Nhiều năm nay, tôi từng nghe nói và nhắc nhiều đến bác sĩ Hàng Nhựt Tâm qua lời kể của bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh, tác giả cuốn hồi ức Một cuộc đời làm nghề thầy thuốc do Nhà xuất bản QĐND ấn hành, tái bản lần thứ nhất. Bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh còn soạn riêng một tài liệu hơn 30 trang gửi đến các cấp có thẩm quyền, đề nghị Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng nghiệp của mình. Ông khẳng định: “Lịch sử ngành y tế Việt Nam chưa có một bác sĩ - chiến sĩ nào có hành động anh hùng như Hàng Nhựt Tâm!”.
Bác sĩ - liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm một tấm gương sáng ngời của một bác sĩ, trí thức trẻ dấn thân… trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Tuổi Đinh Sửu (1937), quê ở xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cha và các anh chị em đều tham gia kháng chiến, Hàng Nhựt Tâm sớm tham gia cách mạng.
Năm 13 tuổi, anh học trường tiểu học kháng chiến Đồng Tháp Mười. Từ năm 1954, tập kết ra Bắc, Tâm vào học Trường học sinh Miền Nam và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Năm 1961, anh vào Đại học Y khoa Hà Nội, cùng lớp với Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Việt Tuyết… Đến năm 1964, Bộ Y tế và trường Đại học Y Hà Nội chọn khoảng 40 sinh viên khóa 1961-1966, tách thành một lớp riêng không nghỉ hè, nghỉ Tết, tập trung học một số chuyên khoa sâu theo yêu cầu của chiến trường miền Nam. Tiêu chí tuyển chọn những sinh viên quê miền Nam, có sức khỏe, nhiệt tình trở lại chiến trường công tác, trung thành với cách mạng… Trong số đó có Hàng Nhựt Tâm, một sinh viên hiền lành, chân thật, nhân hậu.
Tốt nghiệp ra trường, bác sĩ Hàng Nhựt Tâm được cử sang Liên Xô tiếp tục con đường học vấn. Thời kỳ này, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Như bao bạn bè khác, Tâm không còn lòng dạ nào để học tập. Cộng thêm nỗi nhớ nhà, nhớ ba má, đã khiến anh quyết định phải mau chóng trở về quê hương để góp sức mình, sát cánh cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu bảo vệ quê hương.
Cuối cùng, Hàng Nhựt Tâm cũng được toại nguyện. Anh cùng các bạn trong lớp khoác ba lô, hăm hở vượt Trường Sơn về miền Nam. Hàng Nhựt Tâm nhận công tác ở Ban Dân y khu 8. Chưa kịp ấm chỗ thì anh được lệnh cùng bác sĩ Trần Hữu Hằng đi chi viện cho tỉnh Bến Tre. Cuối năm 1967, trước lúc chia tay bác sĩ Lê Minh Trí để chuyển về làm Trưởng ban Dân y H10 (Ban Dân y thị xã Mỹ Tho), Hàng Nhựt Tâm còn kịp trao cho bạn bản chép tay bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường: “Tôi hát ngàn lời ca nồng nàn hơn nắng ban mai, đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài, là một niềm tin Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, là một niềm tin…”. Thời gian công tác tại quê hương Đồng Khởi anh hùng, Hàng Nhựt Tâm đã có một tình yêu nồng cháy với một người con gái xứ dừa xinh đẹp. Hai người đã hẹn ngày hết chiến tranh thì anh sẽ trở lại Mỏ Cày, Bến Tre làm lễ thành hôn…
Bấy giờ, chiến trường Mỹ Tho bị địch đánh phá rất ác liệt. Nơi đứng chân của Ban Dân y ở kênh Tây - Nguyễn Văn Tiếp liên tục bị máy bay địch dội bom. Địa hình nơi đây mỏng và trống trơn. Ban đêm, pháo địch từ Bình Đại liên hồi kỳ trận nã vào căn cứ của ta. Trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân-1968 mở màn, bác sĩ Hàng Nhựt Tâm tham gia chống càn tại xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy.
Ngày 13/1/1968, biệt kích Mỹ cùng lính sư đoàn 7 càn quét từ kinh Nguyễn Văn Tiếp đến kinh Tây. Một số người rút lui về Trảng Mù, riêng bác sĩ Hàng Nhựt Tâm vẫn kiên trì bám trụ. Do có kẻ đầu hàng phản bội, dẫn địch về khui hầm súng của X12, gần kề hầm bí mật của Hàng Nhựt Tâm.
Một tiếng nổ lớn khiến đất quanh hầm bay tung tóe, bốc luôn cả nắp hầm bí mật. Phát hiện có người ở dưới hầm, bọn địch liền bắc loa gọi hàng và xúm lại tính bắt sống. Người bác sĩ trẻ trả lời giặc bằng những quả lựu đạn da láng.
Anh dùng khẩu súng ngắn K54 bắn hết cả hai băng đạn, diệt 3 tên địch, làm bị thương một số tên khác. Hàng trăm tên địch khép chặt vòng vây, chúng dùng M79 nã vào hầm. Hàng Nhựt Tâm anh dũng hy sinh. Bọn địch lôi xác anh lên miệng hầm rồi mổ bụng, moi gan, chúng đem vào nhà dân rêu rao “đây là gan của tên Việt cộng, can đảm chưa từng thấy”.
Các bác sĩ chăm sóc thương, bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu)
Khi nữ bác sĩ Thu Dung cùng một người dân trở lại nơi Hàng Nhựt Tâm hy sinh, bọn địch tàn ác còn gài lựu đạn và mìn dưới thi thể anh. Hai người phải vất vả lắm mới lấy được thi hài Hàng Nhựt Tâm đem về nghĩa trang xã Mỹ Phước Tây an táng. Thấu hiểu nguyện vọng cháy bỏng của người trí thức trẻ này, bác sĩ Thu Dung đã đề nghị với đồng chí Mười Hà, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho kết nạp Hàng Nhựt Tâm vào Đảng. Trong buổi lễ truy điệu tổ chức tại Văn phòng Thành ủy Mỹ Tho (đóng ở xã Đạo Thạnh) liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm có tên trong hàng ngũ của Đảng.
Bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (1977) ghi rõ chức vụ của Hàng Nhựt Tâm là “Trưởng ty Y tế”. Hội đồng Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1986). Tháng 12/2014, cụ Đoàn Thị Qưới, thân mẫu của liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm, được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cùng các sở, ban ngành hữu quan, hoàn tất hồ sơ và thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm.
Dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, Hàng Nhựt Tâm là tấm gương sáng ngời của một bác sĩ, trí thức trẻ dấn thân…