Chia sẻ tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 3, TS.BS Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, hiện nay có một "xu hướng" khá tiêu cực trong lĩnh vực thẩm mỹ đó là làm đẹp thiếu an toàn. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng sau làm đẹp do không tìm hiểu kỹ và thực hiện tại những nơi không đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các ca tai biến thẩm mỹ sau tiêm filler, sau khi chiếu tia laser. Mới đây nhất là cô gái vào viện với u cục sưng tấy, hoại tử ở mông sau tiêm filler. Rồi cô gái với cặp môi sưng về; tai biến sẹo dọc cánh tay vì thu gọn bắp tay... "- TS. Hào cảnh báo.
Chuyên gia da liễu này cũng nhấn mạnh đến một thực trạng đáng chú ý là hiện nay người ta sử dụng mạng xã hội để quảng cáo làm đẹp rất rầm rộ. Thậm chí, họ còn tổ chức những khoá học về tiêm filler, nhấn mí... dù không được đào tạo bài bản.
Sau khi làm thon gọn bắp tay, bệnh nhân "khóc thét" vì sẹo dọc cánh tay, phải "cầu cứu" bác sĩ.
Theo thống kê của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, Top 5 trong số những thủ thuật thẩm mỹ không xâm lấn/ít xâm lấn được thực hiện nhiều nhất tại Hoa Kỳ năm 2017 là tiêm botulinum toxin, tiêm chất làm đầy, giảm béo không phẫu thuật, triệt lông, và tái tạo da bằng hoá chất.
Tại Việt Nam, tuy không có số liệu chính thức song những năm gần đây, lĩnh vực làm đẹp không phẫu thuật đã không ngừng phát triển, dẫn đến sự ra đời rất nhiều phòng khám, trung tâm thẩm mỹ, trung tâm laser, chăm sóc da, spa… Tuy nhiên, các thủ thuật thẩm mỹ ngày càng trở nên phổ biến và được thực hiện nhiều không chỉ ở các đơn vị y tế chính quy mà còn ở những cơ sở không giấy phép với nhân viên không được đào tạo bài bản, vì vậy nguy cơ xảy ra tai biến là không thể tránh khỏi.
Các tai biến này rất đa dạng, từ những tác dụng phụ như viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm đến những biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng như mù mắt, đột quỵ do chất làm đầy. Do đó, xử trí tai biến cũng là một trong những xu hướng hiện nay trong thẩm mỹ nội khoa - TS. Hào nói.
Tai biến sau làm đẹp: Khó "sửa chữa"
PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho rằng, các nạn nhân của tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ thiếu an toàn thường đến BV từ những cơ sở spa, thẩm mỹ thậm chí cả những trường hợp làm đẹp ở nước ngoài nhưng về nước thì bị biến chứng rất nặng nề.
Các tai biến phải kể đến các biến chứng tắc mạch, hoại tử vùng mũi, môi, mắt… Một số người đi cắt bao quy đầu ở phòng khám tư bị tai biến cũng tìm đến BV để khắc phục lại hậu quả. Trong khi đó, việc sửa chữa những biến chứng sau làm đẹp không hề đơn giản, nhiều trường hợp không thể trả về trạng thái ban đầu - chuyên gia này cho hay.
Bệnh nhân biến chứng nặng sau tiêm filler nâng mông tại cơ sở làm đẹp không an toàn.
Đồng quan điểm, TS. Hào cho rằng, những ca tai biến này, không phải cứ vào viện là có thể sửa chữa. Nhiều ca, sửa chữa chỉ ở mức độ nào đó, còn di chứng để lại suốt đời.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo có thể xóa nám, sạm da, trị sẹo... bằng các kỹ thuật laser ánh sáng. Song theo BSCKII. Trần Ngọc Phương - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, việc sử dụng các thiết bị laser và ánh sáng trong điều trị thẩm mỹ da đã tăng lên rất nhiều trong những năm qua, các thiết bị laser ánh sáng mới cũng không ngừng ra đời và cũng đồng thời có sự gia tăng các biến chứng từ việc sử dụng các thiết bị này.
Tuy nhiên, làm đẹp bằng laser thiếu an toàn dễ gây các biến chứng như bỏng da, thay đổi sắc tố da, bóng nước, sẹo và nhiễm trùng.
Để giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn, BS. Phương cho rằng, đối với bác sĩ ngoài việc lựa chọn bệnh nhân phù hợp với phương pháp điều trị thì người điều trị phải hiểu rõ về hoạt động của hệ thống laser, ánh sáng mình đang sử dụng. Trong khi đó để hạn chế các nguy cơ từ việc làm đẹp không "dao kéo", khách hàng cần phải đến các cơ sở uy tín, chuyên sâu.