Hà Nội

Bác sĩ khuyến cáo: Những lưu ý cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân suy tim

Bác sĩ Lê Thị Lan Hương

Bác sĩ Lê Thị Lan Hương

Khoa Nhịp tim học - Bệnh viện Nhân dân 115

01-03-2019 07:01 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Hiện nay, suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng trong dân số. Ở Việt Nam, dù chưa có một nghiên cứu chính thức về tỷ lệ mắc bệnh suy tim, song ước tính đến nay khoảng 1,6 triệu người nước ta bị suy tim.

Chăm sóc bệnh nhân suy tim đúng cách là biện pháp “điều trị không dùng thuốc” nhưng có thể giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Bác sĩ Lê Thị Lan Hương - Khoa Nhịp tim học - Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ với độc giả về vấn đề này.

Suy tim là một hội chứng lâm sàng gây ra bởi bất thường cấu trúc hoặc chức năng của tim, dẫn đến giảm cung lượng tim và / hoặc tăng áp lực trong buồng tim khi nghỉ hoặc gắng sức. Vì vậy, suy tim có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi.

Mục tiêu điều trị của suy tim bao gồm:

- Phục hồi chức năng tim nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng hoạt động thể chất và làm chậm tiến trình của bệnh.

- Phục hồi chức năng tim là một giải pháp toàn diện, cần sự hợp tác tốt của bệnh nhân – nhân viên y tế - gia đình. Bao gồm: chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ luyện tập, giảm căng thẳng và tuân thủ điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần được tư vấn kiến thức về bệnh lý tim mạch của mình và có thể tự theo dõi một số triệu chứng bất thường.

Bác sĩ Lê Thị Lan Hương, Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115 .

Người bệnh cần lưu ý đến chế độ ăn:

- Ăn đủ dinh dưỡng và vitamin

- Ngưng thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn: rượu, bia.

- Hạn chế muối, nhất là suy tim nặng, thường giới hạn < 2g muối mỗi ngày. Do đó bệnh nhân suy tim cần tránh thực phẩm đã chế biến, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh. Tập thói quen đọc hàm lượng Natri (Sodium) ghi trong thành phần trong thực phẩm đóng sẵn.

- Lượng nước uống tính theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Tránh truyền dịch nếu không có chỉ định của nhân viên y tế. Nếu BN phù nhiều thì cần phải hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn.

- Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên ăn các loại thức ăn lên men như: cải bắp, rau cải, đậu đỗ, dưa muối.

- Bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần phải nghỉ ngơi 30-40 phút.

- Đối với BN suy tim có sử dụng thuốc chống đông: Nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sậm màu như: cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải, mùi tây và rau diếp…

Người bệnh cần thường xuyên tập thể dục:

Người bệnh cần phải thường xuyên tập thể dục điều này giúp kiểm soát cân nặng.  Ổn định huyết áp và nhịp tim. Ổn định đường huyết và mỡ máu. Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe.

Cần phải lưu ý:

- Đặt ra mục tiêu tập luyện vừa phải, không quá sức. Khi mới tập cần tập nhẹ, tăng dần cường độ.

- Tránh những hoạt động nặng như chạy bộ, nâng tạ, tránh những bài tập làm căng, duỗi, co cơ liên tục.

- Nếu ngưng tập một vài ngày (do bị cảm, bận công việc, thời tiết xấu...), khi tập lại cần tập nhẹ hơn mức bình thường, tăng dần cường độ về bằng mức trước đó vào những buổi tập sau.

- Tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt: độ ẩm cao làm mau mệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực.

- Uống đủ nước. Nên uống nước ngay cả khi không khát, đặc biệt trong những ngày nóng.

- Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi tập hoặc ngày hôm sau, thì cần giảm bớt cường độ tập luyện.

- Nếu cảm thấy có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói... hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm cần đến bác sĩ kiểm tra.

Người bệnh cần tuân thủ điều trị

Trong nhiều thập kỷ nay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều loại thuốc điều trị suy tim không chỉ cải thiện triệu chứng mà có thể giúp kéo dài đời sống và giảm tỉ lệ tử vong. Điều quan trọng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Suy tim là bệnh lý mạn tính, do đó điều trị thuốc mỗi ngày là cần thiết, ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe nhiều, không có triệu chứng. Không bao giờ được dừng thuốc, tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào khác mà không thông qua ý kiến của bác sĩ điều trị.

Suy tim là bệnh lý mạn tính, điều trị suy tim là một quá trình dài hạn. Kết quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác tốt từ phía bệnh nhân và gia đình. Với những chia sẻ trên đây, hy vọng bệnh nhân sẽ có thêm kiến thức về bệnh lý tim mạch này. Chính sự hiểu biết về bệnh là một trong những cách đơn giản nhất, là biện pháp “điều trị không dùng thuốc” nhưng có thể giúp bệnh nhân có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Hi vọng người dân sẽ luôn giữ được “trái tim khỏe mạnh”.

Trái tim của chúng ta hoạt động như một máy bơm. Khi suy tim, chức năng tim giảm, không thể bơm đủ máu đi nuôi các cơ quan, vì thế thường gây ra tình trạng ứ dịch. Do đó, một số triệu chứng thường gặp của cơ quan bao gồm:

- Khó thở, thường khởi phát khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi.

- Ho thường xảy ra khi nằm, về đêm.

- Phù chân, báng bụng và tăng cân nhanh.

- Nhịp tim nhanh.

- Có thể có đau ngực kèm theo.

Nên tái khám với bác sĩ ngay khi tình trạng trên không giảm sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
Hoặc có những dấu hiệu nặng như:

- Khó thở kéo dài, ngay cả khi nghỉ ngơi. Khó thở khi nằm.

- Thường vã mồ hôi, da nhợt nhạt.

- Đau ngực kéo dài không giảm khi dùng thuốc.

- Tiểu ít < 500ml/ 24 giờ.

- Ho đàm bọt hồng.


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn