Mỗi ngày dành khoảng 30 phút để trao đổi với các đồng nghiệp ở cơ sở về tình hình chung ở bệnh viện cho đến từng ca bệnh cụ thể là cách để ThS. Nguyễn Bích Hoàng, bác sĩ chuyên khoa nhi ở BVĐK TƯ Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ luân phiên cán bộ theo Đề án 1816 tại BV huyện Võ Nhai. Và rất nhiều sáng kiến của các cán bộ luân phiên như BS. Hoàng đã được áp dụng, tạo nên những "kỳ tích" trong điều kiện ngặt nghèo nhất mà bản thân họ cũng không thể tưởng tượng.
Hướng dẫn bác sĩ tuyến dưới chăm sóc trẻ sơ sinh non yếu. Ảnh: PV |
Cùng đi luân phiên với BS. Hoàng ở Võ Nhai còn có BS. Đỗ Minh, Khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK TW Thái Nguyên cũng đã từng phải "tay không bắt giặc" như thế. Đó là khi một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ, cần phải đặt nội khí quản (đặt ống thông khí vào trong phổi để bóp bóng đưa khí vào phổi). Để đặt nội khí quản thì phải có đèn soi chuyên dụng nhưng BV huyện Võ Nhai khi đó chưa có thiết bị này. Vậy là, bằng kinh nghiệm của mình, BS. Minh phải mày mò trong điều kiện không đủ ánh sáng và đã thành công.
BS. Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc BVĐK TW Thái Nguyên cho biết, từ khi triển khai đề án, hầu hết những cán bộ đi luân phiên đều hưởng ứng rất nhiệt liệt chủ trương này của Bộ. Để động viên anh chị em, BV cũng tạo điều kiện cho cán bộ luân phiên được hưởng công A, ưu tiên xét nâng lương trước thời hạn, thành tích thi đua cuối năm cũng được ưu tiên. Bản thân cơ sở, những nơi tiếp nhận cán bộ đến luân phiên nhiều khi cũng không biết được họ cần cái gì, do đó BV tuyến trên phải xuống cơ sở để khảo sát tình hình, xác định xem cơ sở còn thiếu cái gì, cần chuyển giao cái gì để cử cán bộ xuống. Khó khăn thiếu thốn là thế, song các anh chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. BS. Hoàng và bác sĩ Minh còn cho biết, các anh sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ nếu được cử đi một lần nữa. Các anh không chỉ coi đó là nhiệm vụ mà còn là một thử thách đối với bản thân mình, rèn luyện nâng cao tay nghề để có thể thích nghi với mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.
Hạ Hiền