Người ta chỉ thấy nhân viên y tế hung dữ nạt nộ bệnh nhân chứ người ta đâu nhìn thấy những cảnh, hay nghe họ nói gì nghĩ gì khi thấy một bệnh nhân nghèo.
Có những bệnh nhân nghèo. Nói vậy thôi chứ đôi khi người ta cũng chưa tưởng tượng được bệnh nhân nghèo và hoàn cảnh đáng thương như thế nào nếu chưa chứng kiến được thực tế, chưa nhìn bệnh nhân, chưa nói chuyện hay thậm chí chưa ngửi “cái mùi” của bệnh nhân nữa.
Một bệnh nhân nam 38 tuổi, quê ở Bình Phước, người gầy hốc hác nhìn cứ ngỡ khoảng 50-60 tuổi. Nhà nghèo lắm, anh ta làm nghề lấy mật ong trên rừng, còn người vợ thì khù khờ làm nghề bắt ốc hái rau, thi thoảng móc mì đem ra chợ bán.
Cách đây một năm, vì tiểu không ra và đau chằng vùng bụng dưới từ lâu mà không có tiền chữa bệnh. Tình cảnh của những người nghèo hầu như giống nhau, khi không còn chịu nổi nữa mới đi khám bệnh. Khi vào bệnh viện ở Bình Phước mới phát hiện ra sỏi bàng quang to và nhiễm trùng, nên mổ lấy sỏi. Lần mổ đó họ cũng không có tiền, nhờ những người hàng xóm góp tiền cho hai vợ chồng đi bệnh viện.
Từ khi mổ về, bệnh tình cũng chẳng thuyên giảm, vết mổ chuyển qua nhiễm trùng, càng ngày càng khó đi cầu, đi tiểu.
Bệnh nhân Lâm Hoàng, sinh năm 1976, đang nằm khoa Tổng quát 1, phòng 310, giưòng 5B, BV Bình Dân rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
- Mổ xong về vài ngày tui đi cầu ra phân và ra máu nên kêu thằng cháu, nó nói không được rồi, rồi nó chở đi bệnh viện nữa. Lúc thì nó lồi cục này lúc thì nó lồi cục kia, lồi ngay chỗ “con trê” nữa - bệnh nhân đau khổ buồn bã nói, giọng của một người dân tộc ít người.
Khám tới khám lui, lúc có tiền, có gạo được là do những bà xơ làm từ thiện giúp đỡ thì vào bệnh viện khám, chữa, nhưng cũng không hết hẳn. Dần dần, không có thể đi bệnh viện chữa, đành phải đi thầy thuốc nam thuốc bắc.
- Các thầy nói bệnh trĩ mạch lương, nếu đúng thì trị là hết, còn không nó ăn luồn dữ lắm – anh ấy nói như thế.
- Trước mổ hay sau mổ, anh lúc nào cũng đi cầu khó- người vợ nói thêm
- Mấy đứa cháu nó nghe vậy nên nó cho hai ba con lươn gì đó, em về em ăn, ăn xong mấy cái mục đó nó bể ra luôn - ngừng một lúc rồi anh nói tiếp. Thấy vậy bà mới đi hỏi mấy ông thầy thuốc bắc, mấy ông kêu đừng có ăn lươn nữa.
Bệnh quá nhiều, bí quá, đi đầu này đầu kia mà vẫn không hết bệnh, chữa thuốc tây thuốc nam thuốc bắc cũng không hết bệnh nên ai mách gì cũng nghe, rồi lại nghe các bà hàng xóm đắp thuốc lá lên cái cục lồi ra ở hậu môn.
- Đắp các thuốc mát, lá, lá diếp cá để cho đỡ nhức. Anh nói thêm vào câu chuyện giữa người vợ và bác sĩ, dù đang mệt.
- Đắp như vậy thấy có đỡ không? - bác sĩ hỏi.
- Thì thấy cũng đỡ, nhưng đỡ một thời gian thôi, rồi sau đó nó xì ra, bên ngoài nó vậy chứ nó cương bên trong, xong rồi nó xì mủ ra quá trời luôn, lúc đó người ta thấy không được rồi nên người ta mới kêu chở đi bệnh viện nữa. Họ bảo đi khám đi chứ để vậy không được đâu. Anh nói với vẻ mặt thất vọng.
Vì lần cuối cùng, trước khi đến BV Bình Dân, hai vợ chồng họ đến bệnh viện Củ Chi, bệnh nhân gặp những người làm từ thiện, bà vợ nói vô.
- Mấy “ông nhân đạo” ấy, mấy ông cho tiền đi khám, hai cái ông hồi hôm qua đi đóng tiền đó bác sĩ, tiền xe gì mấy ông cũng lo hết.
- Vậy chứ nằm ở nhà cả năm trời có làm gì đâu mà có tiền khám – bệnh nhân lại nói.
Khi khám bệnh nhân thì thôi, không thể nào mà tả được hình ảnh cái tổn thương và cái mùi mà mó bốc ra nữa. Rất hôi và thúi, trên bụng thì xì nước tiểu, nguyên cả tầng sinh môn lở loét, phân xì ra liên tục dính vào vết lở loét đó. Các nhân viên y tế ráng cố gắng mang khẩu trang mới có thể chăm sóc cho bệnh nhân được, hôi thúi lắm.
Thấy bệnh nhân nghèo khó quá, mới thấy cái tình người trong bệnh viện, một em y tá tên T. trong khoa cấp cứu nói:
- Hôm qua em hướng dẫn vợ bệnh nhân đi đóng tiền sinh thiết mà bà khờ lắm, không có tiền nữa nên em lấy tiền của em đóng cho luôn.
Lúc vào phòng mổ, mình mổ xong mở bàng quang ra da cho bệnh nhân, cuộc mổ chia làm hai thì mở bàng quang ra da và mở hậu môn tạm, có một em điều dưỡng phòng mổ nói:
- Để em xem có cái mã phẫu thuật nào đó rẻ nhất, cho bệnh nhân tốn ít tiền, thấy ông nghèo quá bác ơi.
Bởi vậy mới nói, người ta chỉ thấy nhân viên y tế hung dữ nạt nộ bệnh nhân chứ người ta đâu nhìn thấy những cảnh, hay nghe họ nói gì nghĩ gì khi thấy một bệnh nhân nghèo.
Trước hoàn cảnh một bệnh nhân nghèo, một đồng loại trong cảnh khó khăn bế tắc, mới thấy tình người có ở khắp nơi. Người đâu nghèo quá, tội nghiệp quá nên ai cũng thấy mủi lòng. Nào là các người hàng xóm góp tiền cho bệnh nhân khám bệnh, nào là các bà xơ cho tiền cho gạo, nào là “các ông nhân đạo” giúp bệnh nhân đi bệnh viện và đóng tiền cho bệnh nhân, nào là các y tá nữa. Nhưng, chắc sự giúp đỡ đó chỉ là bước đầu thôi, những ngày sắp tới, hai vợ chồng họ không biết xoay xở thế nào đây?
Nhìn tổn thương, nhìn bệnh án nào là kháng sinh mạnh, nào là truyền rất nhiều máu thì đủ biết chi phí điều trị không hề rẻ. Làm sao để tìm những “ông nhân đạo” hay các bà xơ tốt bụng, hay các mạnh thường quân nữa giúp họ đây ở cái chốn này?
BS. Phan Văn Hoàng