Bác sĩ nghĩ ra bộ cảm biến thông minh cho bệnh nhân tim mạch

05-02-2018 14:36 | Camera bệnh viện

SKĐS - Với giải pháp thông minh để cố định bộ cảm biến, nhân viên y tế theo dõi người bệnh một cách liên tục, phát hiện nhanh những diễn biến bệnh để xử trí kịp thời sau phẫu thuật tim.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa I Võ Văn Nhu - Phó Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đã sáng kiến giải pháp cố định bộ cảm biến dùng trong các đường truyền động - tĩnh mạch trung tâm. Giải pháp nhằm tăng sự thoải mái cho người bệnh, tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế khi theo dõi người bệnh một cách liên tục.

Sau khi được phẫu thuật tim, người bệnh sẽ được hồi sức tích cực tại Phòng Hồi sức sau phẫu thuật tim. Tại đây, người bệnh sẽ được gắn một bộ cảm biến để theo dõi các thông số: Đánh giá tình hình nước trong cơ thể người bệnh đủ hay thiếu; đánh giá khả năng trao đổi ôxy giữa phổi và mạch máu; đánh giá huyếp áp của bệnh nhân liên tục. Để xác định các thông số này một cách chính xác, bộ cảm biến này phải được đặt ngang vị trí giữa tim của người bệnh. Do đó, mỗi khi người bệnh thay đổi tư thế thì vị trí bộ cảm biến phải được thay đổi theo. Trước đây, bộ cảm biến này được gắn với cánh tay của người bệnh hoặc gắn với cây treo dịch truyền bằng băng keo. Mỗi khi người bệnh thay đổi tư thế, thì nhân viên y tế thay đổi vị trí bộ cảm biến bằng cách tháo bỏ băng keo, di chuyển bộ cảm biến và dán băng keo lại tốn nhiều thời gian. Đồng thời, phải lập lại quy trình trên nhiều lần trong ngày đã làm cho tâm lý người bệnh không thoải mái.

Bộ cảm biến thông minh cho bệnh nhân tim mạch

Bác sĩ Võ Văn Nhu - Phó Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang gắn bộ cảm biến với giá đỡ được treo trên cây treo dịch truyền.

Trước thực tế đó, bác sĩ Võ Văn Nhu đã nghiên cứu và sáng tạo giải pháp cố định bộ cảm biến dùng trong các đường truyền động - tĩnh mạch trung tâm, nghĩa là cố định bộ cảm biến với một bảng giá đỡ bằng mica. Trên bảng giá đỡ này có khe gắn thiết bị kết nối dây dịch truyền nhiều nhánh; phía sau bảng giá đỡ thiết kế 2 thanh sắt (trên, dưới) có thể gắn trực tiếp, cố định trên cây treo dịch truyền. Qua đó, nhân viên y tế sẽ dễ dàng thay đổi vị trí bộ cảm biến ngang vị trí giữa tim của người bệnh bằng cách vặn ốc cố định phía sau.

Bác sĩ Võ Văn Nhu, cho biết: "Giải pháp cố định bộ cảm biến với một bảng giá đỡ bằng mica giúp cho nhân viên y tế theo dõi người bệnh một cách liên tục, phát hiện nhanh những diễn biến bệnh để xử trí kịp thời. Đồng thời, tăng sự thoải mái cho người bệnh và tiết kiệm vật tư tiêu hao". Qua khảo sát 24 người bệnh được phẫu thuật tim và 16 điều dưỡng chăm sóc trực tiếp tại phòng Hồi sức sau phẫu thuật tim, có 100% người bệnh và điều dưỡng tăng mức hài lòng đối với giải pháp của bác sĩ Nhu.

Điều dưỡng Huỳnh Chí Công, nhân viên Khoa Ngoại lồng ngực, chia sẻ: "Lúc trước mỗi khi thay đổi bộ cảm biến phù hợp với tư thế của bệnh nhân mất gần 10 phút/lần. Áp dụng sáng kiến của bác sĩ Nhu, thao tác dễ dàng, chỉ cần điều chỉnh khoảng 1 phút và nhất là đem đến sự thoải mái cho người bệnh". Theo bác sĩ Võ Văn Nhu, giải pháp này không chỉ có thể áp dụng tại đơn vị hồi sức sau phẫu thuật tim mà còn có thể áp dụng ở các đơn vị hồi sức trong bệnh viện như: Hồi sức tích cực nội khoa, hồi sức ngoại, hồi sức nhi, hồi sức trước, trong, sau can thiệp tim mạch với những trường hợp bệnh nặng có nhiều đường truyền và cần theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung tâm liên tục... Từ hiệu quả thiết thực, giải pháp cố định bộ cảm biến dùng trong các đường truyền động - tĩnh mạch trung tâm của bác sĩ Nhu đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VI tỉnh Kiên Giang năm 2016-2017; được Hội đồng Khoa học Sở Y tế công nhận sáng kiến cấp cơ sở.


Bài và ảnh: MI NI
Ý kiến của bạn