúng, vì như tôi biết, đến nay, nhiều người đã thuộc bài vè giản dị này, hoặc ghi lên đầu giường. BS. Đỗ Hồng Ngọc trong nhiều buổi diễn thuyết về tập luyện và sức khỏe, cũng đã dẫn bài vè; mới nhất, tôi được nghe qua trang Youtube, bài giảng của thầy Thích Bửu Chánh tại chùa Hoàng Pháp (TPHCM) trước cả ngàn bạn trẻ, trong đó, Thầy đã đưa “Bài vè tập thở” của BSNKV làm nội dung chính, đọc và “hát” từng câu cho mọi người đọc theo đến thuộc. Xin ghi lại bài vè để ai chưa biết thì áp dung:

“Thót bụng thở ra / Phình bụng thở vào / Hai vai bất động / Chân tay thả lỏng / Mặt Phật ung dung / Tập trung theo dõi / Luồng ra luồng vào / Bình thường qua mũi / Khi gấp qua mồm / Êm, chậm, sâu, đều / Đứng ngồi hay nằm / Ở đâu cũng được / Lúc nào cũng được.”

Có người nói gọn “Bài vè” là cách ‘thở bụng”; tuy vậy, cần hiểu sâu hơn là với việc điều khiển “cơ hoành” lên-xuống lúc thở, giúp thải thán khí và hấp thu dưỡng khí tốt hơn, toàn bộ nội tạng cũng được vận động, phòng ngừa được bệnh tim mạch; hơn thế, với tư thế “thả lỏng”, “tập trung theo dõi”,Êm, chậm, sâu, đều” sẽ giúp điều hòa hệ thần kinh, giảm căng thẳng… Trong cuộc sống chạy theo “tốc độ” hiện nay, điều này càng cần thiết cho việc tăng cường, bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Nhân nói đến “sức khỏe”, có lẽ cũng nên bàn thêm về “chức năng” ngành y. Hình như rất nhiều người nói đến ngành y chỉ quan tâm đến việc chữa bệnh, rồi xây bệnh viện, trang bị máy hiện đại, mua thuốc tốt… BSNKV có cách nghĩ toàn diện hơn. Trong phần đầu cuốn hồi ký “Ước mơ & Hoài niệm” mà ông đọc cho người thân nghe năm 80 tuổi,  sau khi nêu mơ ước “ngành y nước ta sớm có những trang bị kỹ thuật tối tân hiện đại cứu cho một số người mắc những bệnh hiểm nghèo”, BSNKV nói: “…Mơ ước thứ hai là ngành y của nước ta tránh lập trường chỉ biết kỹ thuật máy móc phải thật tinh xảo, mà quên rằng con người vừa là một sinh vật, vừa là một thành viên của xã hội, vừa là một cá thể có tính riêng biệt, chịu sự tác động của khách quan mà vẫn có khả năng tự cải tạo. Cho nên, mấy muươi năm qua, do sức khỏe thoi thóp, tuy không hành nghề nhưng không bỏ cuộc …” Chính vì thế, mở đầu Hồi ký, BSNKV kể “Câu chuyện dưỡng sinh” mà trang đầu là nêu định nghĩa về “sức khỏe” như sau: “Có sức khỏe tốt là cơ thể con người có thể tự điều chỉnh để thích ứng, thích nghi với những đòi hỏi thách thức của cuộc sống, của môi trường.” Cũng có thể hiểu, với việc đề xuất phương pháp tập luyện dưỡng sinh, với “Bài vè tập thở”, BSNKV vẫn “phục vụ” ngành y hết mình, không phải đi chữa bệnh mà giúp cách thức cho cơ thể “tự cải tạo” để “thích nghi với cuộc sống”, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Nói cách khác, không chỉ do điều kiện “sức khỏe thoi thóp”, mà quan trọng hơn là BSNKV muốn mọi người tập trung hơn vào cái “gốc” của ngành y; chữa bệnh, thuốc thang chỉ là cái “ngọn”, là hậu quả bất đắc dĩ phải giải quyết.

Đóng góp quan trọng nữa vào ngành y của BSNKV là tập trung tâm huyết những năm cuối đời vào sự nghiệp nghiên cứu tâm lý trẻ em. Ông đã viết và công bố hàng loạt tác phẩm như “Ngây thơ”, “Lòng con trẻ”, “Nỗi khổ còn em”, “Tâm lý học sinh tiểu học”, “Tìm hiểu tâm lý con em”, “Bài giảng tâm lý học” ( 5 tập)… được tái bản nhiều lần; đồng thời, với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học tâm lý và giáo dục trong “Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em”, đề tài khoa học cấp Nhà nước về tâm lý - bệnh lý trẻ em và bộ tài liệu về nghiên cứu tâm lý hàng vạn trang đã trở thành tài liệu tham khảo bổ ích cho các cơ quan, trường học và thầy giáo quan tâm đến tâm lý học.

Điều cần nói thêm là từ “nguyên tắc” mà BSNKV rất coi trọng là lý thuyết phải đi đôi với thực hành, nghiên cứu không tách rời thực tế, ông đã dành phần lớn Giải Thưởng Lớn của Viện Hàn lâm Pháp có giá trị gần 1 tỷ đồng tặng cho “Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em” để có thêm điều kiện tổ chức các chi nhánh ở nhiều địa phương (trong đó có Huế), đi sâu tìm hiểu thực trạng trẻ em Việt Nam để vận dụng những vấn đề lý thuyết phương Tây một cách thích hợp…

Trong các tác phẩm về tâm lý và những bài viết của BSNKV trong những năm cuối đời (phần lớn dăng trên báo “Sức khỏe & Đời sống”), ông đã đề cập trực tiếp nhiều vấn đề của ngành y như “Tâm lý bệnh nhân”, ý thức và thái độ của người thầy thuốc… cho đến việc dùng “thuốc vờ” (có người gọi là “giả dược”), rồi “quyền được chết của người già”…

Nhân dịp này, thiết nghĩ cũng nên kể một việc thầm lặng của BSNKV đối với ngành y mà ít người biết. Gần đây, qua lời kể của BS. Trần Hữu Nghiệp, chúng ta mới hay khoảng năm 1956-1957 – lúc đó, BSNKV vừa được cử làm Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, ông đã giúp ngành y tế Nam Bộ khắc phục được một khó khăn không nhỏ. Thời kỳ đó, kẻ địch bắt được cán bộ, chiến sĩ cách mạng, thường dùng súng lục cực nhỏ bắn vào bụng, hoặc dùng dùi nhỏ đâm thủng ruột, rồi thả cho về - như vậy sẽ không có bằng chứng để tố cáo với Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định Genève; nhưng với thủ đoạn dã man này, nhiều anh chị em bị viêm phúc mạc cho đến chết. Muốn cứu chữa, phải đại phẫu thuật, mổ khâu lại chỗ ruột thủng, nhưng bác sĩ, máy móc thiếu thốn. Thế là cấp tốc mở một lớp đào tạo y tá phẫu thuật cho các tỉnh Nam Bộ với tài liệu học tập là các bản vẽ Quene sắp lớp (Planches Quene) do BSNKV gửi từ Paris về bằng máy bay qua đường Phnom-pênh…

Kể như vậy thì quả là BSNKV tuy dành phần lớn công sức trong cuộc đời của mình cho hoạt động văn hoá, tuyên truyền đối ngoại, nhưng vẫn rất quan tâm đến ngành y tế. Vì thế, hầu như mọi người vẫn gọi ông là BÁC SĨ - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, dù rằng hàng chục năm ông không cầm đến một “máy móc” nào của ngành y…


Nguyễn Khắc Phê
Ý kiến của bạn