Hà Nội

Bác sĩ nặng lòng với những bệnh nhân HIV

21-11-2023 11:24 | Y tế
google news

SKĐS - 15 năm gắn bó với công tác thăm khám, điều trị người nhiễm HIV, bác sĩ Châu Văn Thức bằng tình yêu thương của người thầy thuốc luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp nhiều bệnh nhân kiên trì, chiến đấu với bệnh tật.

Bác sĩ Châu Văn Thức (SN 1966, Phó khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế) tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế năm 1989 sau đó về làm việc tại Trạm Y tế xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Năm 2007, bác sĩ Thức chuyển lên công tác tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS và gắn bó với công tác thăm khám, điều trị bệnh nhân HIV cho đến nay.

Những ngày đầu về công tác, trực tiếp khám và điều trị cho người nhiễm HIV, cũng như bao người khác, bác sĩ Thức vô cùng lo lắng vì chưa thực sự hiểu nhiều về căn bệnh cũng như nỗi sợ không may sẽ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận bệnh nhân, lắng nghe những chia sẻ của họ và không ngừng tìm hiểu, học hỏi thêm các kiến thức, bác sĩ Thức xóa bỏ hoàn toàn những lo lắng, để hết mình vì công việc.

Bác sĩ nặng lòng với những bệnh nhân HIV- Ảnh 1.

Bác sĩ Thức thăm khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Thức cho biết, trước đây, bệnh nhân tập trung điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (nay là Khoa phòng chống HIV/AIDS) được thành lập, số bệnh nhân tới thăm khám đông hơn.

Theo bác sĩ Thức, đối với căn bệnh này, nếu phát hiện kịp thời, điều trị sớm cộng thêm các điều kiện cơ sở vật chất, thuốc điều trị được đảm bảo bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục hơn. Có những bệnh nhân nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS mà đến bây giờ vẫn còn khỏe mạnh.

"Một số bệnh nhân vì quá mặc cảm nên từ chối được tư vấn, điều trị. Một số trường hợp khác, gia đình xem việc nhiễm HIV là một bệnh nan y cùng với suy nghĩ tiêu cực nên không dám đưa người thân đến chữa trị dẫn đến việc dù phát hiện sớm nhưng vẫn tử vong", bác sĩ Thức nói.

Bác sĩ Thức cho hay, trước đây, đa phần người đến khám, điều trị khi đã có triệu chứng, ở trong giai đoạn nặng. Tuy nhiên, bây giờ việc truyền thông ngày càng được đẩy mạnh, các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS thường chủ động đi xét nghiệm sớm, nhờ đó giúp tỷ lệ tiếp tục được sống cũng cao hơn.

Thống kê, hiện nay, tỷ lệ mắc căn bệnh HIV/AIDS đa số là những người có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 29 tuổi) chiếm khoảng 60%, thậm chí nhiều trường hợp đang còn là sinh viên. Đây thực sự là một tình trạng rất báo động đối với giới trẻ, những người có lối sống buông thả, không quan tâm đến sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.

"Khó khăn bây giờ chính là nhiều người trẻ khi phát hiện bệnh, dù được điều trị từ sớm nhưng lúc vừa tiến triển tốt lại lơ là nên gây khó cho quá trình điều trị về sau. Đặc biệt, trở ngại lớn nhất chính là sự "không hợp tác" của các bệnh nhân. Họ thường hay mặc cảm, tự kỳ thị chính bản thân mình, không chịu tiếp xúc. Những lúc như vậy, các bác sĩ phải về tận nhà để khám, động viên, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp thuốc", bác sĩ Thức nói.

Nhiều năm làm công tác thăm khám, điều trị cho người nhiễm HIV, tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, đối với bác sĩ Thức, niềm vui đó là khi thấy bệnh nhân chấp hành nghiêm túc phác đồ điều trị, hồi phục tốt và có một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Tuy nhiên, có lẽ điều mà không chỉ riêng bác sĩ Thức mà tất cả những thầy thuốc khác đều cảm thấy lo sợ nhất, xót xa nhất là khi không thể tiếp tục cứu chữa, giúp đỡ những bệnh nhân  nặng tiếp tục được sống.

Bác sĩ nặng lòng với những bệnh nhân HIV- Ảnh 2.

Bác sĩ Châu Văn Thức 15 năm gắn bó với công tác thăm khám, điều trị cho bệnh nhân HIV.

"Cho dù vì bất cứ lý do nào, khi mắc phải căn bệnh này cũng cần phải cố gắng chấp hành, điều trị để chí ít cũng tiếp tục được kéo dài thêm sự sống. Ngoài ra, mỗi chúng ta cần chung tay, thôi xa lánh người nhiễm HIV để họ có thể vượt qua rào cản, hòa nhập cộng đồng, để hướng tới tương lai", bác sĩ Thức nhấn mạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, bác sĩ Thức là thế hệ y, bác sĩ đầu tiên về làm việc tại Khoa từ những ngày đầu thành lập. Trải qua nhiều năm công tác, bác sĩ Thức đã đóng góp rất lớn trong hoạt động của khoa.

"Bằng kinh nghiệm, trình độ và đặc biệt là tình yêu thương của người thầy thuốc với những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh thế kỷ, bác sĩ Thức luôn tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi kiến thức để giúp cho người nhiễm HIV được "điều trị" về mọi mặt, đặc biệt là tinh thần", bác sĩ Lý Văn Sơn nói.

Theo lãnh đạo khoa Phòng chống HIV/AIDS, với những cống hiến trong hoạt động chuyên môn, bác sĩ Thức nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan, ban ngành và hơn hết là sự tin yêu, quý mến của đồng nghiệp, bệnh nhân.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống HIV trước xu hướng người nhiễm ngày càng trẻ hoáĐẩy mạnh tuyên truyền phòng chống HIV trước xu hướng người nhiễm ngày càng trẻ hoá

SKĐS - Trước xu hướng người nhiễm HIV ngày càng trẻ hoá, ngành chức năng ở Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền cách phòng chống, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn