Bác sĩ "nài nỉ" gia đình bệnh nhân để được cứu cụ bà bị đột quỵ não trong giờ vàng

20-03-2019 09:31 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Cụ bà 70 tuổi ở Tuyên Quang khi đi lễ chùa tại Quảng Ninh đã bị đột quỵ, liệt nửa người và được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng không có người thân. Các bác sĩ đã phải nhiều lần thuyết phục người nhà bệnh nhân qua điện thoại để được kịp thời cứu sống bệnh nhân trong giờ vàng

Trong lúc đi lễ chùa tại Quảng Ninh cùng hàng xóm, cụ bà 70 tuổi ở Tuyên Quang đột ngột ngã quỵ, nói ngọng, liệt nửa người. Cụ bà nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) sáng 16/3.

BS Phạm Thanh Tùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ não,tắc một nhánh trong mạch não cần phải can thiệp ngay. Lúc này, bệnh nhân không có gia đình mà chỉ có hai người hàng xóm đi cùng.

Theo BS Tùng, từ lúc bệnh nhân có dấu hiệu chuyển đến bệnh viện chỉ khoảng 30 phút. Bác sĩ nhận định, người bệnh đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng có thể cứu sống và hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, do có người quen làm tại một bệnh viện của Hà Nội, nên qua trao đổi, gia đình muốn chuyển bệnh nhân lên bệnh viện đó để yên tâm.

“Lúc đó, chúng tôi đã phải giải thích, thậm chí nài nỉ gia đình nên cho bệnh nhân can thiệp ở tại Bệnh viện Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí. Bởi, nếu đi nhanh thì quãng đường từ Quảng Ninh lên Hà Nội ít nhất phải mất 2 h đồng hồ. Như vậy có thể khiến bệnh nhân quá thời gian vàng, khó có thể can thiệp hiệu quả được nữa, bệnh nhân dù được cứu sống nhưng sẽ có thể để lại di chứng nặng nề”- BS Tùng kể lại.

“Cuối cùng, qua nhiều cuộc điện thoại trao đổi, thậm chí chúng tôi còn phải nhờ cả chuyên gia đầu ngành về cấp cứu đột quỵ não trao đổi với gia đình để gia đình đồng ý để bệnh nhân ở lại. Do bệnh nhân chỉ có hai người hàng xóm đi cùng nên viện phí khoảng 80 triệu đồng cũng chưa thể đóng tạm ứng cho bệnh viện, lại không có người nhà ký cam kết trước lúc can thiệp, song các bác sĩ vẫn quyết định cứu bệnh nhân”-BS Tùng cho biết thêm.

Sau ca can thiệp kịp thời, sức khoẻ của cụ bà bị đột quỵ não dang dần hồi phục. BS Phạm Thanh Tùng đang thăm khám lại cho cụ

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ dùng thuốc tiêu sợi huyết và nong mạch máu tắc. Can thiệp thành công. Lúc mới vào viện bệnh nhân hoàn toàn lơ mơ liệt nửa người, sau can thiệp nửa người bên trái đã vận động được và bây giờ đang trong quá trình phục hồi chức năng, hi vọng bệnh nhân hồi phục tốt, không để lại di chứng

Cũng theo BS Phạm Thanh Tùng, bệnh nhân này vẫn may mắn khi nhập viện và can thiệp trong thời gian vàng đối với bệnh đột quỵ. Đây là chìa khóa quyết định thành công cho cuộc điều trị, bởi thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch có tác dụng tối ưu với bệnh nhân nhồi máu cấp tính trước 3,5 giờ, thậm chí là 4,5 giờ với một vài trường hợp tính từ lúc khởi phát triệu chứng.

Được biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ, gần 50% trong số đó tử vong hoặc có nhiều di chứng cho sức khoẻ. Nếu may mắn được cứu sống, nhiều bệnh nhân đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý... ​

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não như đau đầu, nôn, méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, rối loạn ý thức... cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất.

TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, không riêng trường hợp này mà Bệnh viện đã thực hiện cấp cứu, phẫu thuật kịp thời cho rất nhiều ca bệnh mà lúc vào viện không có người nhà đi cùng, không có ai đóng viện phí và ký giấy cam đoan trước khi phẫu thuật.

“Mặc dù trong những tình huống đó, chúng tôi cũng hết sức lo lắng vì trong y khoa vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cở, những rủi ro. Tuy nhiên vì tính mạng và sức khoẻ của người bệnh, chúng tôi đã thực hiện ngay các việc cần thiết để cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân”- TS Trần Viết Tiệp nói

Bệnh viện cũng luôn phát triển nhiều kỹ thuật cao, làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân, giảm tải cho tuyến trên và giúp người bệnh không phải đi lại, tốn kém. Bệnh viện thường xuyên lấy phiếu đánh giá từ người bệnh, tỷ lệ hài lòng là 92 %. Hiện, bệnh viện cũng đang triển khai bệnh án điện tử theo quy định của Bộ Y tế, sang quý hai sẽ hoàn thiện.

Năm 2018, kết quả tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế thực hiện tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã công bố, Bệnh viện đạt 4,17/5 điểm, cao hơn rất nhiều so với 4 năm trước, được xếp tốp đầu về chất lượng trong hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.


Thái Bình
Ý kiến của bạn