Đã 1 tuần trôi qua kể từ thời khắc nói lời tiễn biệt nam sinh viên 19 tuổi hiến tạng để cứu sống 4 người, TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí - Phó khoa Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn không thể quên những hình ảnh và cảm xúc trước khi anh và đồng nghiệp thực hiện lấy tạng bệnh nhân đặc biệt này.
Đặt vào hoàn cảnh người thân, "thương cháu vô cùng"
TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí là người đã làm bên bộ phận ghép tạng nhiều năm. Anh tâm sự, do là "đàn anh", có tuổi đời lớn ở Bệnh viện Chợ Rẫy nên thường được giao nói lời tiễn biệt và tri ân người hiến tạng trước khi thực hiện phẫu thuật lấy tạng. Tuy nhiên, trường hợp nam sinh viên 19 tuổi (ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM) để lại những ấn tượng sâu sắc. Đó là người hiến tạng mới bước vào năm đầu sinh viên, phơi phới sức trẻ và tương lai bỗng dưng bị tai nạn trước khi chuẩn bị đi chơi lễ 30/4 và 1/5.
"Cha mẹ nào cũng đặt những ước mơ, hoài bão vào con mình. Tôi thử đặt mình vào trường hợp cha mẹ cháu, tôi thương cháu vô cùng. Tuy nhiên, trong nghề phẫu thuật, chúng tôi cần một trái tim dịu dàng của phụ nữ nhưng cũng cần một khối óc, đôi mắt của đại bàng. Chúng tôi không được phép sai sót để lấy tạng và bảo quản tạng thật tốt, như vậy mới có cơ hội để ghép cho các bệnh nhân, mới có thể hoàn thành được tâm nguyện của người hiến và gia đình họ", bác sĩ Chí chia sẻ.
Hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng chắp tay, đứng vây quanh nam thanh niên chết não rồi cúi đầu mặc niệm trước khi bước vào ca phẫu thuật lấy tạng khiến bất cứ ai cũng xúc động. Bên cạnh ý nghĩa nhân văn của nghĩa cử hiến tạng cứu người, nó cho thấy, người thầy thuốc ngoài đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng cứu người, họ còn là những người rất tình cảm, có trái tim ấm nóng trong đời thường.
Phải tri ân chân thành và chú ý hoàn cảnh người hiến tạng
Theo TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí, việc tri ân người hiến tạng, gia đình người hiến tạng là công việc phải làm, không phải là chỉ là về nguyên tắc mà là vấn đề tình cảm. Việc tri ân phải được thực hiện một cách chân thành.
Cũng theo bác sĩ Chí, mặc dù não của bệnh nhân ngừng hoạt động nhưng các tạng như tim, gan, phổi vẫn còn hoạt động. Về mặt tâm linh, các y bác sĩ vẫn cho rằng người đó vẫn đang còn "sống" và nên dành một phút tưởng niệm, tri ân người hiến tạng và gia đình người hiến tạng.
"Chúng ta đừng có nghĩ rằng, chúng ta lấy và ghép tạng thành công, chúng ta tự hào, tự mãn, chúng ta không để ý đến hoàn cảnh của người hiến tạng, như vậy là chúng ta phạm đạo đức của ngành hiến tạng.
Tôi nhớ là khi đi học ghép tạng, các thầy nước ngoài dạy chúng tôi rằng: Nếu như mình tới một bệnh viện để lấy tạng mà có thái độ không tôn trọng các bác sĩ, điều dưỡng đã dốc sức để cứu chữa bệnh nhân, trong khi người nhà của bệnh nhân thì đang mong ngóng ngoài phòng ICU - họ đã khóc khi ký giấy hiến tạng người thân mà chúng ta đi qua họ một cách thờ ơ, dửng dưng, thậm chí có vẻ kiêu hãnh hay vênh váo thì rõ là thái độ đó không phù hợp.
Chúng tôi muốn truyền lại cho thế hệ đàn em, các đồng nghiệp trong lĩnh vực hiến tạng - một lĩnh vực đang còn mới ở Việt Nam thông điệp: Hãy làm công việc hiến tạng này với một tâm thế, suy nghĩ là nhân văn, biết ơn, tri ân", TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí bày tỏ.
Chia sẻ thêm, bác sĩ Chí cho biết, hiện nay việc ghép tạng ở nước ta có 2 nguồn. Nguồn thứ nhất là từ người chết não hiến tặng, nguồn còn lại là từ người cho còn sống. Anh và đồng nghiệp đã thực hiện nhiều ca ghép tạng từ người thân còn sống hiến cho bố mẹ, con cái hay là anh chị em hiến cho nhau. Việc thực hiện những ca này áp lực hơn so với các ca chết não bởi các bác sĩ phải làm sao để những người cho tạng sống 100%.
Thực tế cho thấy, nguồn tạng từ người chết não ở Việt Nam hiện còn quá khiêm tốn. Do vậy, bác sĩ mong muốn thời gian tới việc vận động người hiến là những người không may mắn bị chết não sẽ đạt hiệu quả hơn để mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như suy gan, suy thận và tim...
Như đã thông tin, ngày 1/5/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận thông tin từ bác sĩ khoa Hồi sức ngoại của Bệnh viện Nhân dân Gia Định có 1 trường hợp bệnh nhân nam 19 tuổi (ngụ Tân Bình, TP.HCM) bị chấn thương não nặng do tai nạn giao thông. Sau đó, cha mẹ bệnh nhân có ý nguyện hiến tạng con.
Kết quả chẩn đoán chết não của bệnh nhân nam 19 tuổi này được xác định theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam vào ngày 5/5/2022. Gia đình người hiến đã quyết định hiến 2 thận, lá gan và quả tim để cứu sống 4 người bệnh.
Bốn bệnh nhân may mắn nhận được tạng hiến từ nam thanh niên này ở các nơi khác nhau là Long An, Gia Lai, Huế, Nghệ An. Hiện sức khỏe của bốn bệnh nhân này đang hồi phục từng ngày.