Không chỉ là “tay dao” lành nghề trong lĩnh vực phụ sản, anh còn được nhiều người biết đến bởi chất lãng tử, hào hoa với nụ cười duyên và giọng nói ngọt ngào. Anh là BSCKII. Nguyễn Gia Định - Phó Giám đốc, Phụ trách khoa Sản, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.
Hết lòng vì người bệnh
Tôi thực sự bị cuốn hút bởi sự uyên bác mà nhẹ nhàng, thân thiện của vị bác sĩ tài hoa này. Con người Nguyễn Gia Định là sự hòa quyện của hai thế giới: khoa học và nghệ thuật. Anh chia sẻ: “Trong tôi có hai niềm đam mê hòa quyện vào nhau để hướng tới một tình yêu. Đó chính là tình yêu dành cho con người”.
BS. Nguyễn Gia Định thăm hỏi bệnh nhân tại Khoa Sản - BVĐK tỉnh.
Sinh năm 1956 tại một vùng quê nghèo nên lúc nào trong anh cũng mang trong mình khát vọng vươn lên. Năm 1974, sau khi tốt nghiệp tú tài, anh quyết định nộp đơn thi vào Trường đại học Y Huế. Những năm tháng ở giảng đường là khoảng thời gian đẹp để chàng trai xứ Huế thể hiện bản thân, từng bước tiến gần đến ước mơ. Năm 1981 tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế hệ ngoại sản, chàng thanh niên Nguyễn Gia Định về công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Khu vực Kon Tum (thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ). Sau khi chia tách tỉnh, năm 1993, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách mảng chuyên môn của Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.
Anh cho biết: Cả tỉnh lúc ấy chỉ có 25 bác sĩ. Mô hình bệnh tật thời đó rất phức tạp, đa phần là những bệnh dịch nguy hiểm và rất dễ gây chết người hàng loạt như sốt rét, dịch hạch, uốn ván, bạch hầu, dịch tả, tiêu chảy cấp... và các loại ngộ độc nhất là ngộ độc thuốc rầy P - HC, rồi các bệnh lý cấp cứu ngoại sản mà không thể dễ dàng chuyển lên tuyến trên vì rất thiếu thốn, khó khăn về điều kiện và phương tiện vận chuyển. Anh đã cùng các đồng nghiệp tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện, thành lập các khoa phòng của một bệnh viện quy mô 360 giường bệnh với lề lối làm việc của cán bộ nhân viên y tế đầy nhiệt tâm, nhiệt tình và tương đối thông thạo trong việc cứu chữa có hiệu quả, đã cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo kể cả nội - ngoại khoa mà trước đây phải chấp nhận tử vong hoặc phải chuyển tuyến trên.
35 năm gắn bó với công tác điều trị đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm: có vui, có buồn, có lo lắng, có hồi hộp. Nhớ lại khi cứu sống một bệnh nhân, BS. Nguyễn Gia Định vẫn rưng rưng xúc động: Như bao phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số khác ở tỉnh Kon Tum thường sinh em bé tại nhà và do mụ vườn đỡ. Một buổi chiều mưa, bệnh nhân Y Lan ở huyện Đăk Glei đến nhập viện với chẩn đoán “nhiễm trùng hậu sản do sót nhau”. Bệnh nhân lúc này đã bị loét mục vùng xương cùng cụt, chỉ còn da bọc xương, suy kiệt và được tiên lượng rất nặng, có khả năng tử vong. Sau 10 ngày điều trị, gia đình nằng nặc đòi xin về nhà, vì họ nghĩ rằng chắc chắn bệnh nhân không thể qua khỏi, đồng thời người nhà cũng không còn gạo, lương thực để ở lại bệnh viện phục vụ nữa. Với hy vọng “còn nước còn tát”, BS. Nguyễn Gia Định vừa phải trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, vừa phải giải thích, động viên anh em trong khoa giúp đỡ cho người nhà. Sau phác đồ điều trị, chăm sóc đặc biệt cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả Khoa Sản ngày ấy, hàng ngày thay băng, cắt bỏ những mảng thịt thối do hoại tử, dùng kháng sinh liều cao chống nhiễm khuẩn và nâng cao sức khỏe, điều kỳ diệu đã đến với bệnh nhân. Chỉ sau 2 tuần, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng.
Khi xuất viện, Y Lan chống gậy, bước lom khom cùng người chồng tay xách 1 túi nặng bước vào khoa cảm ơn các y bác sĩ với giọng nói vừa chân tình vừa xúc động: “Mình biết ơn các bác sĩ nhiều lắm. Mình mang ít nếp, ít đường gửi các bác sĩ nấu chè ăn cho mình vui cái bụng”. Món quà hôm ấy chừng 3 ký gạo nếp đỏ và 1 ký đường đã được BS. Nguyễn Gia Định thay mặt cả khoa đón nhận. Khoa Sản đã nấu 2 nồi chè để cùng nhau ăn rất ngon lành, vui vẻ. Và không ít người hôm ấy cảm nhận rõ khóe mắt mình cay cay, với cảm nhận cả khoa đã cùng nhau chiến đấu, giành giật lại từng mạch đập, từng hơi thở của bệnh nhân từ bàn tay của tử thần.
Tôi hỏi anh: “Anh nghĩ sao về những món quà của bệnh nhân”? Anh xúc động trả lời: “Câu chuyện bệnh nhân cảm ơn bác sĩ có muôn hình vạn trạng. Có cả những hình ảnh được xem là tiêu cực nhưng cũng có những câu chuyện mà cả đời người bác sĩ họ không thể nào quên, nhất là ánh mắt của bệnh nhân đã nói lên tất cả. Suốt đời tôi tâm niệm câu nói của Hải Thượng Lãn Ông: “Phải đâu vất vả mong ân huệ. Trong đáy lòng ta cốt cứu người”.
Phút giây thư giãn bên cây đàn ghi-ta cùng các đồng nghiệp của BS. Nguyễn Gia Định.
“Thi ca, văn nghệ đã giúp tôi hoạt động hiệu quả hơn trong trong việc”
Tự nhận mình hát không hay, cũng chưa từng được học âm nhạc một cách bài bản nhưng mỗi lúc nghỉ ngơi hay căng thẳng, anh thường ôm cây đàn ghi ta hát nghêu ngao một mình hoặc say sưa thổi chiếc kèn harmonica thư giãn, để rồi tự nạp lại năng lượng cho mình nên nhìn anh lúc nào cũng thấy sự tươi trẻ và yêu đời. Anh tiết lộ: Chơi đàn lúc đầu là do ngẫu hứng, thích quá nên cứ đánh lung tung cả. Rồi có người bạn chỉ bày cho vài nốt thế là đam mê và việc chơi đàn của anh cũng trở nên dễ dàng hơn. Ai đã có được những phút giây thư giãn cùng anh đều có chung cảm nhận: một vị bác sĩ hết sức bình dị và dễ gần, một nhà khoa học mê chơi đàn, kèn và khiêu vũ. Anh cũng cho biết: Đàn hát, dancing là nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn nghệ thuật của ngành y là nghệ thuật vị nhân sinh. Khi cầm dao phẫu thuật không khác là mấy khi chơi đàn. Một ca mổ cho kết quả tốt, an toàn, ít chảy máu, đạt yêu cầu thẩm mĩ cao cũng có thể gọi là nghệ thuật, nhưng đó là nghệ thuật vì cuộc sống của con người. Nó tạo cho mình sự hưng phấn, thúc đẩy hoàn thiện công việc. Bên cạnh đó, khi hòa mình vào từng nốt nhạc mình có thể trút bỏ những ưu tư, phiền muộn trong lòng. Rất có thể âm nhạc và y khoa có sự đồng điệu trong tâm hồn, đó là tâm hồn của sự đồng cảm, của cái đẹp, của nhân văn. Và tình yêu cuộc sống cũng như hơi thở của cuộc sống. Nếu như bác sĩ mang hơi thở đến cho người bệnh thì âm nhạc lại mang hơi thở cho cuộc sống. Thi ca, văn nghệ đã giúp tôi hoạt động hiệu quả hơn trong công việc.
Tôi thầm nghĩ: Có lẽ cả hai đam mê ấy đều khiến cuộc sống của anh trở nên có ý nghĩa hơn, thi vị hơn. Hình như chính tính nhân văn của ngành y, nghề y mà anh đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến còn khiến những nốt nhạc, lời ca của anh như có hồn hơn, sâu sắc hơn.
Trong công tác phong trào, văn hóa văn nghệ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, anh cũng là người thổi ngọn lửa nhiệt huyết cho đồng nghiệp. Riêng bộ môn khiêu vũ, anh đã chủ động đề xuất với lãnh đạo bệnh viện mời những vũ công chuyên nghiệp đến dạy cho gần 50 cán bộ công chức trong vòng 3 tháng. Trong Hội thi Khiêu vũ anh đã đạt Giải Nhì do Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức tháng 10 năm 2008.
Ngày 1/7/2016 vừa qua là ngày đầu tiên BS. Nguyễn Gia Định chia tay với Bệnh viện đa khoa tỉnh sau 35 năm gắn bó, rời khỏi cương vị của một cán bộ công chức Nhà nước để nhận sổ hưu, trở về sinh hoạt với gia đình và địa phương. Khi tôi hỏi: “Nghỉ hưu, nghĩa là anh sẽ thôi làm công tác điều trị”? BS. Định quả quyết: “Tôi sẽ làm công việc của một bác sĩ đến khi nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Hồi nhỏ, tôi đã ao ước được khoác chiếc áo blouse trắng. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn nguyện làm bác sĩ”. Tình yêu đối với nghề y chẳng phải ở đâu xa, mà do chính anh vun đắp và tạo cảm hứng. Hẳn mỗi người khi chọn để bước chân vào ngành này đều mang trong mình tâm hồn trắc ẩn, giàu nhân văn và cần phải có sự hy sinh nhất định mới có thể xứng đáng trở thành người thầy thuốc khoác trên mình chiếc áo blouse trắng tinh khôi.