Tôi là một bác sĩ, lại làm chuyên khoa Thận - Tiết niệu, có rất nhiều loại bệnh tật mà đa phần là bệnh lý mạn tính, tức là không thể chữa khỏi hẳn, chỉ có thể điều trị duy trì, điều trị bảo tồn và phòng ngừa cũng như giảm thiểu biến chứng.
Vì vậy đa phần những bệnh nhân của tôi khi được cho ra viện nhưng vẫn còn bệnh, vẫn phải tiếp tục dùng thuốc điều trị, vẫn phải tái khám định kỳ. Trong đó có rất nhiều người bệnh phải chuyển sang chế độ điều trị thay thế thận, tức là phải lựa chọn làm lọc màng bụng liên tục ngoại trú, chạy thận nhân tạo chu kỳ hoặc may mắn hơn thì được ghép thận và cuộc sống của họ vẫn phải tiếp tục gắn liền với bệnh viện vì bệnh của họ đều phải đeo đẳng suốt cả cuộc đời.
Người có bệnh, đặc biệt là bệnh thận, bệnh lý tim mạch, nội tiết, ... trong quá trình điều trị và sau khi ra viện thường được các bác sĩ kê đơn kèm theo những tư vấn về chế độ tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi và thay đổi lối sống.
Tôi vẫn nói với bệnh nhân của mình, muốn kéo dài cuộc sống thì chỉ uống thuốc thôi là không đủ, còn phải kết hợp rất chặt chẽ với thay đổi về lối sống, như chế độ ăn uống, lao động, vận động, nghỉ ngơi thật hợp lý.
Nhưng quá trình thực hiện thực tế thì lại rất khó khăn, một trong những lý do quan trọng đó chính là vấn đề tài chính - kinh tế. Không có tiền thì người bệnh không đi khám bệnh đầy đủ, thậm chí là bỏ khám bệnh, không đủ tiền thì uống thuốc không đủ thậm chí tự ý bỏ thuốc, hoặc mua thuốc không đúng theo đơn, rồi không có tiền thì lấy đâu ra chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, gây ra thiếu hụt về dinh dưỡng.
Những nghiên cứu cho thấy thiếu hụt dinh dưỡng làm bệnh nặng lên, làm tăng tỉ lệ nhập viện và tử vong, nhưng nó gây ra những cái chết "thầm lặng", không rầm rộ như các biến chứng tim mạch mà thôi.
Với một bác sĩ chuyên khoa Thận, công việc chẩn đoán một bệnh nhân bị bệnh thận đã vào giai đoạn cuối đa phần là không khó khăn, và quyết định cho người bệnh chuyển sang giai đoạn phải lọc máu để suy trì cuộc sống cũng rất nhanh chóng.
Nhưng đằng sau các quyết định của người bác sĩ là cả một khó khăn của người bệnh, và thậm chí là diễn biến tâm lý hết sức nặng nề, một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời của họ.
Khi tiếp xúc với những người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ, tôi thấy đa phần người bệnh trở nên cam chịu với bệnh tật và đớn đau mà mình đã mắc phải, thậm chí có phần "chai sạn" về tâm lý, nhưng cũng có những người bị biến đổi về tâm lý, bị trầm cảm, hoặc có những người trở nên khó tính hơn.
Đó là những diễn biến về tâm lý hoàn toàn có thể hiểu được, vì họ phải mang trong mình bệnh tật, đau khổ, tiêu tốn tiền của nhưng lại bị giảm hoặc mất khả năng lao động. Họ mang trong mình mặc cảm tâm lý phải sống một cuộc sống phụ thuộc.
Có lẽ người bác sĩ kê được cho người bệnh một cái đơn hợp lý, đưa ra được một số lời dặn dò và có thể thấy vậy là đủ. Nhưng thực tế thì tôi thấy vẫn chưa đủ, và có mong ước lớn hơn:
Đó là mỗi một bác sĩ lâm sàng cũng phải là một "Bác sĩ tâm hồn", tức là có khả năng sửa chữa và chữa lành cả về tâm lý và tâm hồn của người bệnh.
Điều này thực sự là khó khăn vì có quá ít thời gian mà nhân viên y tế có thể dành cho người bệnh, hơn nữa kỹ năng này còn chưa được đào tạo một cách bài bản trong các trường đào tạo Y khoa ở nước ta.
Thực ra sinh viên Y khoa cũng được học về kỹ năng giao tiếp, về tâm lý Y học nhưng mới chỉ là những lý thuyết sơ khai. Vấn đề thực hành thậm chí thực hành thuần thục thì đòi hỏi phải có thời gian rèn luyện và cần được đào tạo thêm rất nhiều, thậm chí là nhân viên y tế nói chung và các bác sĩ lâm sàng nói riêng tại các cơ sở y tế cũng phải đào tạo liên tục.
Không biết sẽ có bao nhiêu phần trăm người bệnh khi ra viện, dù là đã khỏi bệnh hay qua được cơn thập tử nhất sinh có thể thay đổi được lối sống, thấy trân trọng cuộc sống và sức khỏe của mình hơn, biết sống lạc quang, biết sống hạnh phúc hơn dù là bản thân mình vẫn đang bị bệnh, vẫn đang phải dùng thuốc?
Tôi thì vẫn nghĩ và luôn động viên bệnh nhân rằng, dù đang bị bệnh, thậm chí là đang bị bệnh hiểm nghèo thì người bệnh vẫn có thể sống hạnh phúc, sống an lạc trong từng phút giây.
Tuy khó nhưng không phải là không thể có được. Để làm được điều đó không chỉ sự kiên cường, nỗ lực của bệnh nhân mà còn là nhiệm vụ của các bác sĩ lâm sàng, các bác sĩ tâm lý và thậm chí cả đức tin tôn giáo.
Hiện tại thì cá nhân tôi vẫn chưa thể làm được những điều đó, tôi vẫn đang cố gắng và mong ước. Nhưng tôi mong muốn bệnh nhân lạc quan và chung sống hoà bình với bệnh tật. Bởi, ở góc nào đó vui vẻ đón nhận sự thật khắc nghiệt sẽ thoải mái hơn là sống trong bi luỵ, mặc cảm đau khổ.